Những thông tin gần đây liên quan tới Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) có thể sẽ làm mất điểm trong mắt khách hàng, thậm chí làm ảnh hưởng rất lớn tới uy tín và thương hiệu của ngân hàng này.
Trốn tránh nợ hàng trăm tỷ đồng
Ngày 2/10, Tổng cục Thi hành án - Bộ Tư pháp đã có cuộc làm việc với Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (Vietbank) để nghe chính kiến trong vụ khiếu nại của ngân hàng này về 2 bản án đã được TAND Tối cao tuyên. Mặc dù án đã có hiệu lực từ rất lâu thế nhưng phía Agribank vẫn cố tính né tránh trách nhiệm trả nợ hàng trăm tỷ đồng của Vietbank.
Phía Vietbank kiến nghị phải thi hành 2 bản án ngay. Nếu Agribank không trả nợ theo các bản án đã tuyên là khấu trừ tài khoản được thì Vietbank đề nghị kê biên phát mại trụ sở của Agribank khi cần thiết.
Những kiện tụng này liên quan tới các tín thư trị giá hàng trăm tỷ đồng được 2 chi nhánh Agribank Phú Mỹ Hưng và An Sương (TP.HCM) phát hành bảo lãnh cho doanh nghiệp vay Ngân hàng Vietbank. Trước đó, Agribank chi nhánh Phú Mỹ Hưng đã phát hành thư bảo lãnh thanh toán số 269 và 270/NHNN-PMH-KHKD ngày 16/5/2011, số tiền cho công ty Minh Thắng vay 50 tỷ đồng. Vietbank được quyền thụ hưởng của bên nhận bảo lãnh. Do đó, Agribank Phú Mỹ Hưng phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho công ty Minh Thắng.
Văn bản 648 của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM khẳng định các mục tài sản được liệt kê của Công ty Minh Thắng buộc phải phát mãi để trả khoản nợ vay quá hạn và lãi cho Vietbank. Đồng thời văn bản cũng nêu rõ: Cơ quan Thi hành án được quyền áp dụng biện pháp buộc Agribank trả nợ thay cho Công ty Minh Thắng này theo tín thư bảo lãnh (50 tỷ đồng).
Ngày 18/7/2013, Cục Thi hành án Dân sự TP.HCM tiếp tục có quyết định 2980 thi hành án vụ việc này, nhưng phía Agribank lại chây ì. Căn cứ bản án có hiệu lực, Cục Thi hành án Dân sự TP.HCM đã nhiều lần gửi công văn yêu cầu phía Agribank thực thi nghĩa vụ nhưng họ không thực hiện. Phía Vietbank phát hiện Agribank có tài khoản tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) số tiền 50 tỷ đồng và đề nghị Cục Thi hành án Dân sự cưỡng chế khấu trừ tiền trong tài khoản này.
Ở vụ việc khác, bản án phúc thẩm số 39/2012/KDTM-PT, ngày 14/12/2012 của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM, Vietbank cho Công ty TNHH Đức Hòa vay và Agribank chi nhánh An Sương (quận 2, TP.HCM) là nơi phát hành các thư bảo lãnh cho Công ty Kim Ánh nhằm thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho Công ty Đức Hòa.
Việc trả nợ thay này đều có văn bản thông báo cho Agribank An Sương. Và chi nhánh ngân hàng này cũng đã xác nhận đồng ý thực hiện nội dung việc chuyển nhượng nói trên. Vì thế, cấp phúc thẩm tuyên chấp nhận yêu cầu đòi nợ của Vietbank theo các hợp đồng tín dụng cho vay cùng các khế ước nhận nợ hơn 141 tỷ đồng và hơn 666.000 USD. Trong đó, Agribank An Sương phải có trách nhiệm trả nợ thay theo tín thư bảo lãnh số tiền trên 46,9 tỷ đồng...
Ngày 28/3/2013, Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng - NHNN Việt Nam có văn bản đề nghị Agribank chỉ đạo chi nhánh An Sương tuân thủ các quy định của pháp luật về hoạt động bảo lãnh ngân hành. Đồng thời, thực hiện nghiêm bản án đã có hiệu lực pháp luật. Ngày 25/4/2013, Cục Thi hành án Dân sự TP.HCM có văn bản yêu cầu Agribank nộp số tiền nói trên để thi hành nghĩa vụ trả nợ. Mới đây, Tổng cục Thi hành án Dân sự cũng có văn bản 2023 (ngày 5/8/2013) gửi Cục Thi hành án Dân sự TP.HCM có nhắc đến thư khiếu nại của Vietbank được Văn phòng Chính phủ chuyển, yêu cầu thi hành án đúng quy định.
Kế đến ngày 14/8/2013, Viện KSND Tối cao cũng có văn bản 2750 gửi Cục Thi hành án Dân sự TP.HCM đốc thúc thi hành dứt điểm bản án số 39. Nhưng phía Agribank vẫn "im hơi lặng tiếng" và chây ì một cách khó hiểu.
Lộ nợ xấu khổng lồ
Chiều 1/10, Agribank chính thức bán 2.534 tỷ đồng nợ xấu cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và qua đó phát lộ con số nợ xấu khổng lồ tại nhà băng này.
Ở hợp đồng này, VAMC sẽ thanh toán cho Agribank bằng trái phiếu đặc biệt do bên mua nợ phát hành. Số trái phiếu đặc biệt này sẽ được Agribank sử dụng vay tái cấp vốn tại NHNN.
