Độc đáo tài chiêm tinh của người Mường qua bộ lịch cổ

Google News

(Kiến Thức) - Bộ lịch cổ ấy được gọi là lịch Đoi, là một giá trị văn hóa tuyệt vời còn sót lại cho đến ngày nay.

"Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động/Cơm đồ nhà gác, nước vác lợn thui, ngày lùi tháng tới". Câu nói ấy của người dân tộc Mường không chỉ ẩn ý xếp hạng lớn nhỏ, mà còn ý tứ nhắc về bộ lịch cổ với cách tính riêng biệt, đầy bí ẩn nhưng cũng rất chính xác.
Bộ lịch cổ ấy được gọi là lịch Đoi, là một giá trị văn hóa tuyệt vời còn sót lại cho đến ngày nay. Bộ lịch này hiện vẫn còn được giữ gìn trong những gia đình trí thức truyền thống của người Mường và các gia đình tầng lớp thầy Mo. Tuy vậy, bộ lịch này của người Mường cũng ít còn được áp dụng ngoài việc ma chay hiếu hỉ.

Nguồn gốc lịch Đoi
Cho đến ngày nay, nguồn gốc lịch Đoi mà người Mường Bi hay dùng có khá nhiều giả thuyết. Ngay chính bản thân không ít bà con dân tộc Mường cũng không biết nguồn gốc bộ lịch mà cha ông hay dùng có từ bao giờ. Chúng tôi tìm gặp nhà nghiên cứu Bùi Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn phát huy di sản văn hóa Mường, ông Bình cho rằng: "Dưới góc độ thiên văn, người Mường đã sản sinh ra một loại lịch riêng độc đáo, không chỉ tồn tại trên thực tế mà còn gắn liền với một truyền thuyết kỳ thú, giải thích cội nguồn ra đời của bộ lịch".
Truyền thuyết kể rằng, vào thời Hùng Vương dựng nước, có một lần nhà vua dạo thuyền trên sông, do sơ ý đã để rơi một viên ngọc quý. Nhiều thợ lặn tài giỏi được gọi đến, song không ai tìm ra. Nhà vua bèn triệu tập tất cả các đạo sĩ nổi tiếng trong nước đến để dò tìm viên ngọc nhưng đều vô hiệu. 
Lịch Đoi khổng lồ của nhà nghiên cứu Bùi Thanh Bình. 
Một hôm, có thổ Lang Mường giỏi thiên văn xin vào yết kiến nhà vua. Sau khi xem một quẻ bói bằng chân gà, thầy Lang tâu: Viên ngọc quý không thể nào mất được, nó đang chờ giờ tốt để trở về nhà vua. Vua tỏ lời cảm ơn nhưng lòng nghi hoặc. Bước sang ngày thứ sáu kể từ hôm thổ Lang Mường gieo quẻ, vào buổi sáng có một người dân chài đem dâng vua một con cá chép to vừa bắt được dưới sông.
Nhà vua vẫn trong tâm trạng không vui vì chưa có tăm hơi của viên ngọc quý. Mãi đến chiều tối vào giờ "khuông bắn", người đầu bếp cung đình mổ cá mới phát hiện một viên ngọc quý sáng rực, vội tâu báo. Nhà vua mừng vui khôn xiết liền cho gọi thổ Lang Mường đến gia thưởng ngọc ngà châu báu. Thổ Lang Mường xin vua gia ân một điều: để cho dân Mường ngày thì lui lại một ngày và tháng lại sớm hơn ba tháng.
Từ đó, người Mường có lịch riêng và lưu truyền câu nói: "Cơm đồ nhà gác, nước vác lợn thui, ngày lùi tháng tới". Cũng theo ông Bình, lịch pháp Mường thiên về âm lịch dựa vào sự quan sát chuyển động của mặt trăng cũng như sự vận chuyển của sao Đoi để phân định ngày, giờ, tháng, năm. Từ đó chế định ra 12 thẻ tre, mỗi thẻ là một tháng. Trong đó có số ngày trong tháng ghi theo lối khắc gạch những ngày tốt xấu, đại cát, xích khẩu.
Thầy Mo cả Bùi Văn Lựng và bộ lịch Đoi truyền qua 7 đời. 
Bộ lịch qua 7 đời Mo
Qua lời giới thiệu của nhà nghiên cứu Bùi Thanh Bình, chúng tôi tìm gặp thầy Mo cả của người Mường Bi ở xã Phong Phú là ông Bùi Văn Lựng. Ông Lựng đem ra bộ lịch gồm 12 thẻ tre cho chúng tôi xem. Những thẻ tre này qua thời gian phong hóa đã chuyển màu vàng bóng.
