Truy tìm nguồn gốc sâu xa của tục đốt vàng mã

Google News

(Kiến Thức) - Việc đốt vàng mã là phong tục tập quán của người dân Việt Nam có từ xa xưa. Người dân đốt vàng mã vì quan niệm "trần sao, âm vậy". Nguồn gốc tập tục này có nguồn gốc từ Trung Quốc. Trên thực tế, Đạo Phật không khích lệ tập tục đốt vàng mã.

Từ xa xưa, người dân Việt Nam quan niệm, sau khi qua đời, con người sẽ sang một thế giới khác và có những nhu cầu giống như khi ở dương thế. Vì vậy, nhiều gia đình mua sắm, đốt vàng mã nhân ngày giỗ hoặc các dịp lễ quan trọng như Rằm tháng Bảy, Tết Nguyên đán… để người đã qua đời sử dụng ở cõi âm. Ngoài ra, khi đi lễ ở các đền chùa, người dân cũng đốt vàng mã.
Theo các nhà nghiên cứu Phật giáo, tục đốt vàng mã không phải là quan niệm của đạo Phật. Tục đốt, rải vàng mã của người Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc. Cụ thể, theo Hòa thượng Tố Liên, trong kinh Dịch nhà Nho có viết về tục chôn người chết của người Trung Quốc về đời thượng cổ. Một khi có người chết cứ để thế đem chôn, không quan không ván, lại cũng không khanh phần mộ chí chi cả. Đến đời vua Hoàng Đế (267 trước Tây lịch) cho rằng, con cháu đối với ông bà, cha mẹ trong việc mai táng cẩu thả như thế là thiếu bổn phận, mới sai ông Xích Xương sáng chế ra quan tài, quách để chôn cất người chết.
Trải qua các triều đại, việc chôn cất và mai táng người chết tiếp tục có nhiều thay đổi. Đáng chú ý là đời nhà Chu (1.122 trước Tây lịch) có một quy định khi họ chết đi thì tất cả những vật dụng quý giá của họ khi còn sống kể cả thê thiếp, thuộc hạ được sủng ái cũng đều phải chôn theo.
Về sau, tục lệ chôn sống thê thiếp, người hầu kẻ hạ cùng với người chết được bãi bỏ và được thay thế bằng Sô linh (người bện bằng cỏ). Đến năm Nguyên Hưng nguyên niên (105) đời Hán Hoa, ông Thái Lĩnh tìm ra được cách làm giấy bằng vỏ cây dó, giẻ rách… Bắt đầu từ khi có giấy, ông Vương Dũ nghĩ đến việc biến chế vàng bạc, áo quần… bằng giấy thay cho đồ thật để đốt đi khi tang ma, tế lễ.
Ban đầu, việc sử dụng vàng mã chỉ áp dụng trong cung đình, chưa được phổ biến rộng rãi trong dân chúng. Đến triều vua Đạt Tôn nhà Đường (762) Phật giáo đang trong thời kỳ đạt thịnh. Lúc ấy, vị sư tên là Đạo Tăng nhân ngày rằm tháng Bảy (lễ hội Vu lan) muốn lôi kéo đại chúng về với Phật giáo bèn lợi dụng tục đốt vàng mã, tâu với vua Đạt Tôn rằng: “Rằm tháng Bảy là ngày xá tội vong nhân, vua Diêm Vương mở cửa xét tội phúc nên thông sức cho thiên hạ đến ngày ấy đốt cho thật nhiều vàng mã để kính biếu vong nhân”. Vua muốn được lòng dân nên thuận ý nghe theo.
Tục đốt vàng mã có nguồn gốc từ Trung Quốc. Ảnh minh họa: Zing News. 
Đặc biệt, vào ngày Rằm tháng Bảy - ngày lễ trọng thể của Phật giáo, một số tín đồ nhà Phật đốt rất nhiều vàng mã để cúng gia tiên. Tuy nhiên, họ không biết rằng, Đức Phật Thích Ca không hề dạy đốt vàng mã để cúng gia tiên.
Trên thực tế, ý nghĩa ngày Rằm tháng Bảy của Phật giáo là: Ngài Mục Kiền Liên là bậc đại đệ tử của Đức Phật Thích Ca. Ngài đã tu chứng được sáu phép thần thôn ; mắt trông thấy thân mẫu ngài là bà Thanh Đề bị đày đọa ở địa ngục, mà ngài không sao cứu được mới cầu cứu đến đức Phật. Đức Phật dạy rằng: “Dù ông thần thông đến đâu chăng nữa, cũng không thể cứu được tội nghiệp cho thân mẫu của ông được. Ngày Rằm tháng Bảy sắp tới đây sẽ là ngày của chư Phật hoan hỷ, ngày của chư Tăng hành đạo tự tứ. Ông phải chí thành sắm lễ nghi trai đàn đem dâng cúng dường chư Tăng. Các ngài sẽ cầu nguyện cho thân mẫu ông được giải thoát”.
Nguyên nhân không ít người thực hiện việc đốt vàng mã vào ngày Rằm tháng Bảy xuất phát từ việc: lúc bấy giờ lòng dân mang đầy tính mê tín dị đoan, lại thêm có thông sức của vua Đạt Tôn truyền dụ nên đồng loạt thi nhau đốt vàng mã để kính biếu gia tiên, ngay cả hàng Phật tử cũng không ngoại lệ.
Việc đốt vàng mã trong ngày rằm tháng Bảy đã làm mất đi ý nghĩa của lễ hội Vu lan khiến cho chư Tăng phản ứng bài trừ và dần dần người dân tỉnh ngộ. Chính điều này đã làm cho một số người chuyên sống về nghề vàng mã gần như thất nghiệp.
Dòng dõi của Vương Dũ là Vương Luân đã tìm cách phục hồi tục đốt vàng mã bằng lối mị dân. Ông cho một người giả bệnh rồi chết, sau đó lập tức được khâm liệm trong quan tài có lỗ thông hơi, bên trong để sẵn thức ăn nước uống rồi loan truyền tin tức rộng ra bên ngoài.
Giữa lúc bà con xóm làng đến viếng tang đông đúc, Vương Luân và một số đồng lõa đã vội vàng mang đến nhiều thứ vàng bạc, hình nhân bằng giấy giả cách bày đàn cúng lễ thiên, địa, nhân phủ. Mọi người bỗng thấy cỗ quan tài rung động, Vương Luân liền nhanh tay mở nắp ra thì người giả chết bên trong vừa lúc lò dò ngồi dậy như vừa mới thoát ra được khỏi cõi âm.
Mời quý độc giả xem video: Đề nghị bỏ tục đốt vàng mã? (nguồn: VTC Now)
Dân tộc Việt Nam từng trải qua hàng ngàn năm bị Bắc thuộc nên chịu ảnh hưởng rất nhiều về những phong tục, tập quán của người Trung Quốc. Trong số đó có tục đốt vàng mã ăn sâu trong tiềm thức mọi tầng lớp nhân dân ta từ đời này sang đời khác trong khi Đạo Phật không khích lệ tập tục đốt vàng mã.
Trong những năm qua, các tăng ni, Phật tử được tuyên truyền, vận động trong việc loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam. Bởi theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, trong Phật giáo, người chết thì đều tái sanh. Cho nên, việc tin rằng dưới âm phủ có sự sống của người chết là không đáng được tin, không đáng được khích lệ.
Tâm Anh (TH)

>> xem thêm

Bình luận(0)