Một lãnh đạo của Agribank cho hay, nhờ đợt bán nợ xấu này, Agribank giảm được đến 7,56% tổng nợ xấu của toàn hệ thống. Phép tính đơn giản theo đó cho thấy, tổng nợ xấu của toàn hệ thống Agribank sẽ lên đến 33.518,52 tỷ đồng. Điều đáng nói là, so với con số tổng nợ xấu của toàn bộ hệ thống ngân hàng vào khoảng gần 139.000 tỷ đồng đến thời điểm gần đây theo công bố của NHNN, chỉ riêng lượng nợ xấu của Agribank chiếm đến 24%. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, dù có làm hết "công suất", VAMC với kế hoạch phát hành 35.000 tỷ đồng trái phiếu từ nay đến cuối năm thì cũng chỉ có thể giải quyết được riêng phần nợ xấu hiện nay của Agribank.
Bị "vây"... đòi nợ
Đã nhiều lần ngân hàng này bị các khách hàng đến "vây" đòi nợ. Ngày 10/5/2012, hàng trăm cán bộ, nhân viên, công nhân của các công ty: Công ty Cổ phần thép Việt Nhật, Công ty TNHH thương mại Tràng An, Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên, Công ty Cổ phần thiết bị Dầu khí, Công ty TNHH thiết bị nặng Tất Hồng... cùng nhau kéo đến trụ sở của Agribank để đòi nợ với số tiền lên đến vài trăm tỷ đồng.
Được biết, các công ty này đều bán thiết bị, nguyên vật liệu cho cùng một đơn vị là Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Tân Hồng có trụ sở tại Khu đô thị mới Mỹ Đình II, xã Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội dưới sự bảo lãnh của chi nhánh Ngân hàng Agribank Hồng Hà có trụ sở tại 164 Trần Quang Khải, Hà Nội.
|
Công nhân mang theo khẩu hiệu đòi nợ đến "vây" hội sở Agribank ngày 10/5/2012. Ảnh: Thanh niên. |
Tuy nhiên, khi hàng đã giao tận tay, đến thời hạn trả tiền trong hợp đồng mua bán, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Tân Hồng lại không thực hiện được đầy đủ nghĩa vụ của mình cho các công ty đã bán thiết bị, nguyên vật liệu cho công ty này. Theo hợp đồng bảo lãnh, khi Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Tân Hồng không thực hiện được việc trả nợ thì đơn vị bảo lãnh là ngân hàng chi nhánh Agribank Hồng Hà phải có trách nhiệm thanh toán cho các công ty nói trên. Tuy nhiên, đã hết thời gian bảo lãnh, thời hạn trả nợ theo quy định từ nhiều tháng nhưng Agribank vẫn "chây ì", không thanh toán nợ cho các công ty.
Trước đó, ngày 22/3/2012, hàng trăm người của Công ty TNHH Cao Trường Sơn đã kéo đến trụ sở Agribank chi nhánh Hồng Hà để đòi phải trả 38,5 tỷ đồng. Sự việc bắt đầu từ tháng 6/2011, Công ty Cao Trường Sơn ký 2 hợp đồng bán 2.830 tấn thép xây dựng tổng giá trị hơn 50,1 tỷ đồng cho Cổ phần Thiết bị công nghiệp và xây dựng. Agribank đã phát hành 2 chứng thư bảo lãnh thanh toán không hủy ngang cam kết thanh toán cho Công ty Cao Trường Sơn số tiền tối đa 50,1 tỷ đồng trong trường hợp bên mua vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Hết thời hạn thanh toán, bên mua mới trả cho Công ty Cao Trường Sơn 11,6 tỷ đồng. Phía Agribank cũng không thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh nên Cao Trường Sơn đã khởi kiện. TAND TP Hà Nội ngày 14/2/2012 đã xử vụ kiện đòi thanh toán bảo lãnh giữa Công ty TNHH Cao Trường Sơn và Agribank Hồng Hà và buộc ngân hàng này phải trả 38,5 tỷ đồng vào ngày 31/3/2013.
Tướng liên tiếp bị "trảm", có dấu hiệu hình sự
Chiều 23/7, Công an TP Vinh đột nhập phòng bảo vệ của trụ sở Agribank Nghệ An bắt giữ nhiều cán bộ Agribank đang đánh bài ăn tiền, trong đó đáng chú ý còn có cả Giám đốc chi nhánh Agribank TP Vinh. Tuy nhiên, thống kê các vụ bắt giữ cán bộ tại ngân hàng này thì vị giám đốc này không phải là lãnh đạo đầu tiên của Agribank "dính chàm".
|
Ông Phạm Thanh Tân |
Trước đó, ông Phạm Thanh Tân - nguyên Tổng giám đốc Agribank bị khởi tố, bắt giam về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Đầu tháng 7/2013, ông Nguyễn Văn Lợi - nguyên Phó giám đốc Agribank chi nhánh Bình Chánh (TP.HCM) và 2 bà Trần Thị Hoàng Yến, Nguyễn Thị Thanh Nga đều là nguyên Phó trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh của chi nhánh ngân hàng này đã bị khởi tố do không thực hiện đúng quy định gây thiệt hại hơn 12 tỷ đồng.
Cũng tại Agribank, vào ngày 17/1/2013, Viện KSND Tối cao đã ra cáo trạng vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại chi nhánh Agribank Bà Rịa - Vũng Tàu, truy tố 12 bị can đều nguyên là cán bộ Agribank Bà Rịa - Vũng Tàu về các tội danh trên.
Ngày 26/11/2012, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh, nguyên Giám đốc chi nhánh Agribank Bến Thành về hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.