Những ngày đầu năm mới Mậu Tuất 2018, hàng vạn người dân ở nhiều nơi đổ về Đền Bà Chúa Kho (khu Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) để được vào lễ, cầu xin Bà phù hộ độ trì cho vay vốn làm ăn phát đạt. Theo đó, nhiều gia đình sắp lễ, dâng hương để “vay vốn” Bà Chúa Kho để làm ăn “có lộc” trong năm mới.
Nhiều người dân cho hay, "vay vốn" Bà Chúa Kho tiền âm và khi được lộc tiền dương thì cuối năm đi "trả vốn" đã vay. Tuy nhiên, không ai có thể khẳng định việc “vay vốn” của Bà Chúa Kho có thể giúp người dân làm ăn phát đạt hơn hay không.
|
Rất đông người dân đến lễ ở Đền Bà Chúa Kho để "vay vốn" làm ăn và cầu tài lộc trong năm mới. Ảnh: Thethaovanhoa. |
Theo GS. Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam - việc nhiều người trong giới kinh doanh buôn bán tìm đến “vay vốn” của Bà Chúa Kho là tự do tín ngưỡng của mỗi con người. Khi họ tin vào vấn đề tâm linh thì họ sẽ thành tâm cầu nguyện xin cho mọi điều tốt đẹp sẽ đến với họ và người thân của họ.
Tuy nhiên trên thực tế, trong khi có hàng ngàn, hàng vạn người nườm nượp kéo về Đền Bà Chúa Kho để "vay tiền" làm ăn dịp đầu năm mới thì cuối năm lại có rất ít người quay trở lại để "trả vốn".
Chia sẻ về vấn đề này, Giáo sư Ngô Đức Thịnh cho biết: “Không phải ai đến Đền Bà Chúa Kho cũng là đi “vay vốn” để làm ăn, có người họ thành tâm đi lễ xin sức khỏe, cầu bình an”.
Nhiều người đi lễ ở Đền Bà Chúa Kho để tỏ lòng thành kính, cũng có người đi lễ muốn thể hiện, phô trương sự giàu có của mình, cụ thể là lên đền, chùa mang nhiều tiền lẻ hơn, nhiều lễ vật hơn. Tuy nhiên, cần phải nhớ một điều rằng, không phải cứ phô trương lễ vật mới là thành tâm.
Trao đổi trên Gia đình&Xã hội, ông Nguyễn Văn Dự - Ban quản lý Di tích đền Bà Chúa Kho cho hay nếu chỉ cầu xin mà trở nên giàu có thì người dân cả nước đã đổ xô về Đền bà Chúa Kho.
"Cứ mỗi dịp đầu năm, người đến xin lộc, “vay vốn” rất đông, nhưng đến dịp cuối năm là đi “trả vốn” nhưng lượng khách về đền không bằng 1/10. Chỉ cần nhìn điều đó, cũng có thể nhận thấy rằng, không có nhiều người vay vốn của Bà Chúa Kho mà thành công trong việc kinh doanh", ông Nguyễn Văn Dự cho biết.
Mời quý độc giả xem video: Đi lễ chùa đầu năm 2018 mà biết điều này cả năm cầu gì được nấy (nguồn: Tử Vi Xem Tướng)
Cũng bàn về vấn đề này, ông Phạm Hồng Thi - Phó Ban quản lý đền Bà Chúa Kho, cho biết những người đến “vay vốn” Bà Chúa Kho thì phải thành tâm và giữ đúng lời hứa.
“Nhiều người đến vay còn ghi rõ ràng trong sớ là vay bao nhiêu, làm gì, và ghi rõ vay 1 năm, 2 năm, hay 5 năm sau sẽ trả, tức là tạ lễ. Thậm chí có người còn hứa là vay một trả 3, thậm chí vay một trả 10. Việc “vay” bao nhiêu, bao giờ trả là tùy mỗi người. Nhưng đã “vay” thì phải “trả”. Dù có làm ăn được hay không thì khi đã hứa với Bà Chúa Kho phải giữ đúng lời hứa. Đó cũng chính là chữ “Tín” mà chúng ta cần thực hiện trong cuộc sống hiện thực”, Phó Ban quản lý đền Bà Chúa Kho cho biết.