Toàn cảnh thịt lợn rớt giá kỷ lục khiến nông dân điêu đứng

Google News

(Kiến Thức) - Thịt lợn hơi rớt giá thê thảm, xuống "đáy" nhiều năm đang khiến nông dân trên cả nước điêu đứng. Nhiều cơ quan bộ ngành đang ra sức tìm cách giải cứu. 

Thịt lợn hơi rớt giá thê thảm, thương lái chỉ trả "chơi", nông dân bán được thì bán, không thì họ cũng không thiết tha mua. Tình trạng này đang khiến rất hộ dân, trang trại nuôi lợn trong cả nước khốn đốn. 
Rớt giá thê thảm mỗi ngày
Nông dân đang hoang mang trước tình trạng giá thịt lợn mỗi ngày mỗi giảm nghiêm trọng như hiện nay. Cùng thời kỳ này năm 2016, giá lợn hơi ở mức 52.000 - 55.000 đồng/kg. Tuy nhiên, hiện tại, giá lợn hơi xuất chuồng chỉ còn ở mức cao nhất là 25.000 đồng/kg. Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá thịt lợn hơi đã rớt thảm, xuống "đáy" trong vòng nhiều năm qua. 
Toan canh thit lon rot gia ky luc khien nong dan dieu dung
Giá thịt lợn hơi liên tục giảm mạnh khiến người dân hoang mang. Ảnh: VNN.
Cụ thế, theo báo cáo của Trung tâm phát triển chăn nuôi Hà Nội, giá lợn hơi tại địa bàn TP. Hà Nội và Đồng Nai đang ở mức thấp nhất trên cả nước với mức giá ghi nhận ngày 25/4 tại Hà Nội là từ 17.000 đồng đến 19.500 đồng, và tại Đồng Nai là 15.000 đồng đến 26.000 đồng.
Tuy nhiên, 3 ngày sau, giá lợn hơi ở nhiều nơi tiếp tục giảm, chỉ còn 10.000 - 12.000 đồng/kg do một số trang trại đã bán lợn với giá đó để cắt lỗ. Nhiều đánh giá cho rằng giá thịt lợn hơi sẽ còn tiếp tục giảm trong những tháng hè nắng nóng sắp tới.
Một điều đáng nói là giá mức giá thịt lợn hơi và giá bán thịt tại các chợ dân sinh, siêu thị lớn nhỏ trong cả nước lại có mức chênh lệch quá cao.
Thông tin trên báo Tiền Phong, giá lợn hơi trung bình trong 6 tháng gần đây là 25.000 đồng/kg trong khi giá sản xuất trung bình là 33.000 đồng, đặc biệt đối với các hộ phải mua lợn giống thì giá sản xuất là 39.000 đồng. Do vậy, người chăn nuôi bị thiệt hại trung bình khoảng 1 triệu đồng/con và 1,6 triệu đồng/con đối với hộ phải mua lợn giống. 
Những chỉ đạo khẩn giải cứu giá thịt lợn
Người chăn nuôi lợn đang bị thua lỗ nặng nề, hầu hết đàn lợn lớn mà không thể xuất chuồng trong khi thảm kịch giá lợn hơi lại giảm sâu mỗi ngày. Đây cũng là thời điểm giá thịt lợn hơi xuống thấp nhất trong lịch sử ngành chăn nuôi Việt Nam cũng như thế giới. Trong khi đó, giá thịt lợn còn được dự báo là sẽ tiếp tục giảm do lượng thịt tồn trong dân đang tăng mỗi ngày 1%. Trước thực trạng này Bộ NN&PTNT đã trình Chính phủ phương án giải cứu cho người chăn nuôi lợn và kêu gọi doanh nghiệp trợ giúp.
Toan canh thit lon rot gia ky luc khien nong dan dieu dung-Hinh-2
 Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường kêu gọi các doanh nghiệp lớn ngành chăn nuôi tăng thu mua lợn dự trữ, chế biến để "giải cứu ngành chăn nuôi lợn" về trước mắt. Ảnh: An ninh Thủ đô. 
Cụ thể, Bộ NN&PTNT muốn được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ này phối hợp với Bộ Tài chính và các địa phương tăng cường chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh áp dụng các biện pháp công nghệ và quản lý phù hợp nhằm tiết kiệm chi phí, giảm giá thành và giá bán các sản phẩm đầu vào của ngành chăn nuôi...
Bộ NN&PTNT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng, các tổ chức tín dụng có giải pháp khoanh nợ, giảm nợ cho người chăn nuôi, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thú y. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đơn vị có năng lực dự trữ, chế biến thịt như Vissan, Việt Đức, Hapro Hà Nội, Saigon Co.op, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, các đơn vị quân đội… tăng cường mua giết mổ cấp đông thịt heo, thịt gia cầm trữ cho các tháng hè sắp tới.
Đồng thời Bộ NN&PTNT cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, dừng các hoạt động tạm nhập tái xuất sản phẩm thịt, phủ tạng từ bên ngoài qua Việt Nam vào thị trường các nước trong khu vực nhằm bảo vệ thị phần cho các sản phẩm chăn nuôi trong nước, qua đó, cũng hạn chế rủi ro lây lan dịch bệnh cho ngành chăn nuôi trong nước.
Cùng với đó, chiều ngày 27/4, Bộ Công Thương cũng đã triệu tập cuộc họp khẩn tiếp tục tìm các giải pháp cấp bách và lâu dài để tháo gỡ câu chuyện đầu ra và giải bài toán lợn hơi rớt giá.
Bộ sẽ chỉ đạo Sở Công thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương làm việc với doanh nghiệp chế biến, giết mổ, phân phối rà soát chi phí trong các khâu nhằm tiết giảm các chi phí trung gian, giảm sự chênh lệch giữa giá thu mua và giá bán lẻ.
Chỉ đạo các Sở Công Thương kêu gọi các Doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường ký kết hợp đồng tiêu thụ lợn thịt với các trang trại chăn nuôi để tạo nguồn cung ổn định phục vụ công tác bình ổn và bảo đảm thu mua lợn thịt cho người chăn nuôi với giá hợp lý.
Linh Hồ (tổng ợp)

>> xem thêm

Bình luận(0)