6 tháng ACB báo lãi 10 nghìn tỷ, dành 20 nghìn tỷ cho vay ưu đãi

Google News

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cho biết, 6 tháng đầu năm đã hoàn thành 50% kế hoạch lợi nhuận cho cả năm. Ngân hàng cũng đã cho vay hơn 20.000 tỷ lãi suất ưu đãi. 

Tính tới cuối tháng 6/2023, quy mô tín dụng của ACB đạt hơn 434 nghìn tỷ, tăng 4,9% so với đầu năm. Riêng trong quý 2, tốc độ tăng trưởng có sự cải thiện mạnh mẽ, ở mức tăng 5.5% tương đương gần 23 nghìn tỷ so với quý 1/2023.
Với mặt bằng lãi suất tăng cao từ cuối năm 2022, gây áp lực lên khả năng trả nợ của khách hàng, đã góp phần làm tỷ lệ nợ xấu ở các ngân hàng tăng cao. Nợ xấu của ACB cũng bị ảnh hưởng bởi tình hình chung của thị trường, khi tăng lên 1,07% nhưng vẫn là một trong những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất thị trường.
Quy mô huy động của ACB ghi nhận sự tăng trưởng tốt hơn toàn ngành, với quy mô tới cuối tháng 6 đạt 432 nghìn tỷ, tăng 4,5% so với đầu năm. Trong đó, tỷ lệ CASA tuy còn thấp so với mức đầu năm nhưng đã có dấu hiệu tích cực khi tăng trở lại sau đợt giảm liên tục từ quý 2 năm 2022. Tỷ lệ CASA đã tăng lên 20,9% từ mức 19,8% tại cuối quý 1.
6 thang ACB bao lai 10 nghin ty, danh 20 nghin ty cho vay uu dai
 
ACB nỗ lực bám sát các mục tiêu kinh doanh đề ra khi hoàn thành 50% kế hoạch lợi nhuận cả năm, đạt 10 nghìn tỷ. Động lực lớn giúp lợi nhuận của ACB tăng trưởng đến từ thu nhập ngoài lãi tăng 28% so với cùng kỳ. Tỷ trọng đóng góp của thu nhập ngoài lãi vào doanh thu liên tục tăng từ 19% lên 22%, giảm áp lực lên mảng thu nhập từ lãi. Trong đó, dịch vụ thẻ, mua bán ngoại tệ và hoạt động đầu tư đóng góp lớn vào tăng trưởng thu nhập trong 6 tháng đầu năm.
Bên cạnh kết quả kinh doanh hiệu quả, ACB luôn ưu tiên tuân thủ các tỷ lệ an toàn thanh khoản theo quy định của NHNN. Cụ thể, tỷ lệ LDR đạt mức 79% (dưới mức 85% so với quy định). Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn chiếm 19% (thấp hơn nhiều so với mức quy định 34%). Tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ vượt xa mức quy định tối thiểu, ở mức 12.4%. Tỷ lệ CIR được cải thiện còn 31%, giảm so với mức 36% trong nửa năm 2022.
Trong 6 tháng đầu năm, ACB đã hỗ trợ lãi suất cho khách hàng cá nhân và tổ chức vượt qua khó khăn với tổng số tiền lên tới gần 500 tỷ. Ngoài ra, ACB cũng triển khai các chương trình hỗ trợ kịp thời theo chỉ đạo của NHNN thông qua Gói hỗ trợ lãi suất 2% với tổng doanh số giải ngân hơn 1,5 nghìn tỷ; hoặc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 cho 117 khách hàng với tổng dư nợ 1,2 nghìn tỷ chỉ sau 2 tháng triển khai chương trình. 
Theo Chứng khoán Mirae Asset, dù chất lượng tài sản có phần sụt giảm, nhưng so với mặt bằng chung, các chỉ số của ACB vẫn tỏ ra vượt trội so với phần lớn các NHTM.
Do đó, Mirae Asset duy trì khuyến nghị tăng tỷ trọng và nâng giá mục tiêu cho ACB lên 25.500 đồng (từ 22.200 đồng, đã điều chỉnh cổ tức), do các điều chỉnh tăng trong dự phóng lợi nhuận của ngân hàng.
Các yếu tố tích cực của ACB bao gồm: Chất lượng tài sản vượt trội và tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao; Tăng trưởng bền bỉ trong gần một thập kỷ; Nền tảng vững chắc và chiến lược kinh doanh thận trọng đảm bảo tăng trưởng dài hạn.
 Thu nhập trên một nhân viên của ACB có sự cải thiện tốt qua các năm, hiện đạt bình quân ở mức 466 triệu/năm, tăng 12% mỗi năm trong vòng 5 năm trở lại đây. Mức thu nhập này đứng thứ 4 trong nhóm các ngân hàng có thu nhập tốt nhất trên thị trường.
Trung bình doanh thu một nhân viên đem lại hàng năm tăng tới 15%, trong khi mỗi năm ngân hàng chỉ tăng 5% về số lượng nhân viên, cho thấy sự cải thiện trong hiệu suất hoạt động qua từng năm.

Minh An

>> xem thêm

Bình luận(0)