Hồ sơ Panama - vụ rò rỉ tài liệu mật lớn nhất lịch sử
|
Hồ sơ Panama tiết lộ hành vi trốn thuế của giới siêu giàu. |
Hồ sơ Panama được đánh giá là
vụ rò rỉ hồ sơ mật lớn nhất lịch sử khi nhân vật "John Doe" tiết lộ 11,5 triệu văn bản (2,6 terabyte (tương đương 2.600 gigabyte) dữ liệu) kéo dài trong khoảng năm 1977 - 2015 của Công ty luật Panama Mossack Fonseca. Theo đó, 107 tờ báo ở 76 quốc gia, phối hợp với Liên đoàn các nhà báo điều tra (ICIJ) cùng tham gia xử lý số tài liệu trên bị rò rỉ từ Công ty luật Mossack Fonseca đóng tại Panama. Những tài liệu mật bị tiết lộ đó hé lộ một số người giàu nhất thế giới đã tìm cách giấu tài sản như thế nào thông qua các tài khoản ngân hàng ở nước ngoài và có thể đã rửa hàng tỷ USD tiền mặt.
Số tài liệu mật trong Hồ sơ Panama đã tiết lộ tài khoản hải ngoại của 140 chính trị gia và công chức, trong đó có 12 cựu nguyên thủ và nguyên thủ đương chức.
Trước vụ rò rỉ tài liệu mật lớn nhất lịch sử này, nhiều quốc gia trên thế giới tuyên bố sẽ điều tra, làm rõ hành vi giấu tài sản của giới siêu giàu.
Sau khi Hồ sơ Panama bị rò rỉ, Thủ tướng Iceland Sigmundur Gunnlaugsson đã phải từ chức sau khi tên của ông có trong danh sách những cá nhân, tổ chức trốn thuế hay rửa tiền...
Một nhà lãnh đạo khác lao đao vì vụ rò rỉ tài liệu mật này là Bộ trưởng công nghiệp Tây Ban Nha Jose Manuel Soria. Vị bộ trưởng này đã phải từ chức sau khi tên của ông xuất hiện trong Hồ sơ Panama.
Trong khi một số người từ chức vì có tên trong Hồ sơ Panama, nhiều cá nhân, tổ chức đã công khai hồ sơ thuế của mình để giải tỏa sự nghi ngờ về hành vi trốn thuế. Trong số đó, Thủ tướng Anh David Cameron cũng công khai hồ sơ thuế. Không những vậy, nhiều lãnh đạo cao cấp ở Anh cũng công khai hồ sơ thuế như: Thủ hiến Scotland đồng thời cũng là Thủ lĩnh đảng Dân tộc Scotland (SNP) Nicola Sturgeon, Bộ trưởng Tài chính George Osborne , Thủ lĩnh Công đảng Jeremy Corbyn và Thị trưởng London Boris Johnson...
Vụ rò rỉ tài liệu WikiLeaks
|
Edward Snowden và vụ rò rỉ tài liệu mật gây chấn động thế giới năm 2013. |
Năm 2013, thế giới chấn động trước vụ Edward Snowden. Theo đó, Edward Snowden đã liên hệ với tờ The Guardian của Anh và sau đó tiết lộ vụ một tòa án bí mật của Mỹ từng ra lệnh buộc công ty viễn thông Mỹ Verizon phải cung cấp thông tin cuộc gọi của các khách hàng cho NSA trong thời gian 4 tháng.
>> Mời quý độc giả xem hồ sơ mật: Cơn thịnh nộ của Chúa trời (Nguồn: ANTV)
Theo đó, cựu điệp viên Edward Snowden đã tiết lộ cho giới truyền thông khoảng 50.000 - 200.000 tài liệu tuyệt mật của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA). Đáng chú ý trong số này là chương trình do thám có tên PRISM. Theo đó, NSA và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã thu thập gần 100 tỷ mẫu dữ liệu (data report) trên toàn cầu, trong đó Mỹ chiếm khoảng 3 tỷ còn Iran đứng đầu với 14 tỷ.
Vụ rò rỉ tài liệu mật này đã làm căng thẳng quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh. Lý do là vì những thông tin bị rò rỉ cho thấy chính quyền Washington đã lén theo dõi Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff, Chính phủ Mexico cũng như nhiều quốc gia khác. Sau khi vụ việc này được công khai và gây rúng động thế giới, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cam kết làm cho hoạt động của NSA minh bạch hơn và Quốc hội Mỹ đã cải cách các dự luật liên quan việc theo dõi các cá nhân trên mạng.
Vụ rò rỉ tài liệu của Sony Pictures
|
Sony Pictures Entertainment chịu ảnh hưởng lớn từ vụ rò rỉ tài liệu mật năm 2014. |
Tháng 12/2014, một nhóm tự xưng là “Guardians of Peace (Vệ binh của Hòa bình) đã thâm nhập vào hệ thống mạng của (Sony Pictures Entertainment) và rò rỉ các email cá nhân, hơn 47.000 số an sinh xã hội và nhiều bộ phim chưa được công chiếu. Những thông tin tài liệu mật này đã được WikiLeaks công bố.
Theo một văn bản công bố báo chí, WikiLeaks cho hay những tài liệu mà tổ chức này đăng tải lên mạng còn hé lộ bí mật lớn bao gồm những thông tin về chiến dịch “lobby” của Sony Pictures, quỹ quyên góp của nhân viên hãng này dành cho đảng Dân chủ tại Mỹ cũng như bản ghi nhớ với nội dung nhạy cảm, dữ liệu nhân viên và bí mật công ty của Sony Pictures.
Vài tháng sau khi xảy ra vụ rò rỉ tài liệu mật trên, Sony Pictures vẫn chịu ảnh hưởng lớn khi các máy tính bị đánh sập và thư điện tử liên tục bị đóng băng.
Đến tháng 4/2015, WikiLeaks vừa công bố hơn 30.000 tài liệu bị rò rỉ từ vụ tấn công mạng hãng Sony Pictures năm 2014. Trong số đó có hơn 173.132 thư điện tử từ 2.200 địa chỉ mail của hãng Sony Pictures.
Trước diễn biến nghiêm trọng của vụ việc, đồng Chủ tịch Sony Pictures Entertainment Amy Pascal tuyên bố từ chức.