Vì sao người Nhật đổ xô nuôi cá gạo?

Google News

Cá gạo, loài cá nước ngọt nhỏ được gọi là "medaka" trong tiếng Nhật, đang ngày càng được nhiều người tìm mua khi sự bùng nổ nuôi thú cưng diễn ra trên khắp Nhật Bản.

Vi sao nguoi Nhat do xo nuoi ca gao?

Cá gạo tạo nên cơn sốt thú cưng ở Nhật Bản do đại dịch Covid-19, đặc biệt là đối với cư dân thành phố bận rộn và ít không gian. Ảnh: Nikkei Asia.

Một cặp cá gạo đực và cái với màu sắc bắt mắt ra đời thông qua lai tạo chọn lọc có giá ít nhất 2.000 yen (15 USD) và có khi lên tới hơn 3.000 yen (21 USD) - một mức tăng đáng kinh ngạc so với những ngày chúng chỉ có giá vài USD và thường nằm ở một góc xa, ít người để ý của khu cá nhiệt đới.

Medaka rất “được lòng” nhiều cư dân thành thị, những người ít có cơ hội kết nối với thiên nhiên do môi trường sống bó hẹp và lịch làm việc dày đặc, theo Nikkei Asia.

"Ngắm cá gạo thích hơn và thư giãn hơn"

Ở Sumida, một quận của Tokyo, Edo Medaka bày các hộp đựng cá gạo bên cửa sổ trong tiệm, mỗi hộp có một vài con cá và lấp lánh màu đỏ, và các thẻ giá vài nghìn yen. Xa hơn nữa trong tiệm, các hộp đựng cá gạo lớn hơn có giá từ 10.000 yen (71 USD) trở lên.

"Tôi không thích cá vàng lắm vì chúng ngốn thức ăn quá", một người đàn ông khoảng 40 tuổi nhìn qua cửa sổ tiệm Edo Medaka trong giờ nghỉ trưa, nói với Nikkei Asia. "Ngắm cá gạo thích hơn và thư giãn hơn". Người đàn ông này đến cửa tiệm Edo Medaka gần như mỗi tháng và đôi khi chi hàng chục nghìn yen. Lần này, anh ấy đã rút hầu bao hơn 10.000 yen.

Các cửa hàng Medaka đã mọc lên khắp Tokyo và các khu vực đô thị khác trong những năm gần đây. Edo Medaka khai trương vào năm 2021 và chủ của nó, ông Katsushi Nakamura, quyết định gây dựng sự nghiệp kinh doanh loài cá này xuất phát từ sự đam mê cá nhân với medaka.

Từ sở thích của mình, Nakamura biết rằng hẳn có một thị trường tốt.

“Sau khi tôi mở cửa tiệm, nhiều khách hàng đã lặn lội từ rất xa tới để tìm kiếm những loại đặc biệt”, ông nói.

Cá gạo từng khá phổ biến ở các ao và suối đô thị, nhưng số lượng đã giảm do môi trường xấu đi. Năm 1999, chúng chính thức được đưa vào danh sách loài có nguy cơ tuyệt chủng. Vào thời điểm đó, hầu hết cửa hàng thú cưng đều lai tạo giống "himedaka" truyền thống và bán chúng làm thú cưng.

Mọi thứ bắt đầu thay đổi vào giữa những năm 2000 khi giống "yokihi" màu đỏ tươi và "miyuki" màu trắng bạc trở nên phổ biến hơn. Các giống được lai tạo có chọn lọc với màu sắc, hình dạng thân và vây khác nhau đã dần dần gia nhập thị trường. Giá của chúng rất khác nhau tùy thuộc vào sự khác biệt về hình dạng hoặc độ hiếm. Những con cá do các nhà lai tạo nổi tiếng nhất tạo ra sẽ bán được giá cao nhất.

Vi sao nguoi Nhat do xo nuoi ca gao?-Hinh-2

Giá của các loại cá gạo lai tạo rất khác nhau tùy thuộc vào sự khác biệt về hình dạng hoặc độ hiếm. Ảnh: Reuters.

Thị trường ban đầu dành cho những người đam mê đặc thù, nhưng dần dần mở rộng khi nhiều người phát hiện rằng cá gạo là lựa chọn hoàn hảo cho những ai muốn nuôi thú cưng nhưng không có nhiều không gian và thời gian. Những con chó lớn thường không thích hợp ở nhà chung cư và thả mèo ra ngoài có thể làm phiền hàng xóm. Cá gạo ở yên một chỗ và dễ nuôi hơn nhiều so với cá nhiệt đới hoặc cá vàng.

Bùng nổ nuôi cá gạo vì đại dịch Covid-19

Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy sự bùng nổ thú cưng trên toàn cầu khi mọi người buộc phải ở nhà nhiều hơn. Một cuộc khảo sát năm 2022 của Hiệp hội thức ăn cho vật nuôi Nhật Bản cho thấy 11,1% chủ thú cưng nuôi chó, 9,6% nuôi mèo và 3,5% nuôi cá gạo - nhiều hơn những người nuôi cá vàng và rùa.

Một điểm hấp dẫn khác của cá gạo là chúng dễ sinh sản. "Khi con cái đẻ trứng, bạn phải di chuyển trứng sang một thùng khác để chúng không bị con trưởng thành ăn thịt - và về cơ bản đó là tất cả những gì bạn cần làm", ông Nakamura giải thích. Cá gạo thường sống từ 1 đến 3 năm, nhưng có thể lâu hơn nếu được chăm sóc tốt.

Đại dịch Covid-19 cũng khiến một số người bắt đầu thực dụng hơn khi nuôi thú cưng. Ngay cả khi họ phải đầu tư nhiều vào các giống hiếm hơn, việc nhân giống thành công có thể mang lại lợi nhuận cao.

Ông Shuichi Hyodo, quản lý của Horikiri Medaka ở Katsushika, một quận khác của Tokyo, cho biết hầu hết khách hàng mua cá gạo có giá hơn 10.000 yen đều có ý định nhân giống chúng. Những giống hiếm nhất có thể thu về hơn 500.000 yen trong các cuộc đấu giá trực tuyến. Con cái có thể đẻ 20-30 quả trứng mỗi ngày từ mùa xuân đến mùa thu, do đó về mặt lý thuyết có thể thu được hàng nghìn quả trứng từ một con cá.

“Nuôi cá gạo cực kỳ tiết kiệm chi phí vì tất cả những gì bạn cần là thùng chứa”, ông Hyodo nói.

Cơn sốt cá gạo ở Nhật Bản gợi nhớ đến cơn sốt hoa tulip ở Hà Lan thế kỷ XVII. Cơn sốt đó được kích hoạt bởi những tiến bộ trong canh tác có chọn lọc khuyến khích đầu tư mang tính đầu cơ. Giá tăng chóng mặt cho đến khi thị trường đột ngột sụp đổ. Thị trường medaka vẫn chưa quá nóng, nhưng đã có một số vụ trộm và gian lận liên quan đến các loại đắt tiền.

Takahiro Aoki, người điều hành Medakaya.com, một trang web thông tin về medaka, cho biết: “Cá gạo đã xuất hiện trong các bài hát thiếu nhi và ca khúc nổi tiếng. Chúng được nhân giống tại các trường học, vì vậy tôi không nghĩ rằng nó chỉ bùng nổ trong thời gian ngắn”.

Theo Duy Anh/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)