Vừa sạc điện thoại vừa nghe nhạc, coi chừng chết oan

Google News

(Kiến Thức) - Những người hay vừa sạc điện thoại vừa nghe nhạc bằng tai nghe nên bỏ ngay thói quen vừa giết chết một người đàn ông Thái Lan này.

Chủ quan cho rằng đeo tai nghe không ảnh hưởng gì đến nguồn điện, nhiều người đã phải “rước họa” vì điện giật, tê liệt thần kinh tạm thời... Theo các chuyên gia, khi sạc điện thoại tốt nhất không nên sử dụng dù là bất cứ ứng dụng gì.
Tử vong vì vừa sạc điện thoại vừa đeo tai nghe
Tối 5/6, một người tại quận Thung Song (tỉnh Nakhon Si Thammarat, miền Nam Thái Lan) đã thiệt mạng do bị điện giật khi vừa sạc điện thoại vừa nghe nhạc bằng tai nghe trong lúc đi ngủ. Cảnh sát phát hiện nam thanh niên tử vong khi vẫn đang mặc đồng phục và đeo tai nghe nhạc. Bên cạnh đó là chiếc điện thoại đang được sạc pin. Sau khi tiến hành khám nghiệm tử thi, cảnh sát phát hiện 2 tai của nạn nhân xuất hiện vệt đen do cháy, bỏng. Kết luận ban đầu là do chập điện đột ngột dẫn đến xung điện thẳng vào tai khiến người này  tử vong.
Vụ tai nạn xảy ra sau khi nam sinh đi học về và lấy điện thoại ra giải trí trong lúc chờ cha mẹ nấu cơm. Vào thời điểm đó, ngoài trời mưa rất lớn và có sấm sét. Chỉ sau khi mưa ngớt, cha mẹ nạn nhân mới gọi con xuống ăn cơm. Tuy nhiên, khi không thấy trả lời, cha của nạn nhân đã mở cửa vào phòng và bàng hoàng phát hiện con đã nằm bất động từ khi nào. 
Ở Việt Nam, những trường hợp tử vong do sử dụng điện thoại di động không đúng cách cũng đã xảy ra như trường hợp anh Kiều Thế Bắc ở Lâm Đồng hay anh Đoàn Văn Hùng (TPHCM) bị bỏng toàn thân khi nghe điện thoại lúc có tia lửa điện từ sấm sét. KS Lê Đức Ngọc, trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, nguyên nhân gây tử vong trong trường hợp này rất dễ hiểu, đó là do sử dụng điện thoại khi trời có sấm sét, mưa giông, hoặc bộ sạc, tai nghe không đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn cho phép. Dòng điện của điện thoại dù nhỏ, nhưng tác động trực tiếp vào phần tai dễ làm tê liệt thần kinh, làm cho nạn nhân tử vong. Nhiều trường hợp khi đeo tai nghe cảm thấy giật giật ở tai, chính là do tai nghe đã bị nhiễm điện từ điện thoại.
Vua sac dien thoai vua nghe nhạc, coi chùng chét oan
 Ảnh minh họa.
Không dùng điện thoại khi sạc pin
PGS.TS Nguyễn Quốc Trung, nguyên Trưởng khoa Điện tử viễn thông, trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, việc vừa sạc pin vừa nghe điện thoại không chỉ tiềm ẩn nguy hiểm mà còn ảnh hưởng đến sức khoẻ. Khi nghe điện thoại trong trạng thái sạc sẽ cảm thấy mệt mỏi, nhức đầu hơn so với nghe điện thoại ở trạng thái thông thường. 
Do tác dụng của sóng cao tần (1,8GHz) phát ra từ điện thoại di động khi thời gian sử dụng kéo dài (vì việc sạc pin thường lâu) sẽ ảnh hưởng tới não người sử dụng. Hơn nữa, các bức xạ của việc sử dụng điện thoại di động sẽ tăng khi pin yếu, hoạt động trong vùng phủ sóng kém. Trong quá trình sạc pin nếu sử dụng điện thoại, các linh kiện bị nóng cũng có thể tăng các bức xạ không tốt cho sức khỏe. 
Khi sử dụng tai nghe, khoảng cách điện thoại với cơ thể sẽ xa hơn so với nghe điện thoại trực tiếp, tuy nhiên nếu pin bị chập, tai nghe không đảm bảo thì dòng điện rò rỉ sẽ tác động trực tiếp, thời gian kéo dài sẽ khiến người dùng tử vong như hiện tượng điện giật. Vì thế, khuyến cáo đưa ra vẫn là sử dụng đồ điện tử an toàn, có thương hiệu. 
Các chuyên gia cho biết, để bảo vệ sức khỏe, tốt nhất là nên hạn chế sử dụng điện thoại, các thiết bị điện tử cầm tay khi đang sạc pin. Tốt nhất, người sử dụng nên tắt nguồn điện khi đang sạc pin. Không để các loại máy có nhiều từ trường như máy tính, máy nghe nhạc và điện thoại ở gần nhau. Bởi trong quá trình sạc, nếu các linh kiện điện tử không đảm bảo chất lượng, bị hỏng, mạch nguồn có thể bị đánh thủng dẫn tới việc điện áp cao phóng thẳng tới điện thoại liên tục hoặc tức thì gây hỏng điện thoại và giật, gây nguy hiểm cho người sử dụng, nhất là những điện thoại vỏ kim loại.
Một số nguyên tắc an toàn khi sử dụng điện thoại di động là để máy ở tình trạng khô ráo, không thấm nước khi khởi động máy để tránh tình trạng chập mạch điện. Không nên bỏ điện thoại trong túi quần, túi áo. Tắt điện thoại khi ở trong khu vực dễ xảy ra cháy nổ như trạm tiếp nhiên liệu, trạm nạp khí hoá lỏng, nhà máy hoá chất...
Bảo Khánh

>> xem thêm

Bình luận(0)