Con cái mệt mỏi vì mẹ hay khoe thành tích

Google News

5 năm trở lại đây, mẹ tôi hay kể chuyện xưa, hễ con cháu về chơi là bà kể hết chuyện này đến chuyện khác, có chuyện được kể đi kể lại.

- Mẹ tôi năm nay hơn 60 tuổi, trước đây bà là chị dâu cả trong đại gia đình có 5 anh em trai. Ngày ấy mẹ tôi vất vả, lam lũ, ngoài việc nuôi 4 anh em tôi, bà còn một tay lo cho các anh em nhà chồng dựng vợ, lo công việc ổn thỏa...
 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Vất vả là vậy nhưng bà không kêu ca phàn nàn gì, cô chú trong nhà rất khâm phục. Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, bà rất hay kể chuyện xưa, hễ con cháu về chơi là bà kể hết chuyện này đến chuyện khác, có chuyện được bà kể đi kể lại.
 
Cùng với kể chuyện bà ngày xưa, bà còn hay chê cách sống của con trẻ bây giờ, nào là thiếu quan tâm đến các thành viên trong gia đình, suốt ngày chơi điện tử... Nếu ai bảo bà lẩm cẩm thì bà giận không muốn nhìn mặt. Tôi nên làm gì để mẹ bớt những câu chuyện kể đi kể lại về thành tích ngày xưa?
 
Nguyễn Văn Quân (Sóc Sơn, Hà Nội)

Anh Quân thân mến! Ở tuổi của mẹ anh, sự bận rộn công việc không còn nữa, các mối quan hệ cũng dần bị thu hẹp, đặc biệt khả năng tiếp cận thông tin rất hạn chế, cho nên bác có tâm lý lưu luyến quá khứ, thích nhắc lại chuyện xưa với con cháu. Chính vì vậy, mọi người trong gia đình hãy nên tôn trọng sở thích này của bà, chiều lòng bà bằng cách thi thoảng ngồi lắng nghe để bà cảm thấy bớt cô đơn.
 
Việc tỏ ra khó chịu (chê bà lẩm cẩm) hay thờ ơ với các câu chuyện của bà sẽ làm cho bà cảm thấy rất tủi thân, cho rằng con cái không tôn trọng mình nữa. Dần dần bà sẽ thu mình vào trong thế giới cô đơn riêng và khi tinh thần không được thỏa mãn, sức khoẻ cũng theo đó mà sa sút nhanh chóng. Nếu cảm thấy khó chịu vì phải nghe đi nghe lại những chuyện cũ của bà, con cháu có thể tế nhị hướng câu chuyện sang một lĩnh vực khác.
 
Hãy tạo nhiều nhất cơ hội bà được gặp gỡ bạn bè và tham gia các hoạt động xã hội ở xã, phường như Hội Người cao tuổi, Hội Văn nghệ, Hội Dưỡng sinh... Những niềm vui nho nhỏ ấy như liều thuốc bổ giúp tinh thần thêm lạc quan, vui vẻ và bà sẽ có nhiều câu chuyện mới hơn để kể thay vì những chuyện đã được kể đi kể lại nhiều lần. Khi bà nhắc nhở cách sống của con trẻ, có lẽ anh cũng nên để tâm vì các cụ là những người từng trải, nhiều kinh nghiệm cuộc sống, nỗi lo của bà không phải không có lý.
 
Có thể hiện giờ anh bận rộn công việc nên không nhận thấy sự thờ ơ của con cái, nếu không điều chỉnh, uốn nắn kịp thời, đến lúc ở tuổi mẹ, anh sẽ thấy cô đơn khi con, cháu quá bận rộn với việc riêng và những thú vui bản thân mà không quan tâm đến tâm tư cha mẹ.
 
Giảng viên Tâm lý học Vũ Thành

Bình luận(0)