Người đó là Lương Vũ Đế (464 – 549), vị hoàng đế khai quốc của triều Lương thời Nam-Bắc triều trong lịch sử Trung Quốc.
Theo các nhà sử học, thời kỳ ông trị vì là một trong những giai đoạn ổn định nhất và thịnh vượng nhất của Nam triều.
Với thời gian trị vì hơn 40 năm và thọ 85 tuổi, ông là hoàng đế có tuổi thọ cao thứ hai của Trung Quốc chỉ sau hoàng đế Càn Long của nhà Thanh (88 tuổi).
Trong giai đoạn đầu trị vì Lương Vũ Đế được đánh giá là một minh quân, vô cùng mẫn cán và tiết kiệm, thương dân như con, dốc lòng chăm lo việc nước, thậm chí luôn hoan nghênh và khuyến khích các hạ thần bảy tỏ ý kiến khác biệt với mình. Thời kỳ đầu trị vì của Lương Vũ Đế được đánh giá là giai đoạn đỉnh cao của triều Lương.
Lương Vũ Đế thấy Tống-Tề vì tàn sát lẫn nhau trong hoàng tộc mà bị diệt vong nên chủ trương hết sức khoan dung trước tội lỗi của các thành viên trong hoàng tộc, cũng như của các đại thần mà ông thấy đã có đóng góp cho việc kiến lập triều Lương. Khi có thành viên trong hoàng tộc phạm tội, Lương Vũ Đế chỉ dùng lời lẽ để khuyên bảo chứ không xử phạt.
Chẳng hạn, Lâm Xuyên vương Tiêu Hoành là một người rất tham lam, ra sức thu vét tài sản, trong vương phủ có mấy chục gian kho, có người nghi ngờ rằng trong đó có chứa vũ khí nên đã cáo giác với Lương Vũ Đế rằng Tiêu Hoành cất giữ vũ khí định làm phản.
Lương Vũ Đế liền tự dẫn cấm quân đến khám xét, thấy vậy Tiêu Hoành trở nên sợ hãi, khiến Lương Vũ Đế càng thêm nghi ngờ. Lương Vũ Đế liền hạ lệnh mở hết các kho ra khám, phát hiện trong hơn 30 gian kho đều chứa đầy tiền đồng, ngoài ra còn có rất nhiều vải, lụa, tơ, bông và các thứ khác nhưng không có vũ khí. Thấy vậy, Lương Vũ Đế không trách tội Tiêu Hoành mà còn tin rằng Tiêu Hoành không có ý làm phản nên càng tín nhiệm hơn trước.
Tuy nhiên, chính thái độ khoan dung vô hạn này của Lương Vũ Đế về sau đã khiến triều đình hủ bại, cũng mang đến họa sát thân cho ông sau này.
Trước khi lập nên đế nghiệp, thời trai trẻ, Lương Vũ Đế kết hôn với Si Huy, con gái của Si Diệp và Tầm Dương công chúa và có 3 người con. Ngoài chính thê, Lương Vũ Đế cũng có thêm gần 10 thê thiếp. Ông có tổng cộng 14 người con, 8 trai, 6 gái.
Theo KKNews, nhưng điều vô cùng bất ngờ và khó hiểu là, kể từ khi trở thành đế vương, trong suốt hơn 40 năm trị vì, Lương Vũ Đế liền không ân ái với thê thiếp, phi tần nữa. Ông hoàn toàn xa lánh sắc dục, không chạm vào bất cứ người phụ nữ nào cho đến lúc chết, thậm chí còn yêu cầu đàn ông trên khắp đất nước học hỏi mình.
Vậy vì sao Lương Vũ Đế lại làm như vậy? Theo Sohu, tương truyền, sở dĩ Lương Vũ Đế xa lánh sắc dục là vì ông đã gặp một người tự xưng là "bậc thầy của Đạo giáo". Người này được cho là đã chỉ cho vị hoàng đế này rất nhiều cách hay để cai trị đát nước cũng như cách đối nhân xử thế và khuyên ông nên xa lánh sắc dục. Lương Vũ Đế đã nghe theo lời khuyên răn của "bậc thầy Đạo giáo" này.
Tuy nhiên, cũng có suy đoán rằng, Lương Vũ Đế gặp vấn đề về sinh lý nên sớm xa lánh nữ sắc để có thể tăng tuổi thọ.
Rõ ràng, trong thời gian đầu cai trị, Lương Vũ Đế đã hết sức chăm lo việc nước, nghiêm khắc chỉnh sửa một số hình ảnh xấu trong triều đình, nhưng điều đáng tiếc là sau này vị hoàng đế này lại quá mê muội Phật giáo, thậm chí nhiều lần vào chùa làm sư.
Thời đó, mỗi lần Lương Vũ Đế vào chùa làm hòa thượng, quan viên muốn ông hoàn tục, trở về chăm lo triều chính phải bỏ tiền ra cho chùa để ông "chuộc thân".
Tổng cộng, Lương Vũ Đế đã 4 lần xuất gia làm hòa thượng, quan viên nhà Lương đã phải xuất kho 40 triệu quan tiền để chuộc thân cho vị hoàng đế này. Việc này cộng với việc Lương Vũ Đế rất chăm chỉ xây dựng chùa chiền, cúng giường cho chùa và các nhà sư đã bòn rút đáng kể quốc khố của nhà Lương.
Thời kỳ trị vì cuối của Lương Vũ Đế, sự khoan dung quá mức của ông trong suốt nhiều năm đã triều Lương hủ bại, phản tặc lộng hành. Lương Vũ Đế lại 5 lần 7 lượt nương tay với những kẻ này, trong đó bao gồm tướng phản nghịch Hầu Cảnh - một kẻ đa mưu túc trí và tham vọng.
Hầu Cảnh sau khi có đủ lông cánh liền bắt giam Lương Vũ Đế mà không cho ăn uống, cuối cùng khiến vị hoàng đế này bị chết đói.