Cần những chính sách thúc đẩy vốn đầu tư phát triển điện khí LNG

Google News

Để nguồn cung điện ổn định đáp ứng nhu cầu phát triển và tận dụng được tiềm năng điện khí, Việt Nam cần những chính sách thúc đẩy đầu tư các dự án khai thác mỏ, cơ sở hạ tầng khí…

Can nhung chinh sach thuc day von dau tu phat trien dien khi LNG
 Toàn cảnh diễn đàn.
Tại diễn đàn “Tiềm năng phát triển thị trường điện khí tại Việt Nam” diễn ra tại Hà Nội sáng 14/12, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển điện khí LNG nhưng hiện còn nhiều khó khăn, thách thức.
Tại diễn đàn, ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, cho biết Nghị Quyết số 55 của Bộ Chính trị ngày 11/2/2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đưa ra nhiệm vụ phát triển công nghiệp khí “Ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ khí hóa lỏng”, “Chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng khí hóa lỏng, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống.
Theo Quy hoạch điện 8, đến năm 2030, nguồn nhiệt điện khí sẽ chiếm tới 24,8% tổng công suất toàn hệ thống phát điện, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện; nhiệt điện than chiếm tỷ trọng 20%, thủy điện 19,5%, điện gió trên bờ và ngoài khơi 18,5%.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, nhận định điện khí LNG có rất nhiều tiềm năng thu hút đầu tư nhưng thách thức cũng không nhỏ. Hiện nay, cả nước có 13 dự án điện LNG đã được Thủ tướng phê duyệt trong danh mục các dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện tại Quyết định 500/QĐ-TTg.
Đây là một trong các nguồn giúp bảo đảm cung cấp đủ, ổn định và an toàn hệ thống điện quốc gia nhưng hiện nguồn cung và giá khí hóa lỏng hoàn toàn phụ thuộc nhập khẩu từ thị trường thế giới do Việt Nam vẫn chưa có khả năng sản xuất và cung ứng LNG. Như vậy, phát triển nhiệt điện khí của Việt Nam trong tương lai sẽ không thể chủ động mà phụ thuộc lớn vào nguồn LNG nhập.
Bên cạnh đó, giá thành điện khí LNG vẫn cao do nguyên liệu đầu vào cho sản xuất điện phụ thuộc giá nhập khẩu và đặc biệt cao khi giá LNG tăng cao sẽ tác động đến giá thành sản xuất điện tại Việt Nam. Đây sẽ là khó khăn khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ký các hợp đồng mua bán điện (PPA) với các chủ đầu tự do. "Tập đoàn này sẽ phải mua đắt bán rẻ theo giá chỉ đạo của Chính phủ", PGS.TS Thịnh nhấn mạnh.
Hơn nữa, việc phát triển điện khí LNG cũng gặp thách thức do Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong xây dựng, vận hành các dự án kho cảng LNG và chuỗi dự án điện khí sử dụng LNG. Việc tìm kiếm địa điểm phù hợp, xây dựng kho cảng chứa LNG đã là một khó khăn do yêu cầu về tiếp nhận LNG và đảm bảo an toàn trong vận hành các cảng, kho LNG.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng nhấn mạnh, Việt Nam còn thiếu các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về thiết kế, xây dựng, vận chuyển và vận hành, bảo trì kho cảng nhập khẩu khí LNG... Hạ tầng phát triển điện khí LNG cần một lượng vốn đầu tư lớn, với các quy trình xây dựng và chất lượng cực kỳ nghiêm ngặt cũng là một khó khăn lớn với điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Để đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng kỹ thuật, thời hạn xây dựng, tính an toàn, bảo mật của dự án, cần có những chủ đầu tư có nguồn vốn lớn, có kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng cơ sở điện khí LNG.
Hiện Bộ Công Thương vẫn chưa ban hành khung giá phát điện cho các nhà máy điện khí LNG, cơ chế mua bán sản lượng điện sản xuất ra và cơ chế giá cũng khiến nhà đầu tư lo hiệu quả của dự án.
Các chuyên gia cho rằng, để phát triển điện khí LNG, rất cần sự trao đổi, chia sẻ, lắng nghe giữa cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, địa phương, các chuyên gia, nhà nghiên cứu để tiếp tục cụ thể hóa các hành động về chính sách và tổ chức thực hiện nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh khí, bảo đảm cân bằng thị trường, phát triển hạ tầng.
Muốn thu hút nguồn vốn phát triển điện khí LNG theo Quy hoạch điện 8, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng phải giải quyết một số vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng và cơ chế chính sách.
Trước hết, cần quy hoạch đồng bộ, tập trung các dự án kho cảng nhập khẩu LNG để tiết kiệm nguồn lực xã hội, phát triển kinh tế và từ đó thúc đẩy thị trường LNG trong nước phát triển. Việc quy hoạch đồng bộ, ổn định lâu dài kho cảng, cơ sở tái khí hóa lỏng, hệ thống đường ống dẫn, cơ sở phát điện khí là cơ sở để các nhà đầu tư tính toán bỏ vốn đầu tư.
Theo các chuyên gia, Việt Nam cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý làm cơ sở để triển khai xây dựng, sử dụng hạ tầng liên quan đến khí LNG, bao gồm các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về kỹ thuật, thương mại, tài chính cần phải được hoàn thiện.
PV

>> xem thêm

Bình luận(0)