Độc đáo kiến trúc Phật giáo tại Pleiku

Google News

Thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai) hiện có 36 ngôi chùa, tịnh xá. Diện mạo các cơ sở tâm linh của Phật giáo từng bước được xây dựng khang trang, tạo nên bức tranh phong phú, đa dạng của kiến trúc tôn giáo ở phố núi Pleiku.

Được hình thành vào khoảng năm 1929, Bửu Thắng là một trong những ngôi chùa thành lập lâu nhất tại Pleiku. Chùa Bửu Thắng tọa lạc ở đường Sư Vạn Hạnh, phường Hội Thương. Đây là công trình văn hóa, kiến trúc Phật giáo tiêu biểu.
Chùa được cố Đại lão Hòa thượng Thích Giác Ngộ chủ trì trùng tu lớn lần thứ 3 vào năm 1999. Sau đó, Hòa thượng Thích Tâm Tường tiếp tục điều hành phật sự và tái thiết lại chùa trong giai đoạn 2007-2018.
Doc dao kien truc Phat giao tai Pleiku
Chùa Minh Thành, TP. Pleiku. Ảnh: T.N
Hiện nay, chùa có chánh điện cao hơn 24 m. Bên trái có một bảo tháp, cao 25 m, 7 tầng là nơi thờ cố Đại lão Hòa thượng Giác Ngộ. Chánh điện chùa liên kết với kiến trúc tháp lục giác 3 tầng, mái và các góc uốn lượn cùng những cặp rồng, phụng đậm nét Á Đông. Tầng 2 chánh điện có Đại Hùng Bảo Điện, chính giữa có tượng Đức Phật Thích Ca cao 3 m, hai bên thờ Bồ Tát Quan Âm và Địa Tạng, là những pho tượng bằng đồng do các nghệ nhân từ Huế vào đúc tại chùa.
Chùa Bửu Thắng là nơi thường diễn ra các hoạt động phật sự lớn của tỉnh, mùa an cư kiết hạ cho chư tăng, cùng các khóa tu học cho phật tử và người dân.
Chùa Bảo Sơn tọa lạc trên đường Nguyễn Trãi, phường Yên Đỗ. Chùa do Ni trưởng Thích Nữ Hạnh Nguyện trụ trì từ năm 1980 đến nay. Ni trưởng Thích Nữ Hạnh Nguyện cho hay: “Chùa được thiết kế theo lối kiến trúc thời Lê, với mô típ giả gỗ, kết hợp nhiều yếu tố kiến trúc theo phong cách Huế và phố cổ Hội An”.
Chánh điện có nóc cao. Mặt tiền chánh điện có nhiều trụ chạm hình rồng quấn. Hệ thống cửa chùa bằng gỗ, kích thước nhỏ gọn, kiểu cửa thời Lê, với các thanh lùa để che gió vào mùa lạnh và thông thoáng mát mẻ vào mùa hè.
Toàn bộ tượng thờ tại chùa là tượng đồng, trong đó có 8 tượng chính đặt ở khu vực chánh điện. Cảnh quan ngôi chùa hài hòa bởi nhiều cây xanh, trước sân bên phải nhìn vào có tháp Di Đà và hồ liên trì, góp phần tô điểm thêm cho khung cảnh trầm lắng, hữu tình, trang nghiêm...
Doc dao kien truc Phat giao tai Pleiku-Hinh-2
Bảo tháp thờ cố Trưởng lão Hoà thượng Thích Giác Phúc trong khuôn viên Tịnh xá Ngọc Phúc TP. Pleiku. Ảnh: Thanh Nhật
Khu vực cạnh Công viên Diên Hồng có chùa Bửu Hải được thành lập năm 1965. Đại đức Thích Đức Thi được Giáo hội bổ nhiệm làm trụ trì từ năm 2010. Đại đức đã tiến hành tái thiết xây dựng chùa từ năm 2015, với ý niệm tạo không gian cho sự tu tập của chư tăng và bà con phật tử, nơi lễ Phật trang nghiêm thoáng đãng.
Đại đức cho biết: “Ngôi chánh điện có chiều cao tới đỉnh mái là 24 m. Tầng 2 của chánh điện là không gian thờ tượng Đức Phật Thích Ca cao 3 m, uy nghi ở vị trí cao nhất. Phía dưới là thờ tam thánh. Hai bên trang trí cảnh núi non mây trời cùng những bức tranh tiếp dẫn Đức Phật A Di Đà, Quan Âm bằng sơn dầu. Hai bên chánh điện có bàn thờ Bồ Tát Quán Thế Âm và Địa Tạng cao 3 m. Cách bài trí này tạo không gian từ tượng Phật đến chư tăng và phật tử đều không bị khuất tầm nhìn khi hành lễ”.
