“Thâu tóm” thêm một hãng kem Việt, chủ thương hiệu kem Tràng Tiền làm ăn ra sao?

Google News

Sau khi hoàn tất chuyển nhượng, Kem Tín Phát trở thành công ty con của One Capital Hospitality. Đồng thời, One Capital Hospitality sẽ tiến hành hỗ trợ vốn cho Kem Tín Phát.

Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty CP One Capital Hospitality (mã: OCH) - đơn vị sở hữu thương hiệu kem Tràng Tiền và bánh Givral mới đây vừa chấp thuận nhận chuyển nhượng 149.800 cổ phiếu của Công ty CP Kem Tín Phát.
Cụ thể, đây là loại cổ phần phổ thông được tính theo mệnh giá 100.000 đồng/cp. Giá chuyển nhượng không vượt quá thẩm quyền phê duyệt của One Capital Hospitality. Thương vụ dự kiến sẽ diễn ra trong năm 2023 - 2024. Sau khi hoàn tất chuyển nhượng, Kem Tín Phát trở thành công ty con của One Capital Hospitality. Đồng thời, One Capital Hospitality sẽ tiến hành hỗ trợ vốn cho Kem Tín Phát.
“Thau tom” them mot hang kem Viet, chu thuong hieu kem Trang Tien lam an ra sao?
Một sản phẩm kem Kingkream của Công ty CP Kem Tín Phát. Ảnh: Kingkream.com.vn. 
Liên tục thoái vốn
Tiếp đó, cũng trong đợt này, HĐQT One Capital Hospitality cũng thông qua nghị quyết để One Capital Hospitality chuyển nhượng một phần vốn đầu tư công ty đang nắm giữ tại các công ty con, đơn vị thành viên cho quỹ đầu tư cơ hội đặc biệt Leadvisors. Cùng đó, One Capital Hospitality sẽ ký và triển khai hợp đồng dịch vụ tư vấn với Công ty CP Bánh Givral. Hai doanh nghiệp này đều là thành viên thuộc One Capital Hospitality. Thời gian thực hiện dự kiến các giao dịch trên tương tự trong năm 2023 và 2024.
Ở diễn biến liên quan, trước đó, One Capital Hospitality đã hoàn thành việc thoái vốn đầu tư tại Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Bình Hưng, qua đó không còn là công ty mẹ kể từ ngày 13/11/2023. Công ty Bình Hưng hoạt động trong lĩnh vực cho thuê nhà xưởng.
Tương tự, cuối tháng 8/2023, HĐQT One Capital Hospitality cũng thông qua việc thoái hoặc cơ cấu vốn đầu tư của One Capital Hospitality tại các công ty, dự án có giá vốn đầu tư dưới 35% tổng tài sản của One Capital Hospitality được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất phải đảm bảo không thấp hơn giá trị sổ sách, đồng thời đảm bảo giá trị giao dịch thuộc thẩm quyền phê duyệt của HĐQT theo điều lệ và phù hợp với định hướng đầu tư, phát triển của One Capital Hospitality.
Ngoài ra, HĐQT One Capital Hospitality cũng thông qua nghị quyết ký hợp đồng nhận thế chấp tài sản với Công ty TNHH MTV Sao Hôm Nha Trang và One Capital Hospitality. Tài sản nhận thế chấp bao gồm và không giới hạn các nguồn thu, các tài sản cố định và các tài sản khác hợp pháp của Công ty TNHH MTV Sao Hôm Nha Trang.
Cổ phiếu bị duy trì diện cảnh báo
Tìm hiểu được biết, Công ty CP One Capital Hospitality có tiền thân là Công ty CP Xây dựng – Thương mại Bảo Long, được thành lập ngày 24/7/2006; có địa chỉ trụ sở chính tại tầng 23, tòa nhà Leadvisors Tower, số 643 Phạm Văn Đồng, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội. Doanh nghiệp này có vốn điều lệ là 2.000 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT công ty kiêm người đại diện theo pháp luật là bà Nguyễn Thu Hằng.
