Top 10 UAV hàng đầu thế giới

Google News

Top 10 UAV tiên tiến nhất, đa năng và đáng tin cậy nhất hiện có trên thế giới

Phương tiện bay không người lái (UAV) ngày càng được cải tiến để cơ động hơn và được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau.

Qua mỗi năm UAV lại trở nên tốt hơn và đa năng hơn. Từ các nguồn thông tin mở trang thông tin mạng chuyên về lĩnh vực hàng không Aviation.com đã bình chọn Top 10 UAV tiên tiến nhất, đa năng và đáng tin cậy nhất hiện có trên thế giới.

10 – Fire Scout/Sea Scout của công ty Northrop Grumman

 

 

 

Được phát triển trên cơ sở phiên bản máy bay trực thăng có người lái hạng nhẹ Schweizer Model 330SP, UAV RQ-8A Fire Scout có khả năng trinh sát và theo dõi mục tiêu, hoạt động liên tục trên không trong vòng 4 giờ, tầm hoạt động 200 km tính từ điểm phóng.

Cất, hạ cánh theo phương thẳng đứng, việc kiểm soát được thực hiện thông qua hệ thống định vị toàn cầu GPS, cho phép RQ-8A Fire Scout làm việc trong chế độ tự động và được điều khiển thông qua trạm chỉ huy trên mặt đất. Một biến thể nâng cấp của RQ-8A là Sea Scout có thể mang tên lửa đất đối không có độ chính xác cao.

9 – RQ-2B Pioneer

 

 

 

UAV RQ-2B Pioneer (sản phẩm của liên doanh sản xuất UAV Mỹ-Israel Pioneer) được đánh giá là cỗ máy được tin tưởng nhất, đang được trang bị cho Thủy quân lục chiến, Hải quân và cả Lục quân Mỹ từ năm 1986.

Pioneer có khả năng hoạt động cả ngày lẫn đêm, liên tục trong 5 giờ, thực hiện nhiệm vụ trinh sát, theo dõi, đánh chặn mục tiêu, hỗ trợ hỏa lực và đánh giá mức độ phá hủy mục tiêu trong quá trình tác chiến.

UAV RQ-2B Pioneer có thể cất cánh từ tàu chiến nhờ sự hỗ trợ của tên lửa hoặc máy phóng. Trong mọi trường hợp, việc hạ cánh được tiến hành với sự hỗ trợ của cơ chế phanh hãm đặc biệt.

RQ-2B Pioneer có chiều dài hơn 4m, sải cánh dài 5m, trần bay đạt đến 4,5km. Trọng lượng cất cánh là 205 kg.

Ngoài ra, Pioneer có thể mang tải trọng có ích đến 34 kg, hoặc các bộ cảm biến quang học và hồng ngoại, hoặc thiết bị để phát hiện mìn và vũ khí hóa học.

8 – Scan Eagle

 

 

 

UAV Scan Eagle của Boeing Scan Eagle có trọng lượng 18 kg, được phát triển trên cơ sở UAV Insight của công ty Insitu.

UAV Scan Eagle có thể tuần tra khu vực chỉ định liên tục hơn 15 giờ với tốc độ gần 100 km/h ở độ cao khoảng 5 km.

Thiết bị này có thể mang theo trọng lượng 5,9 kg, cất cánh từ bất kỳ vị trí nào. Theo Lục quân Mỹ, Scan Eagle có sải cánh 3m, vận tốc trên 130 km/h, tàng hình với radar của đối phương và hầu như không nghe được âm thanh nào phát ra từ nó ở khoảng cách hơn 15m.

Phần mũi có một tháp treo khá độc đáo có thể gắn khí tài trinh sát hoạt động ở dải ánh sáng nhìn thấy hoặc hồng ngoại.

7 – Global Hawk của công ty Northrop Grumman

 

 

 

UAV lớn nhất thế giới RQ-4 Global Hawk là phương tiện bay không người lái đầu tiên nhận được giấy chứng nhận của Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ, cho phép Global Hawk có thể bay theo phương án đặc biệt được lập riêng và sử dụng hành lang hàng không dân sự ở Mỹ mà không cần thông báo trước.

RQ-4 đã có chuyến bay thành công từ Mỹ đến Úc, khi trên hành trình thực hiện nhiệm vụ tình báo, và trở về qua Thái Bình Dương.

Giá của Global Hawk, bao gồm cả chi phí phát triển là 123 triệu USD.

Thiết bị này có khả năng đạt đến độ cao 20 km và tiến hành trinh sát, giám sát trong mọi điều kiện thời gian, đảm bảo cung cấp cho Bộ chỉ huy những hình ảnh do thám chất lượng cao.

6 – MQ-9 Reaper của General Atomics

 

 

 

UAV MQ-9 Reaper là biến thể được phát triển đặc biệt cho Không lực Mỹ dựa trên sự phiên bản vốn đã rất thành công - Predator. Do vậy, thời gian đầu Reaper được gọi là “Predator B”.


Không quân Mỹ đã sử dụng thiết bị này ở Afghanistan và Iraq, chủ yếu với mục đích tìm kiếm và tấn công lực lượng phiến quân Taliban.

MQ-9 Reaper mang tên lửa AGM-114 Hellfire và bom dẫn đường bằng laser. Trọng lượng cất cánh tối đa là 5 tấn, hoạt động ở độ cao 15 km, vận tốc 370 km/h, phạm vi hoạt động tối đa 6000 km.

Với tải trọng có ích lên đến 1,7 tấn MQ-9 có thể mang một bộ video hiện đại và cảm biến hồng ngoại, máy đo bức xạ (kết hợp radar với một thiết bị tổng hợp), máy đo khoảng cách và chỉ thị mục tiêu bằng laser.


MQ-9 có thể được tháo rời và đặt vào một container để di chuyển đến các căn cứ không quân Mỹ. Mỗi hệ thống Reaper bao gồm 4 cỗ máy được trang bị cảm biến, trị giá 53,5 triệu đô la.

5 – AeroVironment Raven и Raven B

 

 

 

RQ-11A Raven được phát triển vào năm 2002-2003, là mẫu chính trong số các phiên bản thử nghiệm do công ty AeroVironment Pointer thực hiện vào năm 1999.

RQ-11A Raven được lựa chọn nhờ có trang bị kỹ thuật tiên tiến hơn, có thiết bị điều khiển, tải trọng có ích và modul hệ thống định vị GPS. Tầm hoạt động của RQ-11A là 9,5 km, tốc độ 45-95 km/h, thời gian hoạt động trên không 80 phút.

Phiên bản Raven B nặng hơn một chút, nhưng có đặc tính hiệu suất cao hơn, bộ cảm biến được cải thiện đáng kể và có thể mang theo bộ chỉ thị mục tiêu bằng laser.

Tuy nhiên, Raven và Raven B thường bị gãy vỡ sau mỗi lần hạ cánh, nhưng sau khi sửa chữa, chúng lại sẵn sàng “chiến đấu”.

4 – Bombardier CL-327

 

 

 

Nhìn bề ngoài UAV Bombardier CL-327 VTOL sẽ hiểu lý do tại sao người ta gọi nó là "hạt bay", nhưng CL-327 là UAV rất đa năng. Được trang bị động cơ WTS-125 100 mã lực, CL-327 có trọng lượng cất cánh tối đa là 350 kg, có thể tiến hành khảo sát một khu vực xác định, tuần tra biên giới.

Ngoài ra, nó còn được sử dụng như bộ chuyển phát và tham gia vào các nhiệm vụ trinh sát quân sự và các chiến dịch chống buôn bán ma túy.

CL-327 có thể hoạt động liên tục trên không trong gần 5 giờ đồng hồ với khoảng cách hơn 100 km từ điểm phóng. Nó có thể mang tải trọng có ích khoảng 100 kg, trần bay 5.5 km.UAV CL-327 được trang bị một loạt các cảm biến và hệ thống truyền tải dữ liệu, được điều khiển thông qua GPS hoặc hệ thống dẫn đường quán tính.

3 – Yamaha RMAX

 

 

 

Trực thăng mini Yamaha RMAX, được coi là UAV dân sự phổ biến nhất (khoảng 2.000 chiếc đã được sản xuất), có thể để thực hiện một loạt các nhiệm vụ khác nhau. Thiết bị này được trang bị 1 động cơ piston hai kỳ của Yamaha, nhưng trần bay chỉ có thể đạt đến 140-150 m.

RMAX được sử dụng rộng rãi và có hiệu quả trong việc phun thuốc trừ sâu cho các cánh đồng lúa và các đồn điền khác ở Nhật Bản.


Ngoài ra, RMAX đã được sử dụng hiệu quả cho công việc nghiên cứu núi lửa. Tháng 4/2000 RMAX là phương tiện duy nhất có thể tiếp cận và quan sát quá trình hoạt động của núi lửa Usu ở Hokkaido.

2 – Desert Hawk của Lockheed Martin

 

 

 

Desert Hawk ban đầu được phát triển theo yêu cầu của Không quân Mỹ nhằm bảo vệ và kiểm soát các mục tiêu trên không, được đưa vào sản xuất từ năm 2002.

Trần bay trung bình của UAV này là 150 m, nhưng khi cần nó có thể đạt đến mức trần tối đa 300 m. Kiểm soát hoạt động thông qua GPS và được lập trình trước.

Quân đội Mỹ đã tích cực sử dụng Desert Hawk để tuần tra các khu vực quy định trên sa mạc ở Iraq. Desert Hawk có vận tốc 90 km/h, và phạm vi hoạt động 11 km.

1 – MQ-1 Predator của General Atomics

 

 

 

Đây là loại UAV đa năng nhất hiện nay, hoạt động ở tầm trung và cao, có thể thực hiện chuyến hành trình dài, tác chiến độc lập, có khả năng thực hiện thông tin tình báo quân sự.

Vận tốc trung bình của Predator gần 135 km/h, trần bay 7,6 km, tầm hoạt động hơn 720 km. MQ-1 có thể mang tên lửa dẫn đường bằng laser AGM-114 Hellfire.

Tại chiến trường Afghanistan, MQ-1 Predator trở thành phương tiện đầu tiên trong lịch sử UAV tiêu diệt lực lượng quân sự đối phương.

Một hệ thống Predator đầy đủ gồm 4 chiếc được trang bị cảm biến, trạm kiểm soát mặt đất, đường truyền dữ liệu vệ tinh và khoảng 55 nhân viên làm việc liên lục. Động cơ Rotax 914F 115 mã lực cho phép MQ-1 có thể tăng tốc lên 220 km/h. MQ-1 Predator có thể cất- hạ cánh từ đường băng có kích thước 1500x20 mét.

Khôi Nguyên (theo Aviation.com)

Bình luận(0)