Nghĩ đến hình ảnh "quỳ gối" trong môi trường sư phạm, tôi tin rằng tất cả mọi người, kể cả những người có trí tưởng tượng phong phú đến đâu cũng đều cho rằng đó là việc học trò sẽ quỳ gối để xin lỗi thầy cô giáo hoặc vì vi phạm kỷ luật nên bị thầy cô phạt quỳ để cho nhớ.
Nhưng không. Bất ngờ chưa, đây là câu chuyện ngược đời: Cô giáo phải quỳ xuống xin lỗi phụ huynh học sinh ngay tại trường, trước sự chứng kiến của đông đảo đồng nghiệp và các em học sinh tiểu học.
Cô giáo phải quỳ ấy tên Nhung (trường Tiểu học Bình Chánh, Long An), 1 giáo viên tiểu học, được cho là giáo viên dạy giỏi. Quá trình dạy dỗ học trò, cô đã bắt phạt 1 số em phải quỳ trước lớp. Một số phụ huynh cho rằng, hình thức kỷ luật đó đã khiến con của họ sợ không dám đi học và họ phản ứng bằng cách kéo nhau vào trường buộc ban giám hiệu phải xử lý cô Nhung.
|
Trường Tiểu học Bình Chánh, nơi xảy ra việc giáo viên quỳ xin lỗi phụ huynh. |
Dù cô Nhung đã chân thành xin lỗi, nhưng điều đó vẫn là chưa đủ theo đòi hỏi của họ. Cuối cùng, cô Nhung đã làm 1 việc mà tôi nghĩ trong cơn ác mộng cô cũng chẳng dám nghĩ tới còn đương nhiên, trong tất cả các sách về giáo dục có lẽ chưa từng đề cập đến hành động này: Quỳ gối xin lỗi phụ huynh.
Cần phải nói thêm rằng, việc phạt quỳ học sinh khi các cháu vi phạm kỷ luật hơn chục năm trước là điều thường thấy, và hiện nay đã giảm nhiều ở các phòng học. Việc cô Nhung phạt học sinh quỳ gối dù sao cũng là hình thức kỷ luật không nên có trong môi trường giáo dục hiện nay. Tuy nhiên, lỗi của cô chưa đến mức khiến phụ huynh phải bức xúc vậy. Và việc họ kéo đến trường để buộc cô giáo phải quỳ xuống xin lỗi mình là hành vi vô đạo, không thể chấp nhận được.
Tôi tin là việc phạt quỳ học sinh là điều bất đắc dĩ của cô Nhung. Học sinh phải thế nào cô mới áp dụng hình phạt ấy. Và tôi cũng nghĩ các cháu học sinh kia sẽ chẳng vì sợ hình phạt ấy mà không dám đến lớp. Là giáo viên giỏi, cô Nhung sẽ biết được tâm lý cũng như phản ứng của học trò đến đâu. Rất có thể, cái "sợ quỳ" mà không dám đến lớp chỉ là cái cớ để những đứa trẻ ranh mãnh kia đưa ra để tránh phải đi học.
Là người sinh ra con mình, lẽ ra các bậc phụ huynh phải hiểu tính cách của con. Nếu chúng có bị phạt oan thì cũng cần phải bình tĩnh để đưa ra những cách phản ứng phù hơp. Đó mới là những bậc phụ huynh cần được tôn trọng và phối hợp. Còn với những phụ huynh hổ báo, coi con mình là cục vàng, là tối cao, là bất khả xâm pham, thiết nghĩ cũng cần có những lớp dạy lại tư cách cho họ hoặc nhà trường cần thẳng thắn từ chối nói không, để họ mang con về mà tự dạy lẫn nhau. Có như thế mới giữ được truyền thống "Tôn sư trọng đạo" mà từ xưa tới nay dân tộc ta luôn đề cao, gìn giữ!