Rộ tin không cúng Giao thừa năm 2024, chuyên gia lý giải sao?

Google News

Mạng xã hội bán tín bán nghi trước thông tin lan truyền chóng mặt, không nên cúng Giao thừa năm 2024, thay vào đó, nên cúng vào ngày khác. Chuyên gia lý giải sao trước thông tin này?

Không cúng Giao thừa vì… vô nghĩa?
Mới đây, thông tin không nên cúng Giao thừa năm 2024 được chia sẻ chóng mặt, thu hút hàng triệu lượt xem và khiến nhiều người băn khoăn, lo lắng. Bởi lễ cúng Giao thừa - tiễn năm cũ và đón năm mới vốn là một nghi lễ thiêng liêng trong nhiều gia đình người Việt.
Ro tin khong cung Giao thua nam 2024, chuyen gia ly giai sao?
Cúng Giao thừa có ý nghĩa thiêng liêng với nhiều gia đình Việt Nam. Ảnh: Mai Nguyễn.
Lý do không nên cúng Giao thừa năm 2024, theo một Tiktoker chia sẻ, đó là vì thời điểm năm mới là tiết Lập xuân. Nhưng năm nay, tiết Lập xuân lại rơi vào ngày 4/2 dương lịch (nhằm ngày 25 tháng Chạp âm lịch). Chính vì vậy, nếu cúng Giao thừa vào đêm 30 sẽ không còn ý nghĩa.
“Ngày 30 Tết và mùng Một Tết năm nay không phải ngày cuối năm cũ và ngày đầu tiên của năm mới nên có cúng thì cũng vô thưởng vô phạt, không có tác dụng gì", Tiktoker chia sẻ quan điểm.
“Năm 2024 là năm chuyển giao chuyển vận, chuyển từ vận 8 qua vận 9, là năm KHÔNG VONG. Cái vòng năng lượng của những ngày cuối năm trong vận cuối này rất là xấu, vì vậy chúng ta không nên cúng Giao thừa. Có rất nhiều chuyện chúng ta không ngờ sẽ xảy ra, những tai ương và kinh tế suy thoái. Chúng ta không nên cúng Giao thừa sẽ đón năng lượng xấu. Hơn nữa, ngày Giao thừa năm nay rơi vào ngày Giáp Thìn, Thìn Thìn Giáp Giáp, Thìn Thìn cũng là KHÔNG VONG trong đêm Giao thừa cho nên chúng ta không nên cúng Giao thừa".
Ngoài ra, trong video này còn chia sẻ "Nên cúng Giao thừa vào ngày nào?": "Các bạn có thể cúng Giao thừa vào ngày Đông chí, nhưng rất tiếc Đông chí đã qua rồi. Các bạn nào muốn cúng Giao thừa quá thì có thể chọn vài ngày trước đó, như ngày 25 hoặc ngày 27 để cúng Giao thừa và thắp nhang trên bàn thờ tổ tiên".
Thông tin không đúng, gây hoang mang
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, chuyên gia phong thủy Thân Văn Sơn cho hay, theo cách nói của Tiktoker có thể thấy là căn cứ theo lịch Tiết khí.
Ro tin khong cung Giao thua nam 2024, chuyen gia ly giai sao?-Hinh-2
 Chuyên gia phong thủy Thân Văn Sơn.
Chúng ta có 3 loại lịch: Lịch Dương, Lịch Âm và lịch Tiết khí. Trong đó, lịch Tiết khí ít người biết đến hơn.
Tiết khí được sử dụng trong công tác lập lịch của các nền văn minh phương Đông cổ đại, trong đó có Việt Nam để đồng bộ hóa các mùa trong một năm. Tiết khí cũng được gọi đơn giản là “tiết”. Theo lịch vạn niên, có 24 tiết khí trong năm.
Tiết khí mùa Xuân bao gồm: Tiết Lập Xuân, tiết Vũ Thủy, tiết Kinh Trập, tiết Xuân Phân, tiết Thanh Minh và tiết Cốc Vũ.
