Trường đại học đặc biệt trong sự nghiệp đồng chí Đỗ Mười

Google News

(Kiến Thức) - "Trường đại học của đồng chí Đỗ Mười chính là cuộc sống của đồng chí, là thực tiễn cách mạng mà đồng chí đã trải qua". 

Trong hồi ức của những người từng làm việc với Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười, ông luôn là một tấm gương sáng về tinh thần hiếu học. Đặc biệt, vốn kiến thức sâu rộng của đồng chí Đỗ Mười không phải được tích lũy từ trường lớp chính quy mà là từ một "trường đại học" đặc biệt.
Trong cuốn sách "Đồng chí Đỗ Mười - Dấu ấn qua những chặng đường lịch sử" (Nxb Chính trị Quốc gia - 2012), GS Vũ Khiêu, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới khẳng định: "Trường đại học của đồng chí Đỗ Mười là thực tế sống và chiến đấu".
Truong dai hoc dac biet trong su nghiep dong chi Do Muoi
Chân dung Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười. Ảnh: Soha.
Trong bài viết này, GS Vũ Khiêu chia sẻ:
"Từ lâu, tôi rất khâm phục tinh thần hiếu học của đồng chí Đỗ Mười. Khổng Tử ngày xưa có nói tới ba loại tri thức: thứ nhất là sinh ra đã biết (sinh nhi tri), thứ hai là do học mà biết (học nhi tri), thứ ba là do khốn khó mà biết (khốn nhi tri). Tôi thấy đồng chí Đỗ Mười đã tập trung vào mình cả ba loại tri thức đó. Trong khi tiếp xúc với đồng chí Đỗ Mười, tôi thấy đồng chí rất thông minh và nhạy bén trước mọi vấn đề. Nhưng tôi nghĩ rằng sự thông minh không đủ để cho một con người trở thành trí thức. Đồng chí còn là một người lăn lộn trong cuộc sống và trong chiến đấu. Nhà văn Xôviết Mácxim trong cuốn sách "Trường đại học của tôi" đã cho thấy ông trở thành một nhà văn lớn là do học tập từ trong cuộc sống gian khổ và khó khăn của ông. Trường đại học của đồng chí Đỗ Mười chính là cuộc sống của đồng chí, là thực tiễn cách mạng mà đồng chí đã trải qua. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, cha mẹ đông con, bị phong kiến, thực dân áp bức, bóc lột, đồng chí không được học nhiều. Nhưng tham gia cách mạng từ rất sớm (ngay từ năm 1936), bị bắt giam ở nhà tù Hỏa Lò cho đến ngày đầu khởi nghĩa, đồng chí vượt ngục ra ngoài hoạt động, lúc đó sự tàn bạo của thực dân Pháp và phát xít Nhật cộng với hai triệu người chết đói năm 1945, tất cả sự khốn khổ đó đã hun đúc tinh thần cách mạng và nâng cao tầm kiến thức của đồng chí.
Hai điều nói trên còn được bổ sung bằng một điều kiện thứ ba nữa. Đó là tinh thần tự học rất miệt mài và đầy nghị lực qua sách vở. Ngay từ thời đầu cách mạng, tôi thấy lúc nào đồng chí Đỗ Mười cũng có một cuốn sách trong cặp. Giờ nghỉ là đọc sách, đêm nằm cũng giở sách ra xem. Đồng chí tự gạch dưới hoặc chép lại những đoạn mà đồng chí cho là quan trọng. Hiện nay, trong nhà đồng chí có một thư viện gồm những sách đồng chí tích lũy từ trước và những sách đồng chí mới mua gần đây. Năm 1975, tôi có tặng đồng chí hai quyển sách vừa xuất bản năm đó: quyển "Anh hùng và nghệ sĩ và quyển Người trí thức Việt Nam qua các chặng đường lịch sử". Hai quyển sách này rất dày mà chỉ sau một tháng sau, gặp tôi đồng chí nói: "Tôi đã đọc xong hai quyển sách của anh rồi". Tôi càng ngạc nhiên khi ngồi nói chuyện, đồng chí nhắc đến từng đoạn mà đồng chí cho là viết tốt và góp ý vào những đoạn mà đồng chí thấy còn thiếu sót.
