Rùng mình công nghệ “lột xác” thực phẩm thành tươi ngon

Google News

(Kiến Thức) - Từ các loại cá ươn, mực, nội tạng lợn, gia cầm thối tới dưa cà, bún, rau sống, măng chua, dừa tươi, mứt bánh kẹo... những người bán đã tìm mọi cách hô biến, tẩy trắng nhằm bán kiếm lời.

Công nghệ "tân trang, tắm trắng" dừa tươi 

Nước dừa là thức uống khá được ưa chuộng trong những ngày hè. Chính vì vậy, cứ vào đầu hè là các cửa hàng bán nước dừa mọc lên như nấm. Quả dừa tươi khi gọt lớp vỏ màu xanh thì phần xơ dừa rất dễ bị khô và đổi màu đen, chính vì thế người bán phải nhờ đến công nghệ "tắm trắng" để dừa bắt mắt. Dừa bị tắm trắng bằng hóa chất được phát hiện dịp hè năm 2012. Mặc dù biết là nguy hiểm, nhưng vì mải chạy theo lợi nhuận mà các tiểu thương bất chấp sức khỏe người tiêu dùng, “tân trang dừa” bằng thứ hóa chất độc hại.

 Hình minh họa

Chuyện ngâm tẩm hóa chất làm cho dừa trắng và bắt mắt không phải là mới nhưng điều đáng nói là tình trạng này đang ngày càng phổ biến. Công đoạn làm ra quả dừa trắng khá đơn giản: Chỉ cần gọt lớp vỏ xanh cứng, hóa chất được đổ vào một thùng phi nhựa, hòa với nước. Dừa gọt vỏ xong được thả vào thùng phi hóa chất, sau 5 - 10 phút vớt ra đặt vào những giá nhựa để sẵn cho ráo nước, sau đó mang đi tiêu thụ. Nếu quả dừa sau khi gọt vỏ mà không ngâm vào hóa chất thì nhanh chóng chuyển sang màu vàng, còn trái dừa đã ngâm thì có màu trắng mướt, trông rất hấp dẫn. 

Chất tẩy trắng hô biến mực ươn thối

Thông tin về việc nhiều người kinh doanh dùng chất tẩy trắng hô biến mực ươn thôi bán cho người tiêu dùng rộ lên tại TP.HCM. 

Theo thông tin trên báo chí thì quy trình “hô biến” mực thành trắng tinh rất đơn giản. Những người bán hàng thản nhiên chế vào từng xô chậu một ít nước màu đục như nước vo gạo, khuấy đều. Kế tiếp, họ cho mực nguyên liệu (là những sọt mực bốc mùi hôi, ngả màu tím đen) vào xô trộn đều và ngâm cả giờ... Khi trời sáng, mực được vớt ra bán. Những con mực tím đen trước đó, sau khi vớt đã trắng phau.

  Những con mực trắng tinh ngon lành thế này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ

Dân trong nghề gọi loại hóa chất này là "chất kiềm" có công dụng giữ cho con mực không bị hư hỏng và tích nước làm tăng trọng lượng (mỗi kg mực ngâm hóa chất này sẽ làm tăng trọng lượng thêm ít nhất 200 g). Trường hợp mực đã bị biến chất, người bán sẽ "xử lý" bằng cách ngâm chất tẩy trắng. Chất này không chỉ khử mùi hôi tanh (do mực đang trong quá trình phân hủy) mà còn tạo độ giòn, dai...

Đặc biệt, khi cơ quan chức năng kiểm tra thì phát hiện có thùng mực đã bắt đầu bốc mùi thối và xuất hiện giòi, bọ. 

Bì lợn thối tẩy trắng thành đặc sản

Vào khoảng tháng 1/2013, các mặt báo đồng loạt đưa tin về “công nghệ” tẩy trắng bì lợn bằng… ôxy già. Theo đó, 1 lít ôxy già tẩy trắng được… 3 tạ bì lợn.

Công đoạn phù phép sẽ được thực hiện rất đơn giản: Đầu tiên, bì lợn (còn lẫn mỡ) sẽ được xịt nước thẳng vào để rửa. Mỡ lợn được các nhân công vừa “dẫm, đạp” vừa xịt nước để rửa, tuy nhiên vẫn bốc mùi, kèm theo sạn đá dính đầy.