"Tôi là đời thứ 7 làm thầy Mo, thẻ tre lịch Đoi này do ông tổ của chúng tôi tức thầy Mo đầu tiên làm ra. Đó như là bảo vật gia truyền, dựa vào bộ lịch này để tôi tính ngày tốt, ngày xấu, ngày nắng, ngày mưa để thực hiện các nghi lễ thiêng liêng của người dân tộc Mường", thầy Mo Lựng cho biết.
Trên mỗi thẻ tre có những gạch, những khấc rất khó hiểu. Ông Lựng bảo, mỗi tháng một thẻ, mỗi ngày là một khấc. Tuy nhiên, lại có những khấc có ký hiệu khác nhau. Có những khấc mang hình mũi tên, có khấc lại có 5 dấu chấm tròn, có khấc dài, khấc ngắn.
Ngày đánh dấu có mũi tên tức là ngày mưa bão. 
"Tôi chỉ dùng lịch Đoi chứ không dùng lịch dương hay âm. Lịch Đoi có cái lợi là khá chính xác về thời tiết. Ví dụ, khấc có hình mũi tên là chỉ ngày mưa bão thì chắc chắn hôm đó là mưa bão; khấc có dấu chấm nhỏ là hanh hao; khấc có 5 dấu chấm là ngày Đoi, tức là ngày xấu kỵ tam nương, ngày này sao Đoi vào mặt trăng", ông Lựng giải thích.
Bộ Lịch Đoi của thầy Mo Lựng được xem là cổ và chuẩn nhất hiện nay. Rất nhiều nhà nghiên cứu đã sao chép lại bộ lịch này. Với ông Lựng, bộ lịch mà tổ tiên truyền lại không chỉ là báu vật mà còn là vốn quý văn hóa còn sót lại để một thầy Mo dựa vào đó thực hiện những nghi lễ thiêng liêng.
Ngày có 5 dấu chấm là ngày xấu, kỵ tam nương. 
Cách tính độc nhất vô nhị
Thầy Mo Lựng bảo, bộ lịch Đoi không chỉ chuẩn xác mà còn thể hiện tài chiêm tinh tài ba của người Mường Bi cách đây mấy nghìn năm. Bản thân tên là lịch Đoi là dựa vào sự vận hành của sao Đoi. Sao Đoi chuyển động nhanh hơn Mặt Trăng. Vị trí sao Đoi và Mặt Trăng tùy thuộc theo các tháng trong một năm. Khi sao Đoi vượt qua Mặt Trăng, người Mường gọi đó là ngày "Đoi vào" hay "ngậm Đoi".
Còn theo nhà nghiên cứu Bùi Thanh Bình, tên trong tháng lịch Đoi có 10 tháng được đặt tên theo hệ số từ 1 - 10, hai tháng còn lại có tên gọi khác: Tháng Giêng - tháng Giêng Mười, tháng Hạp - tháng Chạp. Một tháng lịch Đoi có 29 - 30 ngày, và được chia làm ba tuần, mỗi tuần 10 ngày. Thượng tuần gọi là ngày "Kâl", trung tuần gọi là ngày "Loồng", hạ tuần gọi là ngày "Cối".
Cứ thế, ngày 11 trong lịch Đoi được gọi là 1 Loồng và ngày 21 được gọi là 1 Cối. Không chỉ tính toán cho từng tháng, lịch Đoi còn tỉ mỉ đến từng ngày, từng giờ. Dựa vào những ký hiệu trong lịch Đoi mà thầy Mo tiến hành thực hiện các nghi lễ truyền thống.
Bản thân lịch Đoi chậm hơn âm lịch 15 ngày, vì thế người Mường Bi ăn tết hai lần. Lần 1 là Tết Nguyên Đán theo âm lịch, lần 2 là Tết theo lịch Đoi tức là sau Tết Nguyên Đán 15 ngày, gọi là ăn tết lại.
"Lịch Đoi được xem như một công trình khoa học có ý nghĩa quan trọng. Nó thể hiện tài chiêm tinh của người Việt từ xa xưa. Chúng ta cần biết chính xác lịch Đoi ra đời từ khi nào? Mối quan hệ với âm lịch ra sao? Sinh ra từ một nền văn hóa bản địa, lại kết hợp chặt chẽ với lịch hậu vật, lịch Đoi sẽ rất phù hợp với sự phân thời canh tác nông nghiệp trong khu vực sinh sống của người Mường - Việt hiện nay".
Nhà nghiên cứu Bùi Thanh Bình
Trần Hòa

Bình luận(2)

Minh Hiền

Giang

Giờ không áp dụng lịch này được nữa rồi, khí hậu biến đổi từng ngày. Đến cả lịch ngày nay cũng không thấy chuẩn nữa mà

Minh Hiền

Hoàn

Nên giữ gìn nó vì là một di sản của đân tộc. Không được áp dụng thì hãy bảo tồn.