Ngày 3/8, Bộ Công an công bố thông tin Cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố vụ án, bị can xảy ra tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM). Ông Trần Ngọc Hà cùng một số cựu lãnh đạo, lãnh đạo của VEAM bị khởi tố, bắt giam.
Ông Trần Ngọc Hà bị bắt để điều tra về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Được biết, ông Trần Ngọc Hà - cựu Chủ tịch VEAM - đã từng trải qua nhiều chức vụ tại doanh nghiệp này.
|
Ông Trần Ngọc Hà. Ảnh: VEAM |
Theo Nhadautu, ông Trần Ngọc Hà sinh ngày 7/6/1964, ông nắm chức vụ Chủ tịch HĐTV Tổng công ty, Ủy viên Ban chấp hành Đảng ủy Cơ quan Tổng công ty từ tháng 4/2011 – 01/2015.
Giai đoạn từ tháng 1/2015 trở đi, ông nắm giữ vị trí Ban chấp hành Đảng ủy Bộ Công thương, Bí thư Đảng ủy Cơ quan Tổng công ty, Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc Tổng công ty.
Ngày 29/3/2019, Veam đã thông báo miễn nhiệm chức danh Tổng Giám đốc với ông Trần Ngọc Hà và cùng với đó bổ nhiệm ông Ngô Văn Tuyển giữ chức vụ nêu trên.
Giai đoạn ông nắm giữ vị trí cấp cao tại VEAM, doanh nghiệp luôn công bố kết quả kinh doanh tích cực. Điều này có thể thấy thông qua mức tăng trưởng lợi nhuận trong giai đoạn 2011 – 2018.
Thế nhưng, thực tế nguồn thu nhập chủ yếu của VEAM đến từ lợi nhuận từ các công ty liên doanh, liên kết.
Theo Lao động, dưới thời Tổng Giám đốc Trần Ngọc Hà, nhà máy ôtô (VM) của VEAM liên tục rơi vào khủng hoảng. Sản lượng của VM rất khó tăng trưởng, lượng xe tồn kho lớn, hiệu quả sản xuất kinh doanh rất thấp.
Video: Những phi vụ đầu tư ném tiền của VEAM. Nguồn: Youtube.
Trong tổng số 2.622 xe thương hiệu VEAM tồn (giá vốn 966,3 tỷ đồng), thì có 2.221 xe tồn từ 2017 trở về trước (878,5 tỷ đồng). Nguy cơ mất vốn lớn đối với số xe tồn không thể tiêu thụ hoặc phải giảm giá bán để tiêu thụ.
Ngày 18/5/2004, HĐQT VEAM có quyết định số 26 phê duyệt dự án Nhà máy ôtô (VM) (đóng trụ sở tại Khu phố 6, phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa) với tổng mức đầu tư 462,46 tỷ đồng, trong đó vốn lưu động là 45 tỷ đồng.
Trải qua 2 lần phê duyệt, dự án VM được quyết toán với giá trị là 661,88 tỷ đồng, trong đó tài sản lưu động là 8,92 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thực tế trong quá trình đầu tư, công ty mẹ VEAM đã không ít lần chuyển vốn lưu động cho VM.
Đến ngày 31/12/2018, tổng vốn đưa vào VM lên đến 2.643 tỷ đồng.
Mặc dù được rót nhiều vốn nhưng ngay trong giai đoạn 2009 -2013, nhà máy VM lỗ lũy lế khoảng 345 tỷ đồng. Tính đến 31/12/2018, VM đã lỗ lũy kế 343 tỷ đồng.
|
Nhà máy ôtô (VM) 2.000 tỷ ‘bết bát’ của Veam. Ảnh: Nhadautu |
Việc tạo điều kiện về vốn của Công ty mẹ cũng dẫn đến lượng tồn kho của VM ở mức cao so với doanh thu thực hiện hàng năm. Đáng chú ý năm 2011, tỷ lệ hàng tồn kho/ doanh thu là 172%, năm 2017 là 152%.
Trong tổng số 2.950 xe ôtô do VM sản xuất tồn tới 31/12/2018 chỉ có 632 xe được trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho với giá trị trích lập 36,52 tỷ đồng so với giá gốc của các xe này là 289,03 tỷ đồng. Như vậy chỉ có 21,4% số xe được trích lập dự phòng và tỉ lệ trích lập chỉ bằng 12,6% giá trị của các xe được trích lập.
Số xe sản xuất từ 2015 về trước có 219 xe, giá trị 127,2 tỷ đồng, nhưng giá trị trích lập chỉ ở mức 17,1%.
Với lợi nhuận 3 năm 2016 đến 2018 chỉ đạt 21 tỷ đồng, VEAM cho rằng, nếu trích lập dự phòng hàng năm để có thể tiêu thụ được các xe tồn lâu năm trong năm sau thì kết quả hàng năm sẽ bị lỗ.
Cách trích lập dự phòng như trên không đủ cơ sở để kiểm toán độc lập chấp nhận giá trị thực tế hàng tồn kho có thể thu hồi và là một điểm của ý kiến ngoại trừ trong báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính năm 2018.