Lật tìm dấu vết Chăm Pa ở Thăng Long - Hà Nội

Google News

Đó là cuộc hành trình dọc sông Hồng lật tìm những dấu vết người Chăm cổ còn sót lại.

Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, Thăng Long – Hà Nội đóng vai trò là trung tâm kinh tế - văn hóa – chính trị của cả nước, nơi diễn ra các cuộc giao lưu với nhiều nền văn hóa, trong đó có văn hóa của người Chăm cổ.
 
Kỳ1: Phú Gia ngày ấy...bây giờ

Với mong muốn để bạn đọc thấy Thăng Long – Hà Nội là một trong những Thủ đô có nền văn hóa độc đáo, đa dạng, PV báo PL&XH đã thực hiện cuộc hành trình dọc sông Hồng lật tìm những dấu vết người Chăm cổ còn sót lại. Một trong những tộc người mà cho đến nay vẫn còn chứa đựng nhiều bí ẩn...

Ngôi làng cổ Phú Gia, nay thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội nằm nép mình bên chân cầu Thăng Long, ven con sông Hồng uốn lượn. Không những mang trong mình vẻ đẹp thơ mộng, trù phú do thiên nhiên ban tặng, Phú Gia còn được biết đến là một trong số rất ít những địa điểm tại mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến vẫn còn lưu giữ được nhiều dấu tích của người Chăm cổ.

 

  Ông Nguyễn Văn Yên đang giới thiệu về khu di tích chùa Bà Già.
Ông Nguyễn Văn Yên đang giới thiệu về khu di tích chùa Bà Già.

Dấu tích người Chăm cổ

Tìm đến làng Phú Gia vào một chiều thu, với mong muốn tìm lại những dấu tích của người Chăm cổ từng sinh sống nơi đây, chúng tôi nhận được sự tiếp đón rất nồng nhiệt của người dân, đặc biệt là những người vẫn mang trong mình hoài niệm về một thời xa. Ông Công Văn Tung – Phó tiểu Ban phụ trách lịch sử làng Phú Gia với giọng nói đầy tự hào kể về lịch sử của ngôi làng giàu truyền thống này.

Ông Tung cho biết, theo sử sách ghi lại, thời vua Lý Thánh Tông (1023 – 1072) một số người Chăm đã được phép di cư đến vùng đất này sinh sống và lấy tên theo tiếng Chiêm Thành, gọi là Đa Gia Ly (sau gọi chệch đi là Bà Già Hương hay thôn Bà Già). Ngôi làng này còn được nhắc đến trong chính sử Việt Nam. Trong cuốn Đại Việt sử ký toàn thư, có đoạn ghi lại về Chiêu Minh Đại vương Trần Nhật Duật:  “Trần Nhật Duật thường cưỡi voi đến chơi ở thôn Bà Già. Thôn này có từ thời Lý Thánh Tông. Sau khi đánh Chiêm Thành về, vua Lý bắt được người Chiêm rồi cho về ở đấy, theo tiếng Chiêm mà đặt tên thôn là Đa Gia Ly, sau người đời gọi chệch đi thành thôn Bà Già. Trần Nhật Duật đến chơi thôn này, có khi đến ba, bốn ngày mới về”. Thời Trần Thái Tông (1225 – 1258), nhà vua cho mở rộng kinh thành Thăng Long làm phòng tuyến chống giặc Nguyên – Mông, khi mở tới vùng đất này, thấy thế đất đẹp bèn đổi tên là làng Phú Gia (ngôi làng trù phú).

