Phận thảm của “Hoa hậu vũ trường” miền Trung nức tiếng một thời

Google News

Vốn đã quen cuộc sống phóng túng … hoa hậu vũ trường lại ra đường đón khách làng chơi.

Hồng nhan bạc phận
Chị Trần Thị Minh Nguyệt (SN 1957, quê Quảng Nam, ngụ xóm Bàn Bàng, thôn Lộc Mỹ, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) kể, mình sinh ra trong một gia đình nghèo ở huyện Núi Thành (Quảng Nam). Lúc chị mới chập chững tập đi, không may mẹ vì lao lực rồi qua đời. Ngay sau đó, cha chị cũng bỏ lại đứa con gái chưa được 2 tuổi, biệt tích. Thành đứa trẻ mồ côi, chị Nguyệt được bà ngoại đón về chăm bẵm.
Phan tham cua
 
Năm 13 tuổi, số phận một lần nữa thử thách cuộc đời chị khi bà ngoại bị ốm nặng. Không tiền chữa chạy, chị Nguyệt đành nuốt ngược nước mắt nhìn ngoại trút hơi thở cuối cùng. Bà mất, chị sống một mình trong căn nhà rách nát, Nguyệt phó mặt cuộc đời mình cho số phận.
Lang thang, rồi một hôm chị Nguyệt đến những quán bar tại sân bay Chu Lai (Quảng Nam, nơi Mỹ xây dựng căn cứ thời chiến tranh loạn lạc) tìm việc làm. Bên ánh đèn mờ, các trò chơi nhố nhăng từ giới thượng lưu khiến chị ao ước có tiền và trở thành kẻ trung gian giao ma túy chuyên nghiệp. Làm công việc này một thời gian, thông qua cơ hội tiếp xúc cộng với nhan sắc trời cho, chị Nguyệt trở thành đích ngắm của bọn lính tráng.
Chuyện gì đến cũng đến, chị Nguyệt mang thai, song đã bị người tình chối bỏ, năm lần bảy lượt bị ép uống các loại thuốc phá. Cố giữ con đến tháng thứ 7, đứa trẻ chết lưu trong bụng mẹ.
Năm 1972, lính Mỹ rút về nước, các quán bar ở gần sân bay Chu Lai đóng cửa. Vốn quen cuộc sống phóng túng và để nuôi lấy thân, lúc này chị Nguyệt phải tự ra đường đón khách làng chơi. Năm 1982, trong một lần đứng đợi khách, chị Nguyệt bị công an bắt đưa đi phục hồi nhân phẩm. Năm 1984, chị Nguyệt ra trại. Cùng lúc, ở quê nhà, người thân, hàng xóm bàn ra tán vào xa lánh, buộc chị lại tìm đến nghiệp cũ. Một năm sau, chị lại bị bắt, đưa trở về trung tâm.
Hai lần qua sông Cu Đê gội rửa quá khứ, chị Nguyệt hiểu ra, lỗi lầm trong cuộc đời mình cần dừng lại. Tuy nhiên, cũng như nhiều chị em khác, tất cả đều không muốn về quê vì mặc cảm, không muốn xuống đồng bằng bởi sợ "ngựa quen đường cũ" nên nghĩ ra cách, bám trụ lại mảnh đất giúp mình "xóa vết nhơ" bên cạnh trung tâm lập nghiệp.
Xóm hoàn lương ra đời từ đó. Theo chị Nguyệt, bây giờ ngôi làng đã "thay da đổi thịt" nhiều, có thêm căn nhà ngói đỏ và con đường bê tông chạy xuyên suốt. Còn trước kia, vùng này hoang vu, chỉ thấy rừng với rừng nên không biết trồng gì, nuôi con gì. Cuộc sống ngày đầu hoàn lương của những người một thời từng làm gái bán hoa, nghiện ma túy... ngập chìm trong khó khăn. Nhưng bằng lòng quyết tâm xây dựng lại cuộc đời, chị Nguyệt cùng các chị em lên rừng kiếm gỗ, lá cây, tự giúp nhau dựng căn nhà. Có được chổ ở, họ tính đến chuyện mưu sinh.
Ước mơ cuối đời
Con đường về nẻo thiện dần tươi sáng. Ngoài nỗ lực của chính người lầm lỡ mong muốn hoàn lương, năm 2006, các cấp chính quyền cũng quan tâm, tạo điều kiện cấp đất để các chị xây dựng nhà ở. Nhiều chị em khác ổn định và tính đến chuyện xây dựng gia đình cho riêng mình. Vậy sao chị đẹp, bao nhiêu người đeo đuổi mà vẫn không tiến tới?, nghe hỏi, chị Nguyệt vội giấu khát vọng bằng nụ cười chua chát: “Cũng vì mối tình đầu cay đắng, vì nạo thai chết lưu mà tôi mất đi quyền làm mẹ. Biết mình vậy, tôi từ chối mọi lời yêu thương để khỏi làm khổ đến ai.”
Bất hạnh vẫn chưa dừng lại, sau bao năm tháng chấp nhận cuộc sống một thân một mình đến cuối đời, đầu năm 2012 chị Nguyệt phát hiện ngực mình đau dữ dội. Khi được bà con trong xóm chở đến Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng khám, chị lặng người nhận kết quả bị ung thư vú, phải mổ gấp.
Căn bệnh được cứu vãn, nhưng lúc quay lại quê hương thứ hai, chị Nguyệt không còn nhà để về. Thấy chị ôm quần áo ngồi khóc giữa đường, chị Phúc giang rộng vòng tay đón chị ở chung. Hoàn cảnh chị Phúc cũng éo le, khi ra trại, người phụ nữ này tự túc được 1 đứa con gái. Người con về sau lập gia đình nhưng rồi đứt gánh, lại ôm 2 cháu về nương nhờ nhà mẹ. Nghèo khó, do đó chị Phúc chỉ biết giúp chị Nguyệt chỗ ngơi nghỉ, chút rau cháo chia nhau.
Trước khi chia tay, chị Nguyệt nói: "Cuộc đời tôi nhiều lầm lỡ rồi, chừ được sự quan tâm của anh chị em, hàng xóm như ri đã quá đủ. Còn đi lại được, tôi sẽ cố gắng lo bản thân để khỏi phiền hà mọi người. Khi về già, tôi tính xin vào trung tâm bảo trợ người neo đơn, cơ nhỡ, hi vọng qua đời có người chôn cất".
Theo Báo Phụ Nữ

Bình luận(0)