Khó sửa vì công nghệ nửa vời
Trong vai một người cần sửa chữa "con ngựa chiến" xe đạp điện bị hỏng phanh và pin, chúng tôi đã phải vất vả đi khoảng 10 cửa hàng sửa chữa nhưng vẫn chưa có nơi chấp nhận làm.
Tại các cửa hàng sửa chữa xe đạp, các bác thợ ngán ngẩm lắc đầu bảo: Xe đạp điện khó hơn xe đạp, phải có công nghệ mới sửa nổi. Còn tại cửa hàng xe máy, tất cả thợ sau khi xem đều cho hay cái này phải thay mới nhưng khó mua phụ kiện. Rốt cuộc, thợ mở ra rồi lắp lại.
Theo hướng dẫn mua phụ tùng tại các cửa hàng bán xe đạp điện, chúng tôi vòng quanh một số phố được cho là chuyên kinh doanh loại xe này như Bà Triệu, phố Huế, Tôn Đức Thắng... Tại đây, tất cả nhân viên cũng lắc đầu, không bán phụ kiện thay thế.
Theo anh Hoàn, một nhân viên bán xe đạp điện tại phố Bà Triệu, thông thường các loại xe đạp thuộc hãng phân phối tại Việt Nam sẽ có phụ kiện thay thế tốt. Nhưng tỷ lệ hàng xe đạp điện đúng hãng so với hàng "tuồn" (nhập khẩu tiểu ngạch, không thuộc hãng phân phối) chỉ chiếm vài phần trăm. Vì thế, muốn mua phụ kiện phải... đến các hãng khác mua hàng không phù hợp với xe hoặc... lên mạng, ra chợ giời tìm kiếm!.
Phóng viên cũng đã liên hệ với anh Hải Anh, một người chuyên sửa chữa xe đạp điện tại số 11, ngõ 43/49 Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội. Anh này thẳng thắn, không nhiều nơi nhận sửa xe đạp điện do không có kinh nghiệm, hiểu biết cũng như không có phụ tùng thay thế. Tất cả các phụ tùng xe điện tại đây đều là hàng Trung Quốc sản xuất. Muốn dùng hàng chính hãng, chủ xe mua phụ tùng đến cửa hàng, thợ sẽ thay thế lấy công.
|
Biện pháp cứu hộ khi xe đạp điện bị hỏng. |
Cần có biện pháp mạnh!
Theo TS Phùng Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm đào tạo bảo dưỡng công nghiệp Việt Nam, xe đạp điện tiết kiệm năng lượng và ít ô nhiễm về khí thải, tiếng ồn hơn xe máy. Lượng tiết kiệm nhiên liệu có thể so sánh như sau: Cùng chạy 100km nhưng xe điện mất gần 1KWh điện, nếu tính giá điện thương phẩm khoảng 3.000đ. Trong khi đó, xe máy loại trung bình đốt cháy khoảng 2 lít xăng với giá hơn 40.000đ. Vì thế, xe đạp điện sẽ tiết kiệm hơn 10 lần so với xe máy.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho rằng, dù lợi thế lớn nhưng dịch vụ cơ bản đi kèm kém, cơ sở hạ tầng chưa có nên vẫn "làm khó" người sử dụng. Ví dụ, việc thay thế phụ tùng chưa đồng bộ. Nguồn thợ đào tạo để sửa chữa xe điện gần như chưa có. Ngoài ra, nguồn điện nạp lại năng lượng theo hướng công cộng chưa được chú ý.
"Đối với hệ thống thay thế phụ tùng, do những yếu tố như thị trường bán chạy cùng kiểm soát không chặt chẽ nên xảy ra tình trạng gian lận thương mại một cách tràn lan. Điều này kéo theo chất lượng xe kém, không có phụ tùng thay thế, không có thợ chịu trách nhiệm bảo hành", TS Phùng Anh Tuấn phân tích.
Theo các chuyên gia, để tránh tình trạng trên các cơ quan chức năng cần có các biện pháp kiểm soát mạnh nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, đưa sản phẩm chất lượng đến người sử dụng.
Đối với người dùng, cần lựa chọn sản phẩm chính hãng khi mua. Cách nhận biết sản phẩm chính hãng gồm: Xe có tem bảo hành, tem chống làm giả, giấy chứng nhận chất lượng và các chỉ số đảm bảo. Ngoài ra, nhận biết các loại xe đạp điện, xe điện chính hãng bằng mắt thường như tem được dập nổi hoặc in sắc nét, bóng mịn tại các chi tiết như khung, may ơ. Màu sơn đều, mịn, không bị loang lổ... Bên cạnh đó, người mua cần đề cập thẳng vấn đề bảo hành, sửa chữa và thay thế phụ tùng kèm theo xe.
Riêng trong hai tháng 9 và 10/2013, Cơ quan Quản lý thị trường Hà Nội đã thu giữ hàng trăm chiếc xe đạp điện, xe điện tại các kho hàng thuộc các công ty gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ hóa chất HFT, cửa hàng xe đạp Quang Hưng, Công ty Bảo Việt... Toàn bộ số xe đạp điện có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng không được kiểm định chất lượng...