One Capital Hospitality hiện đang hoạt động kinh doanh chủ yếu trong ba lĩnh vực, gồm kinh doanh khách sạn, sản xuất kinh doanh thực phẩm và hoạt động đầu tư. Đáng chú ý, công ty đang sở hữu hai thương hiệu thực phẩm nổi tiếng là kem Tràng Tiền Since 1958 (Công ty CP Kem Tràng Tiền) – thương hiệu kem truyền thống quen thuộc tại Hà Nội với 65 năm tuổi và Givral Since 1950 (Công ty CP Bánh Givral) – thương hiệu bánh được ưa thích tại Sài Gòn với hơn 70 năm tuổi. Ngoài ra, công ty này còn sở hữu, vận hành hai thương hiệu chuỗi resort khách sạn cao cấp là Sunrise và StarCity…
“Thau tom” them mot hang kem Viet, chu thuong hieu kem Trang Tien lam an ra sao?-Hinh-2
"Thâu tóm" thêm một hãng kem Việt, chủ thương hiệu kem Tràng Tiền làm ăn ra sao? (ảnh minh họa: Internet). 
Theo báo cáo tài chính hợp nhất, quý III/2023 mới công bố, One Capital Hospitality ghi nhận doanh thu thuần đạt 566,7 tỷ đồng, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm 2022. Giá vốn hàng bán đạt gần 237 tỷ đồng, tăng 0,64% so với cùng kỳ. Qua đó, lợi nhuận gộp đạt mức 329,8 tỷ đồng, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong kỳ, chi phí quản lý doanh nghiệp của One Capital Hospitality giảm 21,2%, về mức 51,7 tỷ đồng; còn chi phí bán hàng giảm 9,7%, về mức 102,7 tỷ đồng. Trong khi đó, ở chiều ngược lại chi phí tài chính tăng 37,13% so với cùng kỳ, lên hơn 5 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay tăng 18,8%, lên hơn 4,3 tỷ đồng.
Kết quả, One Capital Hospitality báo lợi nhuận sau thuế ghi nhận đạt 131,3 tỷ đồng, tăng 4,8 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, tương đương tăng 3,8%. Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ (lãi ròng) đạt 132,3 tỷ đồng, giảm 1,7% so với cùng kỳ.
Lý giải về kết quả kinh doanh quý III/2023, One Capital Hospitality cho biết, doanh thu và lợi nhuận của công ty đạt mức cao nhất trong năm đặc biệt là đến từ lĩnh vực sản xuất thực phẩm. Công ty đã tập trung nguồn lực cho các hoạt động sản xuất, đầu tư chất lượng sản phẩm, mở rộng kênh phân phối và xúc tiến bán hàng, đồng thời tiết giảm các loại chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp.
Ngoài ra, công ty đã cải tiến và nâng cấp các dịch vụ khách sạn, do đó, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của các khách sạn của One Capital Hospitality tăng khoảng 38% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần của One Capital Hospitality ghi nhận đạt 842,9 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 163 tỷ đồng, lần lượt tăng 10,9% và 94,5%; lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ (lãi ròng) ở mức gần 167 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước.
Bên kia bảng cân đối kế toán hợp nhất, tại thời điểm 30/9/2023, tổng tài sản của One Capital Hospitality ghi nhận ở mức 2.618 tỷ đồng, tăng 320 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Trong đó, chiếm chủ yếu là tiền và các khoản tương đương tiền đạt 675,6 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn hơn 595 tỷ đồng…
Bên cạnh đó, hàng tồn kho ở mức gần 255 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang 218,2 tỷ đồng là chi phí dự án Saigon Airport Plaza (tên gọi khác là dự án Starcity Airport) tại quận Tân Bình, TPHCM hợp tác kinh doanh với Công ty TNHH Pegasus Thăng Long, bao gồm giá trị quyền sử dụng đất và chi phí xây dựng lũy kế của dự án.
