Khoảng sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, một cựu binh Pháp tên Rơ-nê Lơ-roi (René Leroi) gọi là Tây La-ra xuất hiện tại làng Bình Đại (Bến Tre). Hắn ở đợ giữ 500 mẫu rừng cho quan kinh lý Cơ-rít-xtốp (Christophe) (Ký Tốt). Ít lâu sau, Ký Tốt cho La-ra sở hữu rừng và khuyên ở lại làm ăn. Hắn nghĩ phận nghèo, vừa dốt, về Pháp khó sống, nên nghe lời. Hắn cất nhà ngoài cồn Rạch Ông và lấy vợ là một tiểu thương người Việt ở Gò Công qua lại Bình Đại, tên là Võ Thị Khánh. Họ sinh 4 con, 2 trai, 2 gái. Vì trong nhà có 4 người con nuôi rồi nên gia đình xếp tiếp theo số và gọi theo cách của bà con Nam Bộ: Năm Len, Sáu Sên, Bảy On, Tám Phu-lin.
Bảy On (Léon Leroy) sinh năm 1920, 15 tuổi On đi Sài Gòn học. Năm 1935, On học Trường Sát-xơ-lu Lô-ba (Chassloup Laubat) đến năm 1938, sau đó được gọi nhập ngũ. On học Trường Tổng trù bị ở miền Bắc Việt Nam, ra trường năm 1940 với lon chuẩn úy. Hắn mang dòng máu Tây lai ngang tàng, hung dữ, tôn thờ Tổng thống Pháp Đờ-gôn.
|
Léon Leroy (Bảy On). Ảnh: N.M.H. (Chụp lại từ ảnh tư liệu của ông Lê Quang Trò (Chín Quang), nguyên Bí thư Huyện ủy Bình Đại). |
Tháng 9/1940, Pháp rước Nhật vào Việt Nam và xáo trộn quân đội lung tung. Năm 1941, On bị đổi ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Stung treng, Xiêm Riệp. Năm 1942, On trở ra Quảng Yên. Năm 1943, On ở Long Thành. Năm 1944, ở Lai Châu.
Tháng 3/1945, Nhật đảo chính Pháp, On trốn về Chợ Lớn và bị Nhật bắt.
Tháng 8/1945, Việt Nam giành chính quyền trong cả nước từ tay quân Nhật. Chính quyền ta nhân đạo thả binh lính Pháp, trong đó có On.
Ngày 23/9/1945, On lôi kéo bọn người Việt côn đồ và Tây lai giải tỏa đánh ta rất ác liệt, đặc biệt tại Thị Nghè, Bến Nghé, Hóc Môn, Bà Điểm...
Tháng 12/1945, On trực tiếp chỉ huy đánh chiếm đường Sài Gòn-Hậu Giang. On còn lùng sục giết hại nhiều người ở Cầu Quay, Chợ Cũ, Bến Tắm Ngựa (Mỹ Tho). Ở Cần Thơ, hắn cùng đồng bọn tàn sát đồng bào quanh thành phố và các huyện: Ô Môn, Cái Vồn, Bình Thủy, Phụng Hiệp...
Tháng 1/1946, On, Tắc Kê, Lux, Xếp Vân về Mỹ Tho tổ chức các đội quân tân binh khát máu ở Cầu Quay, Chợ Cũ, Bến Tắm Ngựa... mua chuộc, dọa dẫm, áp bức người vãng lai làm do thám, chuẩn bị đánh Bình Đại-An Hóa.
Tháng 2/1946 đến tháng 6/1947, On đánh bật chính quyền cấp xã và huyện An Hóa. On chiếm Tân Thới, Gò Công. Tháng 7/1947, Pháp phong On lên thiếu úy và ủng hộ On lập đội quân đông đảo bảo vệ đạo thiên chúa (UMDC). Bảo Đại căm ghét On. Nhưng Pháp vuốt ve On. Tháng 12/1947, On có tới 10 đội biệt kích (UMDC) với một bầy ác thú hoạt động khắp Nam Bộ.
Tháng 4/1949, Công an huyện An Hóa bắn On gãy chân tại Quới Sơn, On phải về Pháp điều trị dài ngày.
Tháng 12/1949, Pháp phong On lên hàm đại tá, kiêm tỉnh trưởng Bến Tre. Những năm 1950-1952, On đem vợ đầm và hài cốt của cha từ Pháp về chôn tại xã Xoài Bông (Bình Đại) và cho xây Kim tĩnh sẵn cho y, với hăm dọa ngầm "quê ta đây, sinh tử tại đây, đừng hòng phá hoại".
Ngày 1/12/1952, Bộ Tổng tham mưu quân đội bù nhìn chính thức ra đời. Bảo Đại ký lệnh công nhận quân UMDC vào quân quốc gia, bất chấp sự hằn học của tên On.
Tháng 12/1952, Bảo Đại làm cho tên côn đồ On vui lòng: Phong chức trưởng khu Mỹ Tho-Gò Công-Bến Tre cho y.
Ngày 10/4/1953, On bất mãn, bỏ nhiệm sở lên Sài Gòn vì không chịu dưới quyền tướng Nguyễn Văn Hinh. Sau đó y bỏ về Pháp.
Năm 1955, Pháp phái tên On trở lại Sài Gòn để kinh doanh rừng Võ Đức (Biên Hòa), mưu đồ quy tụ đàn em (UMDC) tản lạc, hậu thuẫn cho tên Bảy Viễn giành quyền với Ngô Đình Diệm. On và bầy bất lương bị Diệm cho một đòn trí mạng phải bỏ chạy nhục nhã về Pháp.
Thập niên 1960, On xuất hiện ở An-giê-ri với hàm thiếu tướng. Cách mạng An-giê-ri thành công, On chuồn mất dạng. Có tin đồn On bị dân An-giê-ri dùng búa bửa củi chẻ tét đầu vì là tên đao phủ khét tiếng ở Việt Nam.
Thời kỳ On làm tên đồ tể, hắn uống máu, ăn gan những người yêu nước và đồng bào ta vô tội. Tội ác của y không sử sách nào ghi nổi. Đặc biệt ở Nam Bộ: Bến Tre, Mỹ Tho, Quảng Ngãi, Gò Công, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Long An, Rạch Giá, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Cà Mau đều có dấu bàn tay tội ác của Bảy On.
Những vụ đặc biệt điển hình: Ở Châu Hưng, bọn lính của Bảy On bắt anh Phương, một trí thức trẻ phải ngồi coi chúng thay nhau hãm hiếp chị Hai Én, người chúng tình nghi vợ Việt minh. Anh Phương phản ứng, chúng bắn anh ngay trước mặt chị Én. Chúng mổ bụng dồn trấu anh Khiêm, anh Biền (1946) ở Bình Đại. Chúng mổ bụng anh Quân ở đường Trần Văn Trác thành phố Mỹ Tho, neo đá ném xuống sông. Tên xã Hoa giết đồng chí Tư Dậu, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến huyện Châu Thành, Bến Tre, chúng mổ bụng, cột đá thả sông cho mất tích (1951). Ông Tư Dậu là cha của Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Thành Trung thời chống Mỹ. Năm 1948, On cho lính dùng chày vồ đập chết 11 người rồi đem đốt xác. Bọn ác quỷ khủng bố xã Phước Thạnh (Châu Thành, Bến Tre), chúng đốt chết 100 người, có nhiều xác chết hết sức thương tâm: Như cô Trần Thị Mỹ Lệ bị đốt cháy rớt tay chân, lòi xương chỏ, xương gối ra ngoài (1946). Trong chiến dịch hữu ngạn sông Ba Lai, tên On mang theo hàng trăm người tù yêu nước, chúng bắn tỉa rải xác khắp vùng (1947). Những năm 1947-1950, tên dã thú On bắt hàng loạt thủy thủ hàng hải và chủ tàu trói ké đạp xuống sông, vùng biển. Chúng đập đầu, chém, bắn hơn 20 đồng bào yêu nước đem vùi lấp xuống bãi biển Tân Thành-Vàm Láng, Gò Công. Hằng ngày, chúng chém, bắn từng người, từng nhóm bà con không thể thống kê hết.
Từ năm 1946 đến 1951, chúng thực hiện chính sách cực kỳ vô nhân đạo: Giết sạch-đốt sạch-phá sạch! Từng căn nhà lá nhỏ, từng mái chòi nhỏ ngoài đồng ruộng, từng em bé chăn trâu, cắt cỏ ngoài đồng, từng cụ già, từng người dân đi hái rau, quơ củi, cắm câu, giăng lưới, cấy gặt ngoài đồng ruộng... tụi bộ binh, máy bay tự do bắn giết, đốt phá sạch, kể cả trâu bò, chó, gà, vịt...
Từ năm 1946 đến 1949, chúng thực hiện hàng trăm vụ ném bom hủy diệt, bắn giết hàng trăm đồng bào vô tội.
Năm 1946, hai máy bay bắn chết 7 người. Năm 1947, chúng bắn vào nhà thương chết 17 người. Năm 1949, chúng ném 6 loạt bom lớn tại xã Minh Đức, làm chết 12 người, phá hủy hoàn toàn 6 ngôi nhà, một gia đình chết cả 6 người, bị thương 9 người. Chúng giết 373 người ở Tân Định, Giồng Kiến, Bình Huề, Bình Thạnh, Cồn Thùng, Hữu Định, Cầu Hòa. Đặc biệt, chúng ném nhiều loạt bom đìa, bom giây cướp 124 sinh mạng đồng bào Phước Thạnh cực kỳ đau thương.
Sau ngày nước nhà thống nhất, nhiều địa phương xây nghĩa trang, nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và đồng bào yêu nước hy sinh. Việc đó có ý nghĩa sâu sắc. Theo tôi, những nơi giặc gây tội ác lớn ta nên xây dựng bia căm thù để các thế hệ mai sau hiểu được giá trị của độc lập, tự do và thống nhất đất nước.