“Phép lạ” biến gậy và nón thành lâu đài là gì?

Google News

Phải chăng, vị trí đó, tiềm năng buôn bán giao lưu đó đã được manh nha từ thời kỳ Hùng Vương?    

- Gạch nối từ chế độ mẫu hệ chuyển sang chế độ phụ hệ. Truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ phản ánh thời kỳ mẫu quyền trên đất nước ta. Khi vua Hùng lên ngôi, đất nước chuyển sang thời kỳ chế độ phụ quyền. Tuy nhiên, ảnh hưởng của chế độ mẫu quyền vẫn còn rất lớn.
 
[links()]
 
Đền thờ Chữ Đồng Tử

Đó là hình ảnh của nàng Tiên Dung - con gái của vua Hùng, được tự do đi du ngoạn chơi bời khắp nước, thoát ra ngoài sự quản lý của Hùng Vương (tượng trưng cho phụ quyền).

Tiên Dung tự chọn chồng cho mình, hoàn toàn ngoài ý muốn của vua cha. Truyền thuyết cũng cho ta thấy được quan hệ tự nhiên, hồn nhiên giữa nam nữ của người Việt cổ.

Quan hệ đó của người Việt cổ, ta còn gặp trong các di vật khảo cổ như trên nắp thạp đồng Đào Thịnh (có niên đại cách nay khoảng 2.500 - 3.000 năm, tức cùng thời với truyền thuyết này).

Truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung vì vậy phản ánh một thời kỳ lịch sử rất dài lâu, chứ không phải một thời điểm nào đó.

Chính vì thế mà có tài liệu chép chuyện này xảy ra vào đời Hùng Vương thứ 3 lại có sách chép vào đời Hùng Vương thứ 18.

Thực ra, cả hai cách chép này đều không sai. Đoạn đầu của truyền thuyết xảy vào đầu thời kỳ Hùng Vương, khi ảnh hưởng của chế độ mẫu quyền còn mạnh.

Còn đoạn cuối, việc Chử Đồng Tử - Tiên Dung bay lên trời lại xảy ra vào cuối thời kỳ Hùng Vương, khi chế độ phụ quyền đã được thiết lập vững chắc (đến đời An Dương Vương, chế độ phụ quyền đã hết sức vững chắc; người cha có thể giết con gái, khi người con vô tình làm hỏng việc nước).

Trong số các truyền thuyết về thời kỳ Hùng Vương dựng nước thì đây là truyền thuyết rất hiếm hoi đề cập một nghề  mới mẻ trong đời sống kinh tế của cộng đồng người Việt cổ: Nghề buôn bán.

Buôn bán là một nghề không thể thiếu trong đời sống kinh tế xã hội, khi sức sản xuất đã phát triển. Có sản phẩm dư thừa thì phải có lưu thông buôn bán. Mà đã có buôn bán thì phải có vốn và lãi, tức là phải tính đến giá trị của hàng hóa.

Như vậy, việc buôn bán, giá trị hàng hóa, cơ chế thị trường đã có manh nha từ thời kỳ Hùng Vương (truyền thuyết Mai An Tiêm).

Đến truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung thì lại khác. Chử Đồng Tử khi chưa lấy Tiên Dung, chỉ là một người ăn xin nghèo khổ đến mức không có nổi một cái khố.

"Phép lạ" để từ gậy và nón biến thành lâu đài, ở đây không có gì khác ngoài việc buôn bán làm giàu "một vốn mười lời".

Truyền thuyết còn cho biết, Chử Đồng Tử còn cưỡi thuyền vượt biển đi buôn "phương xa".

Không phải ngẫu nhiên mà những vùng chợ búa đô hội do Chử Đồng Tử - Tiên Dung tạo lập nên thì hàng ngàn năm sau này, cũng gần những địa điểm ấy lại xuất hiện một trung tâm buôn bán với nước ngoài vào loại lớn nhất nước ta vào thế kỷ XVII - XVIII, đó là vùng Phố Hiến (Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến).

Phải chăng, vị trí đó, tiềm năng buôn bán giao lưu đó đã được manh nha từ thời kỳ Hùng Vương?    

Phan Duy Kha

 

Bình luận(0)