Song song đó, chi phí xây dựng cơ bản dở dang của One Capital Hospitality đạt 253,6 tỷ đồng, phần lớn là chi phí dự án Starcity Westlake Hà Nội (178,6 tỷ đồng), Nhà máy bánh Khu công nghiệp Tân Phú Trung, huyện Củ Chi (74,6 tỷ đồng), còn lại là chi phí xây dựng cơ bản khác.
Theo đó, thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023 cho thấy, dự án Starcity Westlake Hà Nội do công ty con của One Capital Hospitality là Công ty CP Viptour – Togi làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư 230 tỷ đồng, địa điểm thực hiện tại số 10 Trấn Vũ, quận Ba Đình, TP Hà Nội.
Quy mô dự án gồm khách sạn tiêu chuẩn 5 sao, gồm 3 tầng hầm và 9 tầng nổi, tương đương 20.940m2 sàn xây dựng. Thời gian dự kiến thực hiện là 24 tháng, tính từ ngày bàn giao mặt bằng công trình đủ điều kiện thi công và tổng thầu nhận đủ hồ sơ thiết kế, tạm ứng và thanh toán theo đúng hợp đồng.
Đáng nói, theo One Capital Hospitality cho biết, dự án bắt đầu thi công từ năm 2013, đã xong tầng hầm và bê tông trụ đỡ mái bằng tầng một, tuy nhiên dự án tạm dừng triển khai trong giai đoạn từ năm 2014 – 2019. Trong năm 2023, Công ty CP Viptour – Togi thực hiện các thủ tục để tiếp tục thi công xây dựng dự án.
Tại cuối quý III/2023, tổng nợ phải trả của One Capital Hospitality ở mức 1.118 tỷ đồng, trong đó, phần lớn là thuế và các khoản phải nộp Nhà nước gần 292,5 tỷ đồng, chi phí phải trả ngắn hạn hơn 154 tỷ đồng, phải trả ngắn hạn khác và dài hạn khác gần 348 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính ở mức 157,5 tỷ đồng…
Ngoài ra, tại ngày 30/9/2023, One Capital Hospitality có vốn chủ sở hữu đạt 1.500 tỷ đồng. Đáng chú ý, theo One Capital Hospitality cho biết, công ty còn khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính hợp nhất tính đến ngày 30/9/2023 là âm 591,7 tỷ đồng, giảm 150,2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu OCH của One Capital Hospitality đang bị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đưa vào diện bị cảnh báo từ 20/6/2022 do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đã kiểm toán tại ngày 31/12/2021 là số âm.
Công ty CP Kem Tín Phát có tiền thân là Công ty TNHH Kinh doanh Tổng hợp Tín Phát, thành lập năm 2017. Công ty chính thức đổi tên gọi như hiện nay vào tháng 12/2019 sau khi tăng vốn điều lệ từ 200 triệu đồng lên 15 tỷ đồng; cơ cấu cổ đông tại thời điểm này gồm ông Vũ Vĩnh Cường (giữ chức Giám đốc kiêm đại diện theo pháp luật) nắm 10% cổ phần, bà Vũ Thị Lan Ngọc 30%, bà Hà Thị Phương 60%.
Năm 2020, với mong muốn lan tỏa thương hiệu kem Việt đến gần hơn với những thực khách, Công ty CP Kem Tín Phát đã cho ra đời một thương hiệu kem hoàn toàn mới - Kem Kingkream. Các dòng sản phẩm của Kingkream gồm có: Kem ốc quế, kem que, kem hộp với các hương vị truyền thống như socola, cốm, dâu tây, vani, sữa dừa.... cho tới các hương vị mới, phá cách như chuối trứng, chanh bạc hà, trứng muối,...
Theo giới thiệu trên trang website của Kingkream, thương hiệu có cơ sở đặt tại lô CN3 Khu công nghiệp Vĩnh Tuy, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội và 6 cửa hàng trên cả nước, tại Hà Nội, TPHCM, Khánh Hòa, Quảng Nam và Đà Nẵng.

Liên Hà Thái

>> xem thêm

Bình luận(0)