Trong đó, tiết Lập xuân đánh dấu sự bắt đầu của mùa xuân, cũng như đánh dấu sự bắt đầu của một năm mới. Theo quan niệm dân gian, đây chính là thời điểm bắt đầu những điều tươi mới và may mắn. Theo góc độ thiên văn học, tiết Lập Xuân đánh dấu một chu trình quỹ đạo mới của Trái đất khi quay quanh Mặt trời.
Thông thường, theo lịch Tiết khí, ngày đầu năm mới thường rơi vào ngày 4/2 hoặc 5/2 dương lịch hằng năm và không trùng với ngày 1/1 âm lịch. Như năm nay, tiết Lập xuân bắt đầu từ ngày hôm nay, tức 4/2 dương lịch (25 tháng 12 âm lịch).
Năm 2023, tiết Lập xuân diễn ra từ thứ 7, ngày 04/02/2023 (tức 14/01/2023 theo lịch âm),
“Như vậy, nếu nói rằng không cúng Giao thừa vào ngày 30 vì không phải là ngày chuyển giao giữa năm cũ và năm mới thì chẳng năm nào nên cúng Giao thừa cả, vì ngày bắt đầu năm mới của lịch Tiết khí có trùng với lịch Âm đâu”, ông Thân Văn Sơn nói.
Về thông tin cho rằng, Giao thừa năm nay rơi vào ngày Giáp Thìn, Thìn Thìn Giáp Giáp, Thìn Thìn cũng là KHÔNG VONG, rất xấu, ông Thân Văn Sơn lý giải, vào năm Giáp Thìn, có thể hiểu, Giáp Thìn tựa như là “vua”, nên những “Thìn” khác sẽ tựa như phạm vào Thái Tuế, dẫn tới cho rằng không tốt. Tuy nhiên, không hẳn vậy, ngược lại, cũng có thể là cực tốt. Và cũng không liên quan tới việc có cúng Giao thừa hay không.
Ngoài ra, Giáp Thìn không vong tại Dần và Mão và mộ tại Thìn. Như vậy, nói Thìn không vong tại Thìn là không chính xác.
Theo ông Sơn, cúng Giao thừa vốn là truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam. Theo quan niệm, mỗi năm có một ông hành khiển coi việc nhân gian, hết năm thì thần nọ bàn giao công việc cho thần kia, cho nên cúng tế để tiễn ông cũ và đón ông mới. Ngoài ra, còn là đón ông Táo đi chầu Thiên đình từ ngày 23 trở về. Cho nên, mới có lễ cúng ngoài trời để đón thần linh xuống, trước 12 giờ đêm, và sau đó là cúng trong nhà để mời thần linh vào nhà.
Cùng với đó, ngày Sóc (mùng 1) và Vọng (ngày rằm), theo truyền thống và  Nho, Lão giáo có ý nghĩa cát tường, là ngày tốt nhất trong tháng. Người Việt có thói quen lên chùa, hoặc thắp hương cầu mong Phật, thần linh, tổ tiên phù hộ cho những điều tốt đẹp nhất. Những kinh nghiệm đã được đúc kết qua hàng nghìn năm, đúng với quy luật của trời đất, và tồn tại đến ngày nay, không phải ngẫu nhiên. Việc nói rằng không nên cúng Giao thừa vì đón năng lượng xấu là không có căn cứ. 
“Việc một số tài khoản đăng tải thông tin khiến người dân hoang mang cần lên án và chấm dứt. Mọi người cứ yên tâm cúng Giao thừa, đón năm mới với tinh thần hân hoan, tin tưởng vào những điều tốt lành sẽ tới”, ông Thân Văn Sơn nói.

Mời quý độc giả xem video: Bỏ thứ này vào hũ gạo trước giao thừa, cả năm tiền rủng rỉnh. 



Mai Nguyễn

>> xem thêm

Bình luận(0)