Trải qua biến cố thăng trầm của lịch sử, hiện nay làng Phú Gia vẫn còn lưu giữ được rất nhiều di vật cổ mang dấu ấn của người Chăm. Dẫn chúng tôi đi thăm cụm di tích, ông Nguyễn Văn Yên, Phó trưởng ban quản lý di tích chùa Bà Già chỉ vào bức hoành phi cổ trong chùa, ông bảo đây là bức hoành phi có khắc chữ hán "Bà Già tự". Trong chùa hiện còn một pho tượng hộ pháp cổ mang dấu ấn phong cách Chăm ở bàn thánh hiền của chùa. Trước cửa chùa hiện vẫn còn đặt một đôi phỗng đá mang đậm dấu ấn của người Chăm Pa. Đôi phỗng được làm bằng đá sa thạch, có chiều cao khoảng 1m, đầu tượng có búi tóc, mặt vuông nhìn thẳng, trán ngắn, mắt to tròn, mũi lớn, má bạnh, cằm nhọn, miệng rộng, môi dày, tai dài, đang mỉm cười. Tượng có bụng phệ, mông cong được che bởi một chiếc váy có hông tạo thành nút và dây buộc đúng với phong cách người Chăm cổ.

Ngoài các yếu tố vật chất nêu trên, dấu tích văn hóa Chăm tại làng Phú Gia còn được thể hiện qua tên các dòng họ. Trao đổi với PV, cụ Công Văn Cự, 82 tuổi một vị cao niên trong làng cho biết: Ở Phú Gia trước đây chủ yếu có hai họ sinh sống là họ Ông và họ Bố (nay họ Ông được đổi sang họ Công, họ Bố được đổi sang họ Hy). Hai họ này nhiều khả năng chính là họ của người Chăm xưa kia.

Gìn giữ và phát huy

Cùng với dòng chảy của cuộc sống, làng Phú Gia đã thay da đổi thịt rất nhiều. Các tòa nhà cao tầng hiện đại mọc lên san sát. Nhưng nhiều bậc cao niên ở đây vẫn ngày ngày cặm cụi sưu tầm và lưu giữ các giá trị truyền thống của ngôi làng giữa phố này với mong muốn truyền dạy cho cháu con. Theo sự chỉ dẫn của người dân, PV đã tìm gặp cụ Công Văn Dụ - trưởng tộc dòng họ Công, một trong những pho sử sống của làng Phú Gia. Ngôi nhà của cụ Dụ là một ngôi nhà ngói cổ 3 gian, sân sau được lát bằng gạch Bát Tràng cổ, có tuổi đời hơn 100 năm.

Tại nhà cụ Dụ, chúng tôi may mắn gặp được cụ Công Doãn Đương là người đang lưu giữ cuốn gia phả của dòng họ. Cụ Đương cho hay, dòng họ Công là một dòng họ có truyền thống hiếu học. Trước đây, Phú Gia có Ông Nghĩa Đạt đỗ Bảng nhãn khoa Ất Mùi, niên hiệu Hồng Đức, đời Lê Thánh Tông (1475), làm quan đến Phó Đô Ngự sử, được cử đi sứ sang nhà Minh. Con cháu về sau có đến 9 người đỗ Hương cống, Cử nhân. Hiện nay, dòng họ Công ở Phú Gia có nhiều người là Phó giáo sư, Tiến sĩ như: PGS.TS Công Doãn Sắt, PGS.TS Công Quyết Thắng, PGS.TS Công Văn Dị…

Với nét mặt trầm tư, thoáng nét buồn, ông Công Văn Tung tâm sự: Mặc dù trong lịch sử làng Phú Gia có những nét văn hóa rất riêng biệt so với các làng khác ở Hà Nội bởi nơi đây từng là nơi sinh sống của người Chăm, nhưng hiện nay, do cuộc sống đô thị hóa, con người ít quan tâm tới những giá trị truyền thống, nên các dấu tích người Chăm cổ đang có nguy cơ mai một đi rất nhiều. Ngày nay, nhiều người dân địa phương, đặc biệt là thế hệ trẻ đã không còn biết đến gốc tích người Chăm xưa kia nữa.

Rời làng Phú Gia khi những vệt nắng cuối ngày đã dần tắt, chúng tôi không khỏi tiếc nuối về những nét văn hóa vốn từng là nét đẹp riêng của ngôi làng này. Hy vọng rằng, công tác phục dựng và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống nói chung và dấu ấn văn hóa Chăm nói riêng ở đây sẽ được quan tâm hơn nữa.

Theo PL&XH

 

[links()]

 

 

Bình luận(0)