Sau khi rửa sạch bì lợn cạo sạch lông, nạo bỏ toàn bộ mỡ thì bì lợn thối bốc mùi sẽ được ngâm trong thùng ôxy già từ 2 - 3 tiếng đồng hồ. Sau khi được ngâm, bì lợn được vớt ra với màu trắng toát, sạch bong. Những vết thâm tím trên thân bì đã hoàn toàn biến mất. Đặc biệt, mùi hôi thối cũng không còn nữa.

 Bì lợn thường xuyên bị tẩy trắng làm sạch mùi hôi thối. 

Bì lợn thối đã được ngâm tẩy trắng này sẽ được chế biến thành món bóng bì khoái khẩu của nhiều người.

Bún, bánh canh, hủ tiếu tắm đẫm chất tẩy trắng trước khi lên bàn ăn

Cơ quan chức năng đã phát hiện ra việc nhiều cơ sở sản xuất bún, bánh canh, hủ tiếu sử dụng hóa chất tẩy trắng và chống mốc để làm làm trắng bún, giữ bún lâu chua, lâu hỏng được phát hiện ngày 17/5 vừa qua.

Dưa cà bị ép chín bằng axit chanh và chất tẩy đường

Với mong muốn dưa cà muối nhanh chín để bán cho khách, nhiều người bán hàng đã không muối dưa cà theo cách truyền thông nữa mà tận dụng các loại hóa chất phụ trợ, phụ gia đặc biệt. Báo chí đưa, chỉ cần dùng chất phụ gia này vừa tiết kiệm mà hiệu quả, không phải mất công sức hì hục nén đá mấy ngày chờ dưa cà chín mới bán được.

Các loại dưa, cà sau khi rửa sạch chỉ cần cho một thìa nhỏ chất tẩy đường vào ngâm từ 10-15 phút, rồi bỏ ra rửa sạch bằng nước. Tiếp đó, tùy theo khối lượng dưa cà định làm để cho lượng axit chanh vào hòa cùng nước sôi, rồi thêm gia vị khác muối như bình thường. Nên chỉ cần trong 1 ngày bình cà vừa muốn đã chín, chua giòn ngon lành bán cho khách.

Đáng nói là sau khi tìm hiểu thì phát hiện loại chất phụ gia dùng để tẩy, ép dưa cà là axit chanh và chất tẩy đường. 

Axit chanh, bột tẩy đường là những hóa chất được dùng phổ biến trong công nghiệp tẩy rửa. Trong công nghiệp thực phẩm, những chất này chỉ được dùng khi trên bao bì chỉ định rõ với lượng hạn chế giúp tẩy trắng và lên men. Nếu dùng  axit chanh quá  lượng quy định có thể tổn hại đến men răng. Khi tiếp xúc gần mắt, có thể gây bỏng và làm mất thị giác; ngoài ra, còn làm tổn hại và bạc màu tóc.

Và nhiều người kinh doanh không chỉ dùng chất này để muối cà, mà còn dùng để tẩy trắng lòng, măng, hoa chuối, thịt thâm đen, thậm chí bát đũa, vết ố quần áo đều có thể tẩy được.

Những sự việc trên chỉ là những vụ việc tiêu biểu đã bị phát hiện, thực tế còn rất nhiều hành vi lừa đảo đầu độc người tiêu dùng chưa bị phát hiện. Quyền được sống khỏe mạnh, an toàn đều nằm trong tay chính người tiêu dùng thông minh để biết phân biệt và chọn lựa.

 
Việc người bán hàng sử dụng phụ gia tẩy trắng công nghiệp để tẩy trắng thực phẩm sẽ rất nguy hại cho những người ăn phải. Khi ngâm, tẩy trắng thực phẩm bằng phụ gia tẩy trắng công nghiệp sẽ ngấm vào thực phẩm. Khi người tiêu dùng ăn vào, chất độc hại có thể tồn đọng lại trong cơ thể khiến dạ dày bị ăn mòn cũng như cơ thể sẽ hứng chịu tác động về lâu dài.
 
Bởi vậy, “người tiêu dùng nên mua thực phẩm của người quen, còn nếu lỡ mua phải những thực phẩm như sách bò, lòng lợn, hoa chuối… trắng quá thì tốt nhất là bỏ, không nên sử dụng".
 

TIN LIÊN QUAN

ĐANG ĐỌC NHIỀU


Ngọc Nga (TH)

Bình luận(0)