Sụt lún đại lộ Đông Tây “không giấu giếm được gì nữa“

Google News

Sau đúng nửa năm thông xe toàn tuyến đại lộ Đông Tây (TPHCM), đã bắt đầu xuất hiện tình trạng mặt đường xuống cấp, lún sâu...

- Đại lộ Đông Tây (TPHCM) từ hầm vượt sông Sài Gòn đến cầu vượt Cát Lái, dài khoảng 6,5km được đưa vào sử dụng từ ngày 20/11/2011. Tuy nhiên, sau đúng nửa năm thông xe toàn tuyến, đã bắt đầu xuất hiện tình trạng mặt đường xuống cấp, lún sâu...

Xe chạy nhiều nên lún

Từ giữa năm 2011, hiện tượng lún cục bộ đã xảy ra nghiêm trọng từ giao lộ đại lộ Đông Tây (ĐLĐT) - liên tỉnh lộ 25B đến giao lộ ĐLĐT - Lương Định Của (đây là đoạn đường chính của ĐLĐT). Nghiêm trọng nhất ở đoạn này là ở những làn dành cho xe ô tô xuất hiện những vệt lún kéo dài hàng trăm mét với độ sâu chừng 10cm. Vệt lún kéo dài tạo thành 2 rãnh, mỗi rãnh rộng chừng 50cm, đủ cho bánh xe container lọt lòng. Trên đoạn từ giao lộ ĐLĐT - liên tỉnh lộ 25B cũng xuất hiện nhiều đoạn đường trồi lên, trụt xuống do nhựa đường vị trí lún trồi sang vị trí bên cạnh. Đặc biệt, tại vị trí cách giao lộ ĐLĐT - Lương Định Của chừng 300m (hướng về giao lộ ĐLĐT - liên tỉnh lộ 25B) xuất hiện vệt nứt dài vắt ngang mặt đường. Tại vị trí này lộ rõ độ chênh giữa 2 phần đường là hơn 10cm.

Lúc đó, 3/6/2011, do áp lực dư luận nên Sở Giao thông Vận tải TPHCM tổ chức cuộc họp công bố các nguyên nhân lún và giải pháp khắc phục. Tại cuộc họp các đơn vị liên quan thống nhất nguyên nhân lún nứt là do... lưu lượng xe tải nặng qua khu vực này quá lớn! Còn lại thì quá trình thi công thì được giám sát rất chặt chẽ, tuân thủ đúng hồ sơ thiết kế. Sau đó, Sở Giao thông Vận tải TPHCM cũng giao Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị hoàn tất phương án sửa chữa, khắc phục tình trạng lún trên.

Lý do của Sở Giao thông Vận tải TPHCM đưa ra đường lún do... lưu lượng xe nhiều đã bị chính các tài xế phản ứng, họ cho rằng lý giải như thế là không thuyết phục. Bởi khi khảo sát xây dựng, đơn vị thiết kế tất nhiên là đã tính toán đến những vấn đề này rồi.  Sau đó, Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị tiến hành các công đoạn khắc phục và đoạn đường đã được khắc phục bù lún.

Người ta hy vọng những giải pháp mới này sẽ giúp đại lộ đẹp nhất Việt Nam này có thể hãnh diện là bộ mặt cho nền giao thông của TPHCM. Thế nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang, đến đầu năm 2012 thì tình trạng lún cục bộ lại xuất hiện. Đến ngày 22/5, Sở Giao thông Vận tải TPHCM chính thức chặn đường khắc phục bù lún cho đại lộ này.
Đại lộ Đông Tây (TPHCM) bắt đầu xuất hiện tình trạng mặt đường xuống cấp, lún sâu...
Đại lộ Đông Tây (TPHCM) bắt đầu xuất hiện tình trạng mặt đường xuống cấp, lún sâu...

Đi tìm nguyên nhân đích thực

Ngày 22/5, TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên BCH Liên hiệp các Hội Khoa học TPHCM cho biết, ông theo dõi khá kỹ sự việc lún ĐLĐT từ khi mới đưa vào sử dụng, từ những việc lún nhỏ như lún các mố cầu vượt đến lún mặt đường. Theo ông, có 3 nguyên nhân gây lún ĐLĐT.
 
Thứ nhất, dọc ĐLĐT là một khu đô thị mới đang phát triển nhanh về mảng công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, nên chính tình trạng khai thác nước ngầm quá mức, không có sự quản lý đã gây ảnh hưởng đến hiện tượng sụt lún nền đường.
 
Thứ hai, ĐLĐT vốn là vùng đất bồi nên nền rất yếu. Khi thi công xong, các công nhân với kỹ thuật hiện đại tô vẽ lên một bộ mặt khá đẹp cho con đường nhưng thực chất bản chất của đường là yếu do đó khi có tải lên là lún.
 
Thứ ba, một yếu tố ngoài chuyên môn nhưng cũng nên nghĩ đến đó là chất lượng công trình, không thể nói thẳng là có sự rút ruột về chất lượng, nhưng kỹ thuật thi công không đúng cách đã khiến chất lượng công trình ngày càng tệ hơn!

Kỹ sư Vũ Đức Thắng, Hội cầu đường cảng TPHCM khẳng định: Việc lún ở ĐLĐT đã là việc ai cũng nhìn thấy và không giấu giếm gì được nữa. ĐLĐT chạy qua quận 2 được xây dựng trên nền đất yếu thì lún, dù không có xe lưu thông thì vẫn có thể xảy ra quá trình tự lún. Tuy nhiên, xuất hiện những vị trí lún, nứt cục bộ thì có thể do quá trình xử lý chống lún không tốt nên chỗ lún nhiều, chỗ lún ít. Nếu lún đều thì không thể xuất hiện những vị trí nứt, gãy được. Nguyên nhân đường lún ở ĐLĐT có thể nói chắc chắn có phần do nền lu yếu, không thử tải đúng chất lượng.

Theo các nhà chuyên môn, muốn đánh giá toàn bộ sự việc phải tiến hành khảo sát toàn diện hệ thống, trên cơ sở tiếp cận hồ sơ đầy đủ.

Thống kê của Sở TN&MT TPHCM cho thấy, hiện TPHCM có hơn 200.000 giếng khoan với tổng công suất khai thác trên 1 triệu m3/ngày đêm, gấp 5 lần so với quy hoạch. Con số giếng khoan khai thác nước ngầm trên thực tế có thể lớn hơn nhiều so với hơn 200.000 giếng mà thành phố công bố. Tình trạng "loạn" giếng khoan kéo dài nhiều năm ở TPHCM đã dẫn tới hậu quả mực nước ngầm hằng năm bị hạ thấp, làm tăng tình trạng sụt lún ở nhiều nơi.
Việt Nhân
[links()]

Bình luận(5)

Minh Hiền

đỗ thị

Sao cứ phải mất công đi tìm nguyên nhân cho mất tiền của công sức, mà cứ nhìn các vị chức sắc gia sản tăng lên đồng nghĩa với công trình xuống cấp mà.

Minh Hiền

Mr.Đông

chả có nguyên nhân gì ngoài nguyên nhân tham nhũng

Minh Hiền

ngchaunguyen

Không hiểu tại sao, nhiều tuyến đường thằng Mỹ làm từ trước 1975 mà giờ vẫn tốt thế, trong khi minh mới làm mấy tháng đã sinh chuyện tệ như vậy ? Các bác giải thích tại sao giúp em với ?

Minh Hiền

Huy

Nhìn rõ ràng trên hình là lún vệt bánh xe. gần vị trí nút giao, đúng ngay làm xe tải trọng nặng.
Nguyên nhân đầu tiên là do tải trọng trùng phục (hiện tượng này sinh viên cầu đường cũng phải được học).
Lý giải tại sao bên phía liên TL25B cúng như thế tại sao lại không bị, điều này có thể giải thích là do chất lượng lớp móng cấp phối đá dăm (đá 0-4) và lớp bê tông nhựa mặt đường ở đây có vấn đề.
Nhìn qua hình ảnh minh họa, tôi dám khẳng định ở đây không phải là do lún nền như các vị kỷ sư, tiến sỷ ở trên đã giải thích (lòng vòng) ở trên.
Hiên tượng lún vệt bánh xe kiểu này xảy ra khắp nơi ở nước ta mà phổ biến nhất là những nơi đèo dốc lớn, các nút giao (ở ngã tư Bình Thái trước kia cũng bị hiện tượng này, ở vòng xoay ĐBP cũng đã từng xảy ra). Các vị nếu chịu khó chạy theo QL1 đoạn qua địa phận Bình Thuận (vùng đồi) ở đoạn qua thị trấn (quên mất tên) cũng xảy ra hiện tượng như này. Ở đây, đường bị hạn chế tốc độ >50Km/h, các làn đường sơn liền - cấm vượt.
P/s: mấy thứ này quý báo nên rút kinh nghiệm nên phòng vấn mấy ông tư vấn, kiểm định, hoặc mấy thầy giáo chuyên nghành đường bộ. đại khái là các vị kỹ sư, thạc sỷ, tiến sỉ chuyên ngành ĐƯỜNG BỘ,

Minh Hiền

hatrung

Không nên đổ tội linh tinh, hãy nhìn xa lộ Hà Nội (trước đây gọi là xa lộ Biên Hòa - Sài Gòn), sau bao nhiêu năm giờ mới có đôi chỗ bị hỏng; công nghệ cách đây vài chục năm còn tốt hơn bây giờ chăng? Có chăng là con người ngày nay làm ít, ăn cắp thì nhiều. Cứ khoan rồi đo đạc các lớp nền, cấp phối đá, thảm nhựa... hoặc bóc cả 1 khu vực lên sẽ thấy bê bối. Cứ xem xét tử hình vài tay có trách nhiệm chính khi thi công con đường này thì sẽ đâu vào đó ngay thôi.