Một công trình tiêu biểu mang đậm phong cách kiến trúc của hệ phái Phật giáo khất sĩ đó là tịnh xá Ngọc Phúc, đứng chân tại đường Phan Đình Phùng, phường Yên Đỗ. Hòa thượng Thích Giác Thành-trụ trì tịnh xá Ngọc Phúc-cho biết: “Tịnh xá do Trưởng lão Thích Giác An-Trưởng giáo đoàn III hệ phái Tăng già Khất sĩ Việt Nam sáng lập năm 1957 khi cùng tăng đoàn lên vùng cao nguyên này.
Trưởng lão tạo được sự quý kính trong bá tánh và họ đã phát tâm khai phá một khu đất khoảng 1 ha, sau này lập ngôi chánh điện hình bát giác, kiến trúc truyền thống của hệ phái khất sĩ”.
Doc dao kien truc Phat giao tai Pleiku-Hinh-3
Trước sân Chùa Bửu Hải (TP. Pleiku) có Hồ Non Bộ, thờ bảo tượng Bồ Tát Quán thế âm cao 3 mét, bằng đá non nước. Ảnh: Thanh Nhật
Tịnh xá trải qua nhiều đời sư trụ trì, gắn với việc trùng tu. Từ năm 1999 đến nay, tịnh xá do Hòa thượng Giác Thành trụ trì. Với tâm nguyện hướng về chư Phật và cộng đồng, Hòa thượng đã tiến hành trùng tu từ năm l999 đến 2002, mang diện mạo mới cho ngôi tịnh xá, với nhiều hạng mục như: chánh điện, nhà thờ cửu huyền, tượng đài Thích Ca, Điện Di Lặc, vườn Lâm Tỳ Ni, bảo tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, bảo tháp thờ cố Trưởng lão Thích Giác Phúc, nhà khách, phòng cốc..., với tổng diện tích xây dựng hơn 2.800 m2.
Chánh điện được thiết kế 2 tầng, hình bát giác, xung quanh có hành lang rộng, chánh điện thờ tượng Phật Tổ cao khoảng 3 m an nhiên tịnh tọa, bàn thờ Tổ Sư Minh Đăng Quang, nhà thờ cửu huyền thất tổ, tượng tam thánh. Tầng trệt cao ráo, hiên rộng, bên trong thờ các vị Phật và giác linh của các cố trưởng lão tiền bối...
Hòa thượng Thích Giác Thành cho biết thêm: “Từ năm 2022 đến nay, tịnh xá tiếp tục được xây dựng bổ sung 2 hạng mục với quy mô lớn, ở vị trí bên phải chánh điện là ngôi bảo tháp có độ cao 28 m và nhà tăng đường cao 15 m. Hai công trình này kết nối hài hòa với chánh điện và các quần thể kiến trúc khác, góp phần tôn thêm sự uy nghiêm, bề thế cho ngôi tổ đình Phật giáo khất sĩ của tỉnh nhà”.
Chùa Minh Thành tọa lạc trên diện tích gần 2 ha, cảnh quan thiên nhiên hài hòa giữa lòng Phố núi. Ngôi chùa này do cố đại lão Hòa thượng Thích Giác Đạo-Tông trưởng hệ phái Phật giáo Cổ truyền tại Gia Lai sáng lập. Mặt chính của chùa hướng về suối Hội Phú, lưng là đường Nguyễn Viết Xuân. Hơn 20 năm gần đây, ngôi chùa được tái thiết quy mô theo chỉ dẫn của Thượng tọa trụ trì Thích Tâm Mãn.
Quần thể kiến trúc chùa Minh Thành được gọi là “thất trùng già lam” (7 cụm kiến trúc điện đường), mỗi cụm mang những ý nghĩa riêng. Nhìn từ xa, điểm nhấn của chùa chính là bảo tháp.
Thượng tọa cho biết: “Tháp có 9 tầng, được gọi là “Cửu Trùng tháp”. Đỉnh tháp cao hơn 70 m. Trong tháp đặt 4 tượng Phật nghìn mắt nghìn tay, mỗi tượng cao 9 m bằng gỗ mít được khắc chạm rất công phu, tinh xảo. Đặc biệt, tháp có thờ một số mẫu xương hóa thạch của Phật được mang về từ Ấn Độ và Trung Quốc”.

Tiến sĩ Nguyễn Bá Thạch - Giám đốc Sở Xây dựng: “Nếu quan sát phố núi Pleiku từ trên cao, có thể thấy một số điểm nhấn là các công trình kiến trúc Phật giáo. Các công trình này có sự kết hợp của nghệ thuật kiến trúc-xây dựng truyền thống pha lẫn với yếu tố hiện đại. Nhờ vậy đã tạo nên bức tranh phong phú, đa dạng của kiến trúc tôn giáo, góp phần vào sự phát triển chung của bộ mặt đô thị Pleiku. Đây cũng là những địa chỉ văn hóa tâm linh thu hút người dân và du khách mỗi khi đến với Pleiku”.

Theo Thanh Nhật/ Báo Gia Lai

>> xem thêm

Bình luận(0)