Flappy Bird - Chú chim cổ tích và cuộc phiêu lưu thần kỳ
Tháng 5/2013, Nguyễn Hà Đông, chàng lập trình viên Hà Nội đưa Flappy Bird lên App Store. Một tháng sau đó, game này cũng xuất hiện trên Google Play. Trong 6 tháng, trò chơi này nằm lẫn lộn và gần như vô danh trong hàng chục nghìn ứng dụng, game trên các kho phần mềm.
Câu chuyện cổ tích của Đông bắt đầu khoảng thời điểm cuối tháng 11 năm ngoái. Tốc độ download Flappy Bird tăng lên chóng mặt, tới cuối tháng 12, game này đứng số một App Store tại Mỹ và nhiều quốc gia khác.
Flappy Bird trở thành đề tài nóng trên truyền thông thế giới. Gần như không ai tìm ra nguyên nhân chính xác game này tăng hạng. Trong khi đó, người dùng gần như phát cuồng với Flappy Bird. Hơn 200.000 video chia sẻ về trò chơi này trên YouTube, hàng triệu kết quả tìm kiếm từ Google.
Giữa lúc trò chơi đang hot và là tâm điểm chú ý của thế giới, Hà Đông đột ngột thông báo Flappy Bird sẽ bị rút khỏi các gian ứng dụng. Nhiều ý kiến cho rằng, sự nổi tiếng đột ngột đã phá tan cuộc sống yên bình của Đông. Chàng lập trình viên 29 tuổi người Hà Nội rút trò chơi này trên Google Play và App Store rạng sáng ngày 10/2.
Cuộc phiêu lưu của chú chim Flappy Bird khơi dậy ước mơ khởi nghiệp của nhiều người trẻ. Hà Đông cũng cổ vũ mạnh mẽ niềm tin của nhiều lập trình viên độc lập, những người hàng ngày tự mình sáng tạo ứng dụng, game đưa lên các kho ứng dụng.
Zalo - Những chàng Đông-ki-sốt lãng mạn
Câu chuyện cổ tích của Zalo bắt đầu từ cuối 2011. Khi đó, Công ty VNG muốn có một ứng dụng OTT sau khi Zing Chat không thành công. Họ có hai lựa chọn, một hợp tác với các phần mềm đình đám đang thành công trên thế giới; thứ hai, chọn lối đi khó khăn là xây dựng một phần mềm riêng.
Zalo ra đời khi VNG lựa chọn việc có một OTT riêng, cạnh tranh với các sản phẩm quốc tế. Những tháng đầu tiên khi ra mắt thử nghiệm, Zalo gần như rơi vào ngõ cụt. Những lập trình viên trẻ của Zalo cho biết, họ mắc một sai lầm nghiêm trọng là máy móc sử dụng nền tảng web cho ứng dụng trên điện thoại di động. Tốc độ tăng trưởng chậm, Zalo hầu như không có khả năng cạnh tranh với các ứng dụng quốc tế.
Tháng 12/2012, những người đứng đầu sản phẩm này tiến hành làm lại. VNG dốc toàn lực cho Zalo, hành động này được xem là điên rồ bởi lúc đó Viber, KakaoTalk, Line, Wechat phát triển rầm rộ tại Việt Nam. Việc dốc toàn lực cho Zalo bị nghi ngờ và được cho là Đông-ki-sốt đánh nhau với cối xay gió.
Cuối 2012, phiên bản
Zalo mới với nhiều cải tiến ra đời. Đầu tháng 1/2013, ứng dụng nhắn tin miễn phí thuần Việt leo lên vị trí số một trên App Store và giữ vị trí ngôi vương suốt một thời gian dài. Cùng thời điểm này, hai tên tuổi Line và KakaoTalk dồn lực tung quảng cáo, marketing nhằm tranh miếng bánh thị phần.
Tháng 2/2013, Techinasia chọn Zalo là một trong những ứng dụng mobile sáng tạo nhất châu Á. Đến tháng 5, Zalo chạm mốc 2 triệu người dùng - đạt khả năng phát tán tự nhiên như Facebook. Đến nay, Zalo là OTT với hơn 7 triệu người dùng với lượng tin nhắn sử dụng hàng ngày nhiều nhất tại Việt Nam.
Thành công của Zalo được xem là câu chuyện lãng mạn của những người làm công nghệ Việt Nam. Điều này khơi dậy niềm tin, sản phẩm Việt đủ sức cạnh tranh với các tên tuổi quốc tế. Việc đầu tư chất lượng sản phẩm với khả năng kết nối, truyền dữ liệu tốt được xem là một trong nhiều nguyên nhân Zalo phát triển. Sự xuất hiện và đứng đầu lượt tải trên cả 3 nền tảng Android, iOS, Windows Phone là minh chứng cho thành công của sản phẩm này.
