Hồ sơ Cơ khí Phổ Yên bị phạt, truy thu thuế hơn 1,6 tỷ

Google News

Cơ khí Phổ Yên hiện có vốn điều lệ là 37 tỷ đồng, trong đó Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM) đang là cổ đông lớn nhất nắm giữ 51% vốn.

Công ty CP Cơ khí Phổ Yên (Fomeco, mã: FBC) mới đây vừa công bố thông tin nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế của Cục thuế tỉnh Thái Nguyên.
Cụ thể, Cơ khí Phổ Yên có hành vi khai sai căn cứ tính thuế dẫn đến thiếu số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thu nhập cá nhân (TNCN), giá trị gia tăng (GTGT) phải nộp. Công ty nhiều lần không lập hóa đơn đối với hoạt động thu tiền nhà ở của người lao động. Ngoài ra, Cơ khí Phổ Yên còn có hành vi khai sai chỉ tiêu trên tờ khai thuế GTGT năm 2022 nhưng không dẫn đến thiếu số tiền thuế GTGT phải nộp.
Với các hành vi trên, Cơ khí Phổ Yên bị phạt hành chính hơn 228 triệu đồng, đồng thời phải khắc phục hậu quả gồm nộp đủ số tiền thuế thiếu sau thanh tra vào ngân sách Nhà nước hơn 970 triệu đồng và khoản chậm nộp thuế hơn 418 triệu đồng. Như vậy, tổng số tiền phạt, truy thu và chậm nộp thuế mà Cơ khí Phổ Yên phải nộp là hơn 1,6 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Cục thuế tỉnh Thái Nguyên yêu cầu Cơ khí Phổ Yên phải lập hóa đơn theo quy định khi người mua có yêu cầu. Ngoài ra, buộc điều chỉnh giảm số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ chuyển kỳ sau gần 201 triệu đồng.
Danh tính Cơ khí Phổ Yên
Công ty CP Cơ khí Phổ Yên được thành lập từ năm 1974 theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng với tên gọi là Nhà máy vòng bi. Năm 1996, nhà máy đổi tên thành Nhà máy Cơ khí Phổ Yên thuộc Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM).
Ho so Co khi Pho Yen bi phat, truy thu thue hon 1,6 ty
 Hồ sơ Cơ khí Phổ Yên bị phạt, truy thu thuế hơn 1,6 tỷ (ảnh minh họa: Internet).
Từ tháng 12/2003, công ty chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất các phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ và động cơ xe… Công ty đang là đối tác chuyên cung cấp phụ tùng cho Honda Việt Nam và các khách hàng lớn khác như Yamaha, Suzuki, Hanwa, Nippo, Piaggio, Panasonic...
Đến tháng 10/2017, Cơ khí Phổ Yên chính thức đưa cổ phiếu lên giao dịch tại sàn UPCoM với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 15.000 đồng/cổ phiếu. Thời điểm hiện tại, doanh nghiệp này đang có vốn điều lệ ở mức 37 tỷ đồng. Trong khi đó, cổ đông lớn là Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM, mã: VEA), hiện đang nắm giữ 51% vốn cổ phần.
Công ty CP Cơ khí Phổ Yên hiện có địa chỉ đăng ký kinh doanh tại phường Bãi Bông, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật công ty là ông Nguyễn Đức Chung. Công ty có tổng diện tích là 200.000m2, với trên 90.000m2 nhà xưởng. Nhân sự trực tiếp khoảng 1.000 người làm việc tại 10 xí nghiệp sản xuất.
Trước đó, Cơ khí Phổ Yên gây chú ý khi thông qua việc chốt danh sách cổ đông chi trả cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 120%, tương đương mỗi cổ phiếu nhận 12.000 đồng. Ngày đăng ký cuối cùng trả cổ tức là 25/9/2023, thanh toán từ ngày 27/10/2023.
Đáng chú ý, Cơ khí Phổ Yên có truyền thống chia cổ tức khá cao, mức cổ tức tiền mặt trong 3 năm 2020 - 2022 vừa qua lần lượt là 50%, 65% và 120%. Tuy nhiên, giá mỗi cổ phiếu FBC của Cơ khí Phố Yên vẫn chỉ lình xình ở mức 3.700 đồng/cổ phiếu thời gian dài.
Năm 2023, Cơ khí Phổ Yên đặt mục tiêu doanh thu 1.138 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 60 tỷ đồng. Con số này đi lùi so với kết quả năm ngoái đạt được. Cụ thể, theo báo cáo tài chính năm 2022 được công bố gần nhất cho thấy, Cơ khí Phổ Yên ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.309 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 65 tỷ đồng.
Tại ngày 31/12/2022, nợ phải trả của Cơ khí Phổ Yên ở mức 280 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 143 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu đạt 1,95 lần…
Liên Hà Thái

>> xem thêm

Bình luận(0)