Từ những điều nói trên khiến tôi nghĩ ràng sáu bảy mươi năm liên tục tự học với một sự cố gắng không mệt mỏi, đồng chí đã đạt tới một trình độ hiểu biết tương đối cao và toàn diện.
Tôi nghĩ rằng với bao nguồn hiểu biết ấy, đồng chí đã thực hiện thành công những nhiệm vụ rất đa dạng của Đảng và Nhà nước: từ những hoạt động khẩn trương trong vận động tổng khởi nghĩa đến làm bí thư nhiều tỉnh thời kháng chiến, phụ trách quân sự và chính trị ở quân khu cho đến Trưởng ban Phụ vận... Trong công tác chính quyền, đồng chí được giao những chức vụ từ Thứ trưởng đến Bộ trưởng, Trưởng ban Thanh tra Chính phủ, Trưởng ban Vật giá Chính phủ, Phó Thủ tướng và Thủ tướng...".
Truong dai hoc dac biet trong su nghiep dong chi Do Muoi-Hinh-2
Trường đại học lớn nhất của đồng chí Đỗ Mười chính là "đại học trường đời". Ảnh: Phát luật Việt Nam.
Về "trường đại học" đặc biệt của Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười, cũng trong cuốn sách "Đồng chí Đỗ Mười - Dấu ấn qua những chặng đường lịch sử", (Nxb Chính trị Quốc gia - 2012), đồng chí Nguyên Văn Chi, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng có chia sẻ:
"Đồng chí Đỗ Mười rất kiên trì trong việc tự học, theo tôi có thể cấp cho ông tấm bằng "đại học đường đời". Nếu cần tấm bằng đại học, chỉ cần học đại học 4 - 5 năm. Trường đại học của đồng chí không ai học được, không ai có được. Trong chiến tranh, chị biết đồng chí Đỗ Mười làm gì không? Đồng chí làm Bí thư, Chính ủy, Tư lệnh, Trưởng ban Tuyên huấn, Trưởng ban Tổ chức Quân khu Tả ngạn sông Hồng. Ông đảm nhận bốn, năm chức vụ cùng một lúc, có thời gian ngắn Bộ Chính trị còn phân công đồng chí làm Bí thư Đảng đoàn Hội Phụ nữ. Nếu đồng chí không chịu khó học tập, chịu khó nghiên cứu từ trong sách vở, từ thực tiễn cách mạng thì làm sao đảm nhận được những trọng trách lớn như vậy. Đồng chí là người hiểu tâm tư, tình cảm của nhân dân nên rất thương dân. Có thể nói, tất cả các lĩnh vực đồng chí đều am hiểu là do đồng chí tôn trọng thực tế khách quan. Với tri thức rộng, đồng chí Đỗ Mười nhìn nhận rất xa, suy nghĩ rất sâu, nhiều khi đồng chí tâm sự với tôi: 'Dân còn khổ lắm cậu ơi, mình cảm thấy chưa hoàn thành nhiệm vụ trước dân'...".
Xin kết lại bài này bằng một nhận xét của GS Vũ Khiêu khi nói về Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười: "Tôi nghĩ rằng, cuộc sống muôn màu đầy khó khăn và gian khổ cộng với tinh thần học tập suốt đời và óc thông minh vốn có, đó là trường đại học đầy đủ mà ít người có được".
Tư liệu tham khảo:

- Đồng chí Đỗ Mười - Dấu ấn qua những chặng đường lịch sử (Nxb Chính trị Quốc gia - 2012). 

- Trích bài viết "Trường Đại học của đồng chí Đỗ Mười là thực tế sống và chiến đấu" của GS. Vũ Khiêu, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

- Trích bài viết "Đại học trường đời" của Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Nguyên Văn Chi. 
Thanh Bình

>> xem thêm

Bình luận(0)