Bộ Quy tắc ứng xử là cơ sở để "phong sát" nghệ sĩ ứng xử thiếu chuẩn mực?
Thời gian qua, việc nhiều cái tên đình đám của làng sao Hoa ngữ bị “phong sát” (cấm không cho nghệ sĩ tiếp tục tham gia nghệ thuật và xuất hiện trước công chúng – PV) đã tác động không nhỏ đến đời sống nghệ thuật. Nhiều khán giả Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn làng giải trí Việt có những biện pháp thanh lọc để trả lại sự trong sạch cho giới nghệ sĩ. Nhất là khi showbiz Việt đang bát nháo với quá nhiều sự việc lùm xùm.
Và mới đây, thông tin Bộ VHTT&DL tổ chức biên soạn thành công Bộ Quy tắc ứng xử dành cho giới nghệ sĩ được rò rỉ đã khiến nhiều người tin rằng, làng giải trí Việt cũng sắp có những “lệnh phong sát” để thanh lọc sao Việt dính quá nhiều lùm xùm, có ứng xử thiếu chuẩn mực, thiếu văn hoá.
|
Sự việc lùm xùm của ca sĩ Jack (Trịnh Trần Phương Tuấn) cách đây không lâu cũng được xem là minh chứng của ứng xử thiếu chuẩn mực. Ảnh: TL. |
Tuy nhiên, trao đổi với Dân Việt, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết, Bộ Quy tắc này được thực hiện dựa trên đề nghị của Cục Nghệ thuật biểu diễn. Mục đích của Bộ Quy tắc ứng xử này là nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, chuẩn mực đạo đức của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
“Bộ Quy tắc ứng xử này không phải quy phạm pháp luật nhưng sẽ là một cái khung để những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật phải biết tiết chế hành vi ứng xử (phát ngôn, tác phong, lối sống, trang phục) của mình lại. Dựa trên Bộ Quy tắc này, các bộ, ban, ngành, hội sẽ có các quy tắc riêng, các định chế riêng để đưa các hội viên vào khuôn khổ.
Phạm vi áp dụng của Bộ Quy tắc này là đối với tất cả những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, bao gồm cả hoạt động tự do và biên chế ở các đơn vị nghệ thuật. Bộ Quy tắc này cũng áp dụng cho tất cả các hành vi ứng xử của người hoạt động nghệ thuật trong hoạt động nghề nghiệp, khi tham gia hoạt động báo chí, truyền thông, mạng xã hội và các hoạt động cộng đồng khác”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.
Như vậy, có thể hiểu, Bộ Quy tắc ứng xử này không đưa ra các chế tài xử phạt nhưng sẽ là một “tiêu chí cứng” để các ban ngành và hội nghề nghiệp dựa vào đó mà đưa ra các chế định hoặc quy tắc hoạt động nhằm “thiết lập” lại văn hoá ứng xử đối với các hội viên là những người tham gia nghệ thuật.
Theo nguồn tin riêng của Dân Việt, Bộ Quy tắc ứng xử này đã được biên soạn từ hồi tháng 4/2021 và lấy ý kiến đóng góp từ các chuyên gia cũng như nhà quản lý từ tháng 8/2021. Tuy nhiên, cho đến nay, ban biên soạn vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và cân nhắc thêm một số điều trước khi ban hành rộng rãi.
Theo đó, Bộ Quy tắc ứng xử này dự kiến sẽ có 5 điều ứng với 5 quy tắc ứng xử: Quy tắc ứng xử trong hoạt động nghề nghiệp; Quy tắc ứng xử đối với đồng nghiệp; Quy tắc ứng xử đối với công chúng, khán giả; Quy tắc ứng xử trong công tác xã hội và Quy tắc ứng xử trên báo chí, truyền thông và mạng xã hội.
Một trong những yêu cầu chung của các quy tắc này là giữ gìn đạo đức, hình ảnh, tác phong, uy tín của người hoạt động nghệ thuật phù hợp với giá trị, chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam và pháp luật của Nhà nước. Không làm tổn hại uy tín của tập thể, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác. Đề cao trách nhiệm cá nhân, chọn lọc, tiếp nhận thông tin và xử lý thông tin văn minh, hiệu quả.
Cần phải sớm thanh lọc và thiết lập lại trật tự trong làng giải trí Việt
Chia sẻ với Dân Việt, ông Trần Hướng Dương –Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho rằng, việc ban hành một Bộ Quy tắc ứng xử cho giới nghệ sĩ là vô cùng cần thiết. Nhất là thời gian qua, làng giải trí Việt có quá nhiều sự việc lùm xùm, gây ảnh hưởng không đó đến lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và gây xói mòn lòng tin của công chúng đối với nghệ sĩ. Bộ Quy tắc ứng xử này sẽ đưa ra những chuẩn mực để các hội chính trị, nghề nghiệp, xã hội... dựa vào đó mà đề ra các quy tắc riêng. Từ đó, sẽ có các biện pháp thanh lọc để nghệ sĩ biết nâng cao ý thức của mình trong hành xử hàng ngày và trong quá trình làm nghề.
NSND Lan Hương cũng cho rằng, Bộ Quy tắc ứng xử mà Bộ VHTT&DL đang hoàn thiện chính là mong mỏi của nhiều nghệ sĩ chân chính khi chứng kiến sự bát nháo của làng giải trí. Bản thân chị và nhiều đồng nghiệp từng “lắc đầu ngao ngán” trước hàng loạt vụ việc ồn ào liên quan đến ứng xử của những người tự xưng là người của công chúng. Và chị cũng cảm thấy bức xúc khi nhiều người bị công chúng phản đối kịch liệt vẫn không có dấu hiệu “ăn năn hối cải”, điều chỉnh lại hành vi ứng xử và phát ngôn. Nữ nghệ sĩ mong Bộ Quy tắc ứng xử này sớm được ban hành để góp phần thiết lập lại trật tự trong giới nghệ sĩ.
Đồng quan điểm, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực, Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội cho rằng, trong thời gian vừa qua, công chúng chứng kiến khá nhiều hành vi ứng xử lệch chuẩn, không phù hợp của các nghệ sĩ, đặc biệt là trên mạng xã hội. Vì vậy, việc Bộ VHTT&DL đưa ra Bộ quy tắc ứng xử cho nghệ sĩ là cần thiết.
"Nghệ sĩ là người của công chúng nên những hành vi của họ trên mạng xã hội và cả ngoài đời thực có ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ, lối sống của công chúng. Vì thế, xã hội trông chờ rất nhiều vào những hành vi đúng đắn, suy nghĩ cẩn trọng, chia sẻ có trách nhiệm của nghệ sĩ trên mạng và ngoài đời thực. Theo tôi, đó là một trong những lý do quan trọng nhất để chúng ta cần có một Bộ Quy tắc ứng xử cho nghệ sĩ, đặc biệt trong giai đoạn đất nước đang chịu nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19 và chúng ta đang rất cần những ứng xử có trách nhiệm của mỗi người, trong đó có các nghệ sĩ, đối với cộng đồng và xã hội", PGS Bùi Hoài Sơn bày tỏ.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, thực tế, chúng ta cũng đã có kinh nghiệm nhất định từ Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, trong đó đề cao nguyên tắc "Trách nhiệm, Tôn trọng, Lành mạnh, An toàn". Việc ban hành quy chế này đã có những tác dụng nhất định làm cơ sở định hướng hành vi và đánh giá trên mạng xã hội.
"Tôi nghĩ, VHTT&DL cũng có thể tham khảo cách làm này để cụ thể hóa, phù hợp với đối tượng cụ thể là các nghệ sĩ. Bộ Quy tắc ứng xử cần dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện, khả thi và phù hợp. Ở các nước, việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử là nhiệm vụ của các hiệp hội nghề nghiệp, phù hợp với bản chất các Bộ Quy tắc, không mang tính chế tài chặt chẽ, nhưng lại giúp đánh giá hành vi đạo đức của mỗi người, từ đó xác định uy tín nghề nghiệp và thương hiệu cá nhân.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, khi các cơ quan quản lý Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc định hướng xã hội thì việc Bộ Thông tin và Truyền thông trước đây, hay Bộ VHTT&DL hiện nay ban hành bộ quy tắc ứng xử cũng là hợp lý", PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ thêm.