Giao thừa là thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới. Với ý nghĩa “tống cựu nghênh tân”, trong phút Giao thừa, từ xưa đến nay, dân ta có những tập quán tốt đẹp để chào đón năm mới.
Hái lộc đầu năm
Hái lộc đã trở thành một tục lệ của dân Việt từ lâu. Tục cũ, khi tiếng trống báo hiệu Giao thừa vang lên thì người ta ra khỏi nhà, bẻ ít cành cây có lộc non mang về nhà gọi là hái cành lộc để cầu mong cho sang năm mới tài lộc sum suê. Còn mấy năm trở lại đây, cứ mỗi dịp Giao thừa xong thì vườn tược ở các đền chùa xơ xác như sau trận bão vì người đi hái lộc khiến cho việc hái lộc trở thành một dịp tàn phá phong cảnh đền chùa.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
|
Mặc dù hái lộc là tục lệ có từ lâu, song xưa kia người ta thường hái lộc ở những nơi hoang hóa. Theo sách “101 điều cần biết về tín ngưỡng và phong tục Việt Nam” của tác giả Trương Thìn cho rằng “Hái lộc là 1 tục lệ mang tính biểu trưng tốt đẹp, song không nên quá lạm dụng làm hại tới cây xanh và cảnh quan môi trường sinh thái. Thời xưa dân ta thường đi hái lộc ở những nơi hoang hóa không làm ảnh hưởng đến vườn tược ở những nơi công cộng”.
Việc ngắt hoa, bẻ cành ở đình chùa làm lộc, xét về phương diện ảnh hưởng cảnh quan là không tốt mà ở khía cạnh tâm linh cũng là một việc không nên làm.
Khai bút
Người Việt ta rất coi trọng cái buổi ban đầu. Hầu hết các ngành nghề đều có những tục lệ để lấy may, lấy hên đầu năm. Người đi buôn bán thì chọn ngày tốt trong mấy ngày Tết để mở hàng lấy may, người làm các nghề khác cũng chọn ngày để làm một chốc lấy lệ. Cũng cùng ý nghĩa tìm sự mở đầu may mắn ấy, các Nho sinh thời trước chọn thời điểm Giao thừa để khai bút, cầu cho việc học hành thi cử trong năm tới may mắn.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
|
Nội dung khai bút rất phong phú. Có khi sáng tác một câu thơ, một bài thơ hoặc nếu là những học trò nhỏ thì chép lại một câu hay một bài ngăn ngắn mà người lớn đã chuẩn bị cho. Trong bài viết về khai bút trong tập 100 điều nên biết về phong tục Việt Nam, tác giả đã kể rằng khi còn nhỏ, cha tác giả viết sẵn cho mấy chữ “Minh niên khai bút bút khai hoa” để đến Giao thừa, tác giả sẽ chép lại câu ấy coi như khai bút.
Tuy nhiên, phổ biến và nổi tiếng nhất trong chuyện khai bút là những câu đối. Nhiều câu đối Tết đã trở thành nổi tiếng của Tú Xương, Nguyễn Công Trứ… Khi còn sống cơ hàn, Nguyễn Công Trứ có làm câu đối Tết như thế này: “Tối ba mươi nợ réo tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra cửa; Sáng mồng một rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông phúc vào nhà”. Hay nữ sĩ Hồ Xuân Hương có câu đối Tết nổi tiếng: “Đêm ba mươi, khép cánh Càn khôn, ních chặt lại kẻo ma vương đưa quỷ tới, Sáng mồng một, lỏng then Tạo hóa, mở toang ra cho thiếu nữ đón Xuân về”.
Khai bút thời trước là một tục lệ quen thuộc của các Nho sinh mỗi khi đến Giao thừa nhưng ngày nay, dù hầu như ai cũng biết chữ, song tục này lại mờ nhạt, hầu như không còn mấy người nghĩ đến. Âu cũng là do hoàn cảnh mỗi thời mỗi khác.