Nghệ nhân giữ hồn Việt qua nghệ thuật sơn mài

Google News

Sinh ra trong một gia đình đam mê mỹ thuật nên ngay từ nhỏ, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát (Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội) đã theo ông nội đi vẽ tượng, đắp tượng ở các đền chùa...

Qua thời gian, niềm đam mê văn hóa truyền thống bắt đầu trỗi dậy, cứ thế từng ngày được vun đắp trong anh, đặc biệt với nghệ thuật sơn mài.
Điểm đặc biệt của nghề sơn mài là chỉ sử dụng thuần túy các nguyên liệu truyền thống là sơn ta, vàng quỳ, bạc quỳ, đất sét, vải, giấy, nhựa thông... với 2 màu chủ đạo là son (là chất bột son đỏ chế biến từ một loại khoáng thạch là thần sa), then (màu đen - màu của bản thân chất sơn đen), vàng, bạc,... Kết hợp cùng khả năng điều tiết, gia giảm lượng cánh gián và kỹ thuật “nhào nặn”, “chôn vùi” rồi lại “mài moi” sẽ tạo nên sản phẩm có màu sắc đẹp, bền, bóng, dày, mỏng, đậm, nhạt khác nhau tùy theo chủ ý của tay thợ.
Nghe nhan giu hon Viet qua nghe thuat son mai
 Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát trong quá trình hoàn thiện một tác phẩm sơn mài

Nghệ nhân xứ Đoài chia sẻ, quy trình hoàn thiện một tác phẩm trung bình khoảng 6 tháng, đòi hỏi người làm phải có tính kiên nhẫn, tỉ mỉ và niềm đam mê với nghề. Đầu tiên là lên ý tưởng và phác họa hình tượng trên giấy. Tiếp đó, công đoạn đục đẽo tạo hình trên gỗ sẽ chiếm thời gian hơn cả, rồi phủ nhiều lớp sơn.
Cuối cùng là đánh bóng và trang trí hoa văn để chuyển tải trọn vẹn thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm tới người thưởng thức. Trong quá trình đó, việc sử dụng chất liệu khảm như vỏ trứng, vỏ trai, dát vàng, dát bạc sẽ vừa lưu giữ được nét đẹp truyền thống của dân tộc, vừa thân thiện với môi trường.
Cũng theo Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát, kỹ thuật vẽ sơn mài khó và có tính ngẫu nhiên cao, chứ không như các chất liệu khác - vẽ đến đâu, biết đến đấy. Hầu hết người làm sơn mài chuyên nghiệp đều không đoán trước được hiệu quả đạt được sau khi mài tranh. Âu đây cũng chính là lý do người nghệ nhân luôn cảm giác như một đứa trẻ, bởi có theo nghề này cả đời cũng không ai hiểu được hết về nó.
Nghe nhan giu hon Viet qua nghe thuat son mai-Hinh-2
 Trung bình tạo nên một tác phẩm sơn mài mất 6 tháng, đòi hỏi người thợ cần nhiều sự kiên nhẫn và tỉ mỉ

Với triết lý làm sơn mài tạo nên sự khác biệt nhưng vẫn giữ được chất truyền thống, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát giới thiệu tới những người yêu nghệ thuật các tác phẩm mang đậm hơi thở dân gian truyền thống. Thưởng thức bộ sưu tập của anh, người xem như được đối thoại với tác giả một cách vô cùng chân thực và đời thường, cảm nhận được sâu sắc hồn cốt và câu chuyện ẩn giấu sau những bức tượng. Gỗ và sơn mài không chỉ là nguyên liệu giúp anh tạo nên dấu ấn của mình, mà còn lưu giữ tác phẩm bất chấp sự khắc nghiệt của thời gian và không gian.
Cách đây 2 năm, anh lên ý tưởng mỗi năm sẽ ra mắt bộ sưu tập linh vật tương ứng với con giáp của năm đó. Ý tưởng này góp phần lan tỏa giá trị nghề thủ công, cũng như chào đón một năm mới bình an, hạnh phúc.
Nghe nhan giu hon Viet qua nghe thuat son mai-Hinh-3
 Những tác phẩm của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đều là độc bản, mang một màu sắc, phong cách riêng biệt và không bị trùng lẫn

Trong năm Giáp Thìn, nghệ nhân tiếp tục thực hiện bộ sưu tập "1000 tạo tác rồng Tiên" với 1000 bức tượng rồng Tiên, lấy cảm hứng từ thuyết con rồng cháu tiên của người xưa. Trong đó, mỗi sản phẩm sẽ được làm độc bản để vừa tạo nên sự hấp dẫn, vừa cổ vũ tinh thần sáng tạo của người Việt trong thời đại các ý tưởng đang bị rập khuôn bởi AI hay máy móc, công nghệ.
Nghe nhan giu hon Viet qua nghe thuat son mai-Hinh-4
 Các tác phẩm nằm trong bộ sưu tập "1000 tạo tác rồng Tiên"
Nghe nhan giu hon Viet qua nghe thuat son mai-Hinh-5
 Hộp sách sơn mài vẽ hình tượng Rồng Lê sơ


Theo Trang Nhung/Đại biểu nhân dân

>> xem thêm

Bình luận(0)