Chú ý khi mát xa cho bé

Google News

Massage mang lại rất nhiều lợi ích cho trẻ nhỏ. Khi massage cho bé, chúng ta phải tìm hiểu tâm trạng của bé, không nên massage nếu bé khóc hoặc tỏ vẻ vẻ khó chịu.

Cử nhân Lê Thị Yến Phi – Điều dưỡng bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM) cho biết, massage là sự tiếp xúc trực tiếp lên da, tạo sự kích thích đến cơ quan xúc giác, làm các mạch máu dưới da lưu thông, tạo cảm giác dễ chịu cho bé. Tuy nhiên, chúng ta phải chú ý một số điều sau:

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chuẩn bị dụng cụ:

-Khăn, tã, quần áo sạch sẽ.
-Sữa dưỡng ẩm nhẹ dịu (baby lotion) hay dầu massage tinh khiết (baby oil).

Bảo đảm massage hiệu quả:

-Cần giữ hai bàn tay ấm và sạch. Không để móng tay và mang đồ trang sức vì có thể làm trầy xước da bé.
-Massage trong phòng thoáng và ấm áp.
-Tư thế ngồi massage phải thoải mái.
-Luôn có sự trao đổi bằng mắt với bé và mỉm cười.
-Nói chuyện hoặc hát cho bé nghe, có thể mở nhạc êm dịu để mẹ và bé cùng thư giãn.
-Không nên massage khi trẻ vừa ăn no.
-Không đánh thức bé dậy để massage khi bé đang ngủ.
-Không massage vùng bụng khi rốn chưa rụng.
-Không massage trên vùng da đang bị tổn thương (dị ứng trên da, rôm sảy, hăm lở…)

Lợi ích của massage

Giúp máu lưu thông tốt, các lỗ chân lông thông thoáng, làn da bé mịn màng. Tiêu hóa tốt, ăn ngon miệng và ít táo bón. Làm giảm các nguy cơ bị các bệnh về đường hô hấp như ho, cảm lạnh và viêm nhiễm. Làm các cơ săn chắc, hệ thống xương khớp dẻo dai. Kích thích giúp bé nhanh nhẹn, thích nói chuyện và vui vẻ với mọi người, ít quấy khóc, ngủ sâu và ngon hơn.

Các động tác massage

Khi chuẩn bị massage, hãy đặt bé trên tấm nệm bằng phẳng hoặc có thể đặt bé lên đùi người massage.
Cho bốn hoặc năm giọt dầu baby oil hoặc sữa dưỡng ẩm baby lotion vào lòng bàn tay, xoa đều, sau đó tiến hành massage cho bé. Tiếp tục dùng dầu dưỡng ẩm khi tay khô trong quá trình massage. Không nên dùng quá nhiều dầu hoặc đổ trực tiếp lên da bé. Sau khi massage nên dùng khăn mềm lau khô cho bé.

 

 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

1.Massage mặt (giúp thư giãn cơ mặt)

Động tác thư giãn: Dùng hai ngón cái vuốt từ giữa trán sang hai bên, sau đó vuốt từ chân lông mày sang hai bên.
Động tác nụ cười: Để massage mặt, hãy dùng hai ngón cái tạo một nụ cười ở môi trên, sau đó ở môi dưới của bé.

2. Massage tay (giúp giảm sự căng cơ và làm khỏe các cơ bắp)

Động tác vắt sữa bò: Tay phải giữ cổ tay bé, tay trái vuốt từ trên xuống cánh tay, lần lượt thay đổi tay.
Động tác nắn bóp, xoắn nhẹ: Dùng hai tay nắng bóp nhẹ tay bé sau đó xoắn nhẹ nhàng.
Động tác lăn se: Kẹp cánh tay bé vào giữa hai bàn tay, lăn qua lăn lại từ dưới lên.
Động tác xoắn ốc: Dùng ngón tay cái xoay hình ốc trong lòng bàn tay bé.
Động tác lắc vuốt ngón tay: Cầm từ gốc ngón tay bé lắc nhẹ sau đó vuốt từng ngón ra.

3. Massage ngực (điều hòa phổi và tim, giúp phổi và tim đập nhịp nhàng)

Động tác cánh bướm: Đặt hai tay giữa ngực bé, rồi từ từ vuốt ra hai bên bả vai của bé.
Động tác chữ thập: Kéo tay từ phía bả vai bên này của bé sang phía sườn bên kia, hai tay luân phiên cho cả hai bên.

4. Massage bụng (giúp điều hòa hệ thống đường ruột và giảm chứng táo bón. Không được massage vùng bụng khi rốn chưa rụng)

Động tác mặt trời, mặt trăng: Dùng cạnh bàn tay vuốt nhẹ từ phần bụng trên của bé xuống dưới và lần lượt đổi tay.
Động tác xoay tròn: Dùng các ngón tay xoay tròn bụng bé theo chiều kim đồng hồ.
Động tác I love you: “I”- dùng tay phải vuốt nhẹ lần theo hình chữ I trên bụng trái của bé (phía bên phải của bạn). “Love” – Giật lùi tay và đưa ngang từ trái sang phải theo hình chữ L. “You” – Tạo một vòng cung hướng lên hình chữ U, kéo xuống sang hướng từ trái sang phải. Trong khi thực hiện động tác này, hãy thì thầm với bé một cách âu yếm: “Mẹ yêu con”.
Động tác đi bộ: Tưởng tượng các ngón tay là những ngón chân đang rón rén đi từ trái sang phải bụng bé theo hình vòng cung. Dùng toàn bộ các ngón tay nhẹ nhàng chuyển động như chúng đang đi.

5. Massage lưng (giúp phát triển những cơ bắp hỗ trợ cho xương sống)

Động tác lên xuống: Để hai bàn tay trên lưng bé xoa nhẹ nhàng lên xuống theo chiều ngược nhau. Xoa từ lưng xuống mông sau đó xoa dần lên vai.
Động tác mở sách: Dùng hai bàn tay vuốt từ lưng ra hai phía bả vai.
Động tác xoắc ốc: Dùng hai ngón tay cái day theo hình xoắn ốc dọc theo hai bên cột sống của bé.

6. Massage chân (giúp cơ bắp và xương của bé khỏe mạnh đồng thời tăng cường sự năng động)
Thực hiện những động tác tương tự như massage tay.

7. Thư giãn

Động tác gấp tay vào, mở tay ra: Gấp mở đôi cánh tay ra, làm đều đặn, từ từ và liên tục.
Động tác co duỗi chân: Co duỗi chân bé liên tục khoảng năm lần.

Theo PNO

Bình luận(0)