Thiên tài tình báo này đã lấy những thông tin tuyệt mật của Anh trao cho Liên Xô. Cơ quan tình báo MI6 của Anh chỉ phát hiện ra bí mật kinh hoàng trên vào năm 1963. Tuy nhiên, trong thời gian 20 năm ở MI6 là quá đủ để Kim Philby thăng tiến lên những chức vụ cao hơn trong sự nghiệp tình báo và có cơ hội tiếp cận với những tài liệu mật và trao chúng cho cơ quan tình báo của Liên Xô.
Là một trong những điệp viên lừng danh mọi thời đại, Kim Philby (tên thật là Harold Adrian Russel Philby) đã trở thành nhân vật huyền thoại, một "thiên tài tình báo" được giới truyền thông hết lời ca ngợi. Trong thời gian làm lãnh đạo của tình báo hoàng gia Anh, Kim Philby cũng đảm nhiệm vai trò đảng viên đảng Cộng sản và là điệp viên xuất sắc của Liên Xô.
Sinh trưởng trong một gia đình viên chức Anh, Kim Philby đã theo học tại Trường Trinity thuộc Đại học Cambridge năm 1929. