Những hình ảnh không gian kỳ ảo nhất thế giới (1)

Google News

(Kiến Thức) – Tinh vân Helix, nhật thực “cười”, vành đai sao Thổ…là những bức ảnh thiên văn ấn tượng chụp lại không gian kỳ ảo của Trái đất.

1.    Tinh vân Helix


Tinh vân Helix được mệnh danh là “mắt của Chúa” bởi hình dạng của nó khá giống con mắt khổng lồ.

Trên thực tế Helix là một ngôi sao đang “hấp hối” thuộc chòm sao Bảo Bình (Aquarius) do nhiên liệu Hydro và Heli của nó cạn kiệt. Được phát hiện vào khoảng trước năm 1824, nó là một trong những tinh vân gần địa cầu nhất. Những đám mây bụi khí thoát ra từ bề mặt ngôi sao. Bức xạ từ ngôi sao rất mạnh nên bụi và khí phát sáng. Phần lõi của Helix sẽ cô đặc thành sao lùn trắng có kích thước tương đương trái đất và khối lượng gấp hành tinh của chúng ta hàng nghìn lần.

Vành đai chính của tinh vân Helix có đường kính khoảng 2 năm ánh sáng. Mặc dù hình ảnh của Helix rất rực rỡ, rất khó có thể quan sát bằng mắt thường bởi ánh sáng của nó lan tỏa mỏng manh trong một vùng trời lớn.

2.    Vòng xoáy của các ngôi sao trên cực quang



Bức ảnh phơi sáng đăng trên cộng đồng nhiếp ảnh chuyên chụp bầu trời đêm (The World at Night – TWAN) trong tháng 11 ghi lại những vòng xoáy của các ngôi sao trên cực quang ở phía đường chân trời rực sáng ở Mornington Peninsula, Úc.

Cực quang sinh ra khi Mặt trời bắn các hạt tích điện (gió Mặt trời) vào tầng khí quyển của Trái đất, va chạm với những nguyên tử oxi và nitơ trong tầng điện ly. Năng lượng giải phóng từ những va chạm tạo ra các màu sắc rực rỡ ở độ cao 97 đến 1.000 km.

Chụp ảnh phơi sáng dài là kỹ thuật chụp thiết lập kéo dài thời gian đóng màn trập của máy ảnh, để nắm bắt những điểm tĩnh trên khung hình trong khi làm mờ đi hoặc che khuất các thành phần chuyển động. Kỹ thuật phơi sáng dài thường được sử dụng trong điều kiện chụp tối.

3.     Bức ảnh Witch’s Broom



Bức ảnh về một tàn dư siêu tân tinh được đặt tên Witch’s Broom (Cây chổi phù thủy) nhận giải thưởng cao tại cuộc thi Nhiếp ảnh gia Thiên văn học của năm 2012.

Bức ảnh cho thấy các mảnh vỡ nằm rải rác từ một ngôi sao đã nổ tung cách đây vài nghìn năm trong dải thiên hà Milky Way. Những vệt sáng là một phần của tinh vân Veil – một trong những tàn tích siêu tân tinh lớn nhất trên bầu trời. Nó nằm cách Trái Đất khoảng 1.400 năm ánh sáng về phía chòm sao Cygnus.

4.    Cực quang


 

Cực quang là một hiện tượng quang học, là sự thể hiện đầy màu sắc của ánh sáng trên bầu trời về đêm. Sự tương tác của các hạt mang điện tích từ gió mặt trời với tầng khí quyển bên trên của hành tinh sinh ra cực quang.

Các cực quang mạnh nhất thường diễn ra sau sự phun trào hàng loạt của Mặt trời. Cực quang không phải là hiện tượng riêng biệt của khí quyển trái đất. Nó cũng xảy ra ở các hành tinh khác trong hệ Mặt Trời.

5.    Sao Hỏa băng giá



Hình ảnh chụp các đụn cát hình thành tự nhiên ở vùng cực bắc của Hành tinh Đỏ với những mảng băng tan trông giống như có ai đó tạc hình một con chim bồ câu lên cát trên sao Hỏa.

Bức hình do tàu thăm dò sao Hỏa MRO của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) ghi lại và công bố hồi tháng 4/2012. Vùng màu trắng cho thấy băng giá bao quanh các cồn cát, vệt đen được tạo bởi những lớp trầm tích từ Carbon Dioxide. Những mạch nước phun trên sao Hỏa được tạo nên từ sự thăng hoa của lớp băng (hiện tượng chuyển từ trạng thái rắn sang khí).

6.    Nhật thực “cười”



Nhật thực hình khuyên trông như một nụ cười khổng lồ màu cam trên bầu trời.

Nhật thực xảy ra khi Mặt trăng đi qua giữa Trái đất và Mặt trời, che khuất hoàn toàn hay một phần Mặt trời khi quan sát từ Trái đất. Điều này chỉ có thể xảy ra tại thời điểm sóc trăng non được quan sát thấy từ Trái đất, khi Mặt trời và Mặt trăng giao hội.

Nhật thực hình khuyên xảy ra khi Mặt trời và Mặt trăng nằm chính xác trên một đường thẳng, nhưng kích cỡ biểu kiến của Mặt trăng nhỏ hơn kích cỡ biểu kiến của Mặt trời. Vì thế Mặt trời vẫn hiện ra như một vòng đai rực rỡ bao quanh Mặt trăng.

7.    Tinh vân NGC 2359 – Chiếc mũ của thần Thor (Thor ‘s Helmet)



Đám mây khí và bụi có hình dạng như đôi cánh được tỏa ra bởi bức xạ từ bên trong của ngôi sao.

Nằm trong chòm sao Canis Major, NGC 2359 cách Trái đất 15 nghìn năm ánh sáng. Ở trung tâm tinh vân là một ngôi sao kiểu Wolf-Rayet (một loại sao siêu khổng lồ lam có nhiệt độ bề mặt rất cao). Bức xạ và những luồng gió với vận tốc hàng triệu km/h tác dụng lên các đám mây bụi khí và bụi tạo thành một quả cầu khổng lồ với kích thước 30 năm ánh sáng.

8.    Vành đai sao Thổ



Hình ảnh được chụp từ khoảng cách 2,4 triệu km bằng một camera góc rộng do tàu vũ trụ Cassini của NASA ghi lại.

Vành đai sao Thổ là hệ vành đai hành tinh mở rộng nhất trong mọi hành tinh của hệ Mặt trời. Chúng chứa vô số các hạt nhỏ tụ tập thành đám bụi quay quanh sao Thổ. Các hạt của vành đai cấu thành chủ yếu từ băng, bụi và các thành phần hóa học khác. Mặc dù ánh sáng phản xạ lại từ các vành đai làm tăng độ trắng của sao Thổ, nhưng chúng ta vẫn không thể nhìn thấy các vành đai bằng mắt thường.


Lưu Thoa (tổng hợp)

Bình luận(0)