Sương mù “Hà Nội” có từ đâu?

Google News

(Kiến Thức) - Mưa rải rác gặp nền nhiệt thấp gây ra tình trạng sương mù dày đặc vào sáng sớm.

Sương mù nhiều khiến nắng "đến muộn". Thường thì phải tới trưa sương mù mới tan.


Sương mù là hiện tượng hơi nước ngưng tụ thành các hạt nhỏ li ti giống như mây nhưng xuất hiện gần mặt đất thay vì trên trời cao. Nó xảy ra khi hơi ẩm từ bề mặt Trái đất bốc hơi. Khi hơi ẩm chuyển động lên cao, chúng lạnh dần và ngưng tụ, gây ra hiện tượng sương mù.


Có nhiều dạng sương mù được tạo thành, phụ thuộc vào phương thức giảm nhiệt để gây ra sự ngưng tụ.

 Sương mù bức xạ.

Sương mù bức xạ được tạo thành khi mặt đất giảm nhiệt lúc hoàng hôn bởi bức xạ nhiệt (hồng ngoại) tỏa ra trong điều kiện yên tĩnh với bầu trời quang đãng. Loại sương này phổ biến trong mùa Thu và thông thường không tồn tại lâu sau bình minh.

 Sương mù gió.

Sương mù gió
xảy ra khi gió thổi không khí ẩm, làm chúng chuyển động. Đây là dạng sương mù phổ biến trên biển khi không khí vùng nhiệt đới gặp nước lạnh hơn của các vĩ độ cao hơn; hoặc khi hai luồng không khí có các đặc trưng khác nhau về nhiệt độ và độ ẩm đi qua khu vực lạnh.

 Sương mù hơi.

Sương mù hơi
là dạng cục bộ nhất, được tạo ra do luồng không khí lạnh đi qua vùng nước ấm hơn. Hơi nước nhanh chóng đi vào khí quyển bằng cách bay hơi và sự ngưng tụ xảy ra khi đạt tới điểm sương, tạo ra lớp hơi mỏng và yếu. Dạng sương mù này phổ biến ở các khu vực gần hai địa cực, cũng như xung quanh các hồ sâu và rộng vào cuối mùa Thu và đầu mùa Đông; rất gần với hiện tượng tuyết hiệu ứng hồ hay mưa hiệu ứng hồ và thông thường sinh ra sương giá, hoặc đôi khi là sương muối.

 Sương mù ngưng đọng.

Sương mù ngưng đọng (hay sương mù mưa) tạo thành do các giọt nước bị ngưng đọng rơi xuống lớp không khí khô hơn ở dưới các đám mây, các giọt nước bay hơi thành hơi nước. Hơi nước bị làm lạnh và tại điểm sương, nó ngưng tụ và tạo ra sương mù.

 Sương mù núi.

Sương mù núi tạo thành khi gió thổi không khí trên các chỗ dốc, làm lạnh nó khi được nâng lên và làm cho hơi ẩm trong không khí phải ngưng tụ. Loại hình này thường tạo ra sương giá trên các đỉnh núi.

 Sương mù thung lũng.

Sương mù thung lũng tạo thành trong các thung lũng núi, thông thường vào mùa Đông. Nó là kết quả của sự đảo lộn nhiệt độ sinh ra bởi không khí lạnh, nặng hơn đi vào trong các thung lũng, với không khí ấm hơn đi qua các ngọn núi ở phía trên. Nó là sương mù bức xạ bị giam giữ bởi địa hình khu vực và có thể tồn tại trong vài ngày trong điều kiện yên tĩnh. 

 Sương mù băng.

Sương mù băng là dạng sương mù có các giọt nước bị đóng băng thành các tinh thể nước đá nhỏ trong không khí. Nó chỉ xảy ra khi nhiệt độ thấp hơn điểm đóng băng, phổ biến ở gần Bắc cực hay châu Nam cực. 

Ngoài các loại trên còn có sương mù khô, là hiện tượng khí quyển bị vẩn đục nhẹ do sự tồn tại của các hạt bụi, khói gây nên.
Các dạng sương mù chỉ tạo ra khi độ ẩm tương đối đạt tới 100% và nhiệt độ không khí có xu hướng giảm xuống dưới điểm sương, ép nó xuống thấp hơn bằng cách làm cho hơi nước ngưng tụ.

Sương mù làm giảm tầm nhìn. Các loại xe cộ phải đi chậm hơn và phải sử dụng nhiều ánh sáng hơn. Ánh sáng vàng là thích hợp nhất trong sương mù.
Lưu Thoa (tổng hợp)

Bình luận(0)