Trữ đông thực phẩm dùng dần: Kém ngon, mất dinh dưỡng

Google News

(Kiến Thức) - Nhiều gia đình có thói quen mua thực phẩm ngon trữ đông ăn dần. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều này là chưa khoa học.

75% trữ đông thực phẩm từ một tháng trở lên
Quê chị Nguyễn Lan Anh thuộc vùng biển Hà Tĩnh, vì thế bố mẹ chị đều chuyển thức ăn là đồ biển ra Hà Nội cho con gái hằng tháng. Mỗi lần như vậy, gia đình chị nhận được nhiều thực phẩm như mực, cá thu... thậm chí cả thịt lợn quê. Đa phần sau đó đều được chị bảo quản bằng đông lạnh. Trong đó, nhiều thức ăn được chị để rất lâu do chưa ăn tới. Thời gian có thể lên tới cả tháng, thậm chí là vài tháng.
Khi chúng tôi đến tìm hiểu, tủ lạnh nhà chị Lan Anh chứa đầy thức ăn bảo quản đông. Trong đó, có những thực phẩm như mực chiên, cá thu nướng... đã được cất khoảng 6 tháng nay do gia đình gửi nhiều hoặc không hợp khẩu vị. Cầm miếng cá thu khi đưa ra khỏi tủ có cảm quan khô, xơ. Theo chị Lan Anh, thức ăn để lâu khi chế biến có cảm giác không ngon nhưng bỏ đi không nỡ nên chị đành phải để ở tủ lạnh. 
Tương tự, nhiều gia đình ở Hà Nội do thời gian eo hẹp nên cuối tuần các bà nội trợ thường đi siêu thị mua thực phẩm trữ đông ăn dần. Chậm thì thực phẩm được dùng hết trong tuần, còn lâu hơn có thể kéo dài lên vào tháng. 
Cũng trong một khảo sát của chuyên gia Nguyễn Thục Quyên, Công ty Cổ phần thực phẩm Hà Nội về tỷ lệ bảo quản đông thực phẩm tại một số địa bàn thuộc Hà Nội cho thấy, 100% gia đình đều trữ đông lạnh thực phẩm để ăn dần. 75% nhà người dân được hỏi sử dụng thực phẩm từ một tháng trở lên. Trong đó, 30% gia đình để đông từ 3 tháng trở lên. Còn lại 25% gia đình dùng thực phẩm hằng tuần hoặc dưới một tháng. 
Thói quen bảo quản đông thực phẩm để ăn dần của các gia đình nên được hạn chế thời gian.  
Nguy cơ gây ngộ độc thức ăn 
Theo PGS.TS Hà Văn Thuyết, Bộ môn Công nghệ thực phẩm, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, trường Đại học Bách khoa Hà Nội, thói quen bảo quản đông thực phẩm để ăn dần của các gia đình nên được hạn chế thời gian. Bởi khi cấp đông, thực phẩm bị đóng băng nên nhiều chất dinh dưỡng bị thay đổi do nhiệt độ lạnh. Đồng thời, cũng do cấu trúc của thực phẩm không giống lúc tươi nên khi ăn không còn ngon như mong muốn của người dân. 
"Thực phẩm thay đổi theo thời gian, càng để lâu thực phẩm càng thay đổi cấu trúc nhiều. Đồng thời, chất lượng còn phụ thuộc vào kỹ thuật đông lạnh. Đông lạnh càng nhanh chất lượng càng tốt, ngược lại cấp đông chậm thực phẩm phân hủy càng cao. Tủ lạnh gia đình là một dạng cấp lạnh chậm, vì thế nên hạn chế càng tốt", PGS.TS Hà Văn Thuyết nói. 
Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng phân tích thêm, chính việc rã đông không hợp lý hoặc rã đông làm nhiều lần nên thực phẩm bị chảy dịch, mất chất dinh dưỡng. Quá trình rã đông trái ngược với quá trình làm đông. Rã đông chậm lại đảm bảo chất dinh dưỡng hơn là tan giá nhanh. Bởi khi rã nhanh, thực phẩm bị phá vỡ tế bào, chảy dịch nhiều hơn nên kém ngon. Đây chính là lý do các thực phẩm sau khi cấp đông không còn hấp dẫn với người ăn, tạo cảm giác khô, nhạt...
Đồng quan điểm, ThS Nguyễn Thục Quyên khuyến cáo, thói quen rã đông thực phẩm sau đó tái cấp đông đã khiến nhiều người sử dụng thực phẩm không an toàn, đảm bảo chất dinh dưỡng dẫn đến các bệnh như tiêu chảy, ngộ độc thức ăn. Việc rã đông sau đó tái cấp đông là quá trình thực phẩm mất chất dinh dưỡng và tiếp nhận sự phát triển của vi sinh vật. Sau khi cấp đông, vi sinh vật có thể không chết đi mà chỉ "ngủ", đồng thời phát triển trở lại mạnh hơn khi rã đông lần hai. Ngoài ra, cách rã đông bằng ngâm nước trong thời gian dài cũng không khoa học. 
Các chuyên gia khuyên, chỉ nên bảo quản thực phẩm dao động trong vòng một tháng. Bảo quản sau khi đã làm sạch và cho vào các hộp nhựa chịu nhiệt riêng biệt. Đối với thực phẩm mảng lớn nên tách nhỏ ra để dùng mỗi lần nhằm tránh tình trạng tái đông.
Hiền Dung

Bình luận(0)