Zing MP3 - Bước rẽ thành công bất ngờ
Gần như tất cả người dùng Internet trong nước đều biết tới Zing MP3, website nghe nhạc trực tuyến lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên, ít người biết rằng Zing MP3 ban đầu không phải là sản phẩm chiến lược, được đầu tư không nhiều. Khi Công ty VNG đang chờ mua lại sản phẩm nước ngoài để phát triển Zing Chat, một lãnh đạo công ty này - người được giao phụ trách dự án Zing Chat, quyết định làm thêm website nghe nhạc.
Sản phẩm này bắt nguồn từ nhu cầu cá nhân của vị lãnh đạo VNG những năm còn học ở Mỹ. Lúc đó, hình thức giải trí chính là nghe nhạc nhưng muốn tìm một bài hát hay, người dùng phải vào nhiều trang nghe nhạc trực tuyến để tìm kiếm và không hề tiện lợi.
Không giống với khoản đầu tư “bom tấn” cho Zing Chat, Zing MP3 được đầu tư rất ít và là sản phẩm do các kỹ sư của VNG tự làm. Thế nhưng, sau 3 tháng ra mắt, Zing MP3 đã vượt tất cả các trang nghe nhạc trực tuyến có mặt trên thị trường. Sau 6 tháng, Zing MP3 vào danh sách 5 website có lượng truy cập lớn nhất Việt Nam.
Thành công của
Zing MP3 củng cố niềm tin của những kỹ sư công nghệ làm nhóm sản phẩm Zing rằng: “Người Việt phải tự chủ làm các sản phẩm về Internet và không nên nhập khẩu để biến thành vùng trũng công nghệ”.
Ứng dụng Zing MP3 trên smartphone là một trong số ít những phần mềm được tải nhiều nhất tại Việt Nam trong những năm gần đây. Khi được đưa lên di động, Zing MP3 là sản phẩm hiếm hoi của Việt Nam có trên 5 triệu lượt tải trên Android (sản phẩm còn lại có nhiều lượt tải hơn là Flappy Bird).
Với ưu thế từ nền tảng kỹ thuật và kho nhạc bản quyền phong phú, Zing MP3 khá tiện lợi và thân thiện với người dùng. Ứng dụng ưu tiên hiển thị kết quả là những bài hát, video chất lượng cao với đầy đủ thông tin về lời bài hát, ca sĩ thể hiện. Zing Mp3 cũng đưa hệ thống chỉnh âm Equalizer vào bên trong app, cho phép người dùng tùy chỉnh âm sắc theo từng dòng nhạc, hoặc theo sở thích cá nhân hay khắc phục những hạn chế về loa trên điện thoại người dùng.
SayIt - Thành công bất ngờ của chàng sinh viên Bách Khoa
Tháng 1/2012, Nguyễn Long, chàng sinh viên năm cuối đã viết nên một câu chuyện cổ tích không kém tác giả
Flappy Bird bây giờ. Ứng dụng SayIt dành cho BlackBerry của Long sau một thời gian ngắn phát hành đã leo lên vị trí số một của AppWorld.
SayIt là phần mềm nhận diện giọng nói, giúp người dùng giao tiếp với điện thoại. Nó được bán với giá 5 USD, không hề rẻ so với mặt bằng chung các ứng dụng hiện nay, nhưng là tiện ích bán chạy nhất của AppWorld.
Thành công bất ngờ của Nguyễn Long khiến đại diện của RIM phải cất công từ Canada qua gặp cậu. Long nhanh chóng được RIM mời tham gia trong nhóm phát triển ứng dụng của họ, cũng như tham dự nhiều sự kiện trên toàn thế giới.
SayIt trong vài tháng đầu có doanh thu tới hàng trăm triệu đồng. Sau 2 năm, phần mềm này vẫn nằm trong top các ứng dụng được tải nhiều nhất trên BlackBerry. Ngoài SayIt, Long còn sở hữu hàng chục tiện ích khác, trong đó có những phần mềm lọt vào top “ăn khách”.
Giống như Hà Đông, Nguyễn Long cũng là một lập trình viên độc lập. Thành công của Long là do nắm bắt được nhu cầu người dùng. Khi đó, Apple ra mắt iPhone 4S với phần mềm Siri đình đám, trong khi người dùng BlackBerry lại thiếu một ứng dụng nhận diện giọng nói. SayIt đáp ứng nhu cầu đó và với giới doanh nhân, những người dùng BlackBerry và sẵn sàng bỏ tiền ra mua chúng, đây là một tiện ích tốt.