"Thành phố ngủ gật": Ranh giới “thiện” - “ác” khó phân định

Google News

"Thành phố ngủ gật" (Drowsy City) - bộ phim điện ảnh được đánh giá là đen tối và ám ảnh bậc nhất điện ảnh Việt chính thức công chiếu từ thứ 6, ngày 13/10.

>>> Mời quý độc giả xem trailer phim "Thành phố ngủ gật" của đạo diễn Lương Đình Dũng. Nguồn ĐPCC:
Thành phố ngủ gật là một bộ phim tâm lý giật gân mà có lẽ những ai không vững về tâm lý hoặc không quen với những bộ phim “nặng đô” không nên thử vì phim chắc chắn sẽ để lại sự ám ảnh. Phim thể hiện những biến chuyển có phần biến thái và méo mó trong suy nghĩ, ánh mắt, hành động của con người khi họ trở nên độc ác, đen tối. Trước đó, bộ phim đã khiến khán giả và ban giám khảo quốc tế sốc vì mức độ chân thật, rùng rợn và ám ảnh nó để lại trong tâm trí người xem.
 "Thành phố ngủ gật" ấn định ngày ra rạp vào 13/10. Ảnh: ĐPCC
Nam chính - một thanh niên 26 tuổi - làm một công việc lao động tay chân. Anh ta không có gì đặc biệt hay nổi trội, chỉ đơn giản là một người rất bình thường trong cuộc sống, một người mà có thể được bắt gặp ở bất cứ đâu. Không ai biết tên của anh ta, mà thực ra cũng chưa từng có ai quan tâm đến sự hiện diện hay tên tuổi, xuất thân của anh ta. Cuộc sống của anh ta là vòng luẩn quẩn của làm gà, nuôi gà, máu và những lời khinh miệt.
Mọi thứ bắt đầu thay đổi và hoàn toàn đảo lộn khi trong khu nhà xuất hiện ba tên giang hồ và một cô gái trẻ "bán hoa". Chúng mang tới bạo lực, bắt nạt, dục tính và khơi gợi trong người thanh niên một mặt tối ẩn mình sâu bên trong mà có lẽ chính anh ta cũng không biết nó vốn tồn tại. Từ đây, nam chính và những nhân vật này cùng bước vào một vòng xoáy của sự đánh đập, bắt nạt, tàn bạo không lối thoát.
Thể loại phim của Thành phố ngủ gật được xếp vào hàng “độc”, “lạ” của điện ảnh Việt – khai thác một chủ đề khó nhằn mà để thể hiện thành công thì lại càng khó vì tâm lý luôn là một thứ gì đó rất khó để lột tả bằng lời. Bộ phim khá “kiệm thoại”, nam chính cả phim chỉ có 4,5 câu thoại, tất cả sự biến chuyển trong suy nghĩ đều được thể hiện bằng ánh mắt, hành động và đặc biệt qua từng góc quay, cú cắt máy, chuyển cảnh có ý đồ nghệ thuật rõ ràng, mang nặng hàm ý ẩn dụ nghệ thuật mà có lẽ người xem phải có một sự chiêm nghiệm nhất định.
 Đạo diễn Lương Đình Dũng và nam chính của phim. Ảnh: ĐPCC
Bộ phim để lại cho người xem một câu hỏi khó trả lời: Cái ác bắt nguồn từ đâu và rốt cuộc nhân vật chính là người xấu hay người tốt. Đây là một câu hỏi không có đáp án bởi mỗi khán giả với một quan điểm khác nhau khi xem phim sẽ cảm nhận khác.
Sự chuyển biến tâm lý nhân vật từ một cậu trai “vô hại” sang một con người “tàn ác” được dẫn dắt một cách khéo léo với một nhịp độ hợp lý. Cái thiện và ác khó để phân biệt rạch ròi mà quấn lấy nhau trong từng quyết định của nhân vật. Sự thay đổi không phải chỉ diễn ra trong một khoảnh khắc mà nó là cả một quá trình “dồn nén” và “bùng nổ”. Trong suốt phần đầu phim có nhiều chi tiết cần đến sự tinh tế của người xem để nhận ra được những cài cắm của đạo diễn, những “gợi ý” về cái bất thường đối lập tiềm tàng trong một nhân vật bình thường.
Ví dụ như việc nam chính luôn nằm trong cái chậu tắm theo tư thế em bé, cho thấy anh ta là một người cô độc đang tìm kiếm chút ít ấm áp, bao bọc ở đâu đó mặc dù cái chậu lại cũng chính là dụng cụ để anh ta mổ gà hàng ngày. Giống như một kẻ mồ côi. Hay việc nam chính có một thú vui kì quặc là phóng phi tiêu vào con ma-nơ-canh gắn đầy lông gà ở góc nhà như cách thức để anh ta giải tỏa những khó chịu, ức chế trong người.
Anh ta giết gà không ghê tay nhưng ngược lại vẫn nuôi gà và nâng niu những chú gà con. Những con gà trở thành nỗi ám ảnh của nhân vật chính, ảnh hưởng tới suy nghĩ. Vì thế, cách tra tấn của anh ta cũng cực tàn độc và mang dấu ấn chính công việc hằng ngày của anh - mổ gà.
 Phim ít lời thoại mà tập trung vào hình ảnh. Ảnh: ĐPCC
Có một chi tiết không thể bỏ qua là những cơn mưa lớn và nước. Có rất nhiều cảnh mưa trong phim và tất cả đều là mưa to, mưa như trút nước. Nam chính thường thích tắm dưới mưa, bất kể là ngày hay đêm, nó giống như một sự gột rửa mà anh luôn tìm về để làm sạch lại chính bản thân. Sau mỗi lần bị tra tấn, anh ta thường tìm đến nước để vỗ về nỗi đau trong mình, nằm tắm mưa để cơ thể được tiếp xúc trực tiếp với những giọt nước rơi mạnh vào da thịt như để rửa sạch mọi đau đớn và làm anh ta tỉnh, như một cách kìm hãm cái ác đã muốn bùng lên.
Nhưng đến cuối cùng, khi lựa chọn để cái ác chiếm lấy hành động của mình, cơn mưa cũng không còn đủ trong trẻo để giúp anh ta nữa. Hình ảnh nam chính ngửa mặt đi dưới mưa, một cơn mưa to trắng xóa trời nhưng nước rơi vào mặt cậu ta lại từ trắng chuyển dần sang đen. Đó cũng là sự xác nhận và chấp nhận rằng bản thân đã nhúng tràm, đôi bàn tay đã nhuốm cái ác và sự lương thiện cũng đã bị vẩn đục không thể quay đầu.
Rất dễ dàng để nhận ra Thành phố ngủ gật theo phong cách kể chuyện bằng hình ảnh thay vì dùng thoại. Các nhân vật trong phim hầu như không nói nhiều, lại càng ít giao tiếp với nhau. Những gì họ nói chỉ là những câu ra lệnh, mắng nhiếc, khinh thường. Phim không dùng nhiều thoại để thể hiện câu chuyện mà thay vào đó là hình ảnh. Mỗi góc máy, cú cắt cảnh, chi tiết trong phim đều có ý đồ gì đó của đạo diễn.
Một cảnh trong phim "Thành phố ngủ gật". Ảnh: ĐPCC
Bên cạnh sự thể hiện của các nhân vật chính, có hai nhân vật “đặc biệt” xuất hiện với tần suất không kém cạnh mang đầy tính ẩn dụ chính là “thành phố” và những “con gà”. Thành phố lúc nào cũng ồn ào, đông đúc tấp nập nhưng những con người sống ở đó thì lại không hề có một sự liên kết nào, mọi người cô đơn trong chính thế giới riêng mình, không ai biết ai, cũng chẳng quan tâm hay thể hiện lòng đồng cảm. Một sự đối lập chân thực mà từ đó làm rõ nét được sự xa cách đến cùng cực trong thế giới của con người - vốn được xem là thông minh, có tri thức và đa dạng giác quan, tình cảm.
Về những “con gà”, chúng xuất hiện xuyên suốt từ đầu đến cuối phim. Chúng vô hại, không có khả năng tác động nhưng chúng lại chính là sự ẩn dụ cho chính con người trong phim. Con người cũng không khá hơn chúng là bao, cũng yếu đuối, dễ bị tổn thương, cũng dễ bị mắc bẫy và trói buộc. Những điều xảy đến với con gà như một sự tất yếu của chuỗi tự nhiên lại dường như báo hiệu cho những điều tương tự sẽ xảy đến với con người ở đây, do chính con người sử dụng để đối xử với đồng loại của mình.
Thành phố ngủ gật không di chuyển bối cảnh quá nhiều, chủ yếu mọi tình tiết và tiến triển đều diễn ra trong một khu nhà bỏ hoang xập xệ, tối tăm. Điều này càng góp phần tạo nên cảm giác ngột ngạt, khó thở, có đôi lúc rất tù túng. Các góc quay và bối cảnh được đạo diễn vận dụng hết sức để “khóa chặt” người xem trong không gian chật hẹp, đầy đen tối và đó cũng chính xác là những gì nhân vật trong phim đang phải trải qua. Không chỉ nam chính mà cả khán giả dường như cũng “phát điên” và muốn được giải tỏa sự khó chịu, ức chế trong người.
Dán nhãn 18+, phim Thành phố ngủ gật của đạo diễn Lương Đình Dũng có nhiều phân đoạn “nặng nề - đen tối” cùng cực đối với người xem và chắc chắn sẽ tạo nên loạt phản ứng đa chiều từ khán giả. Phim chính thức khởi chiếu tại các cụm rạp vào thứ 6 ngày 13/10.
Hồng Khoa

>> xem thêm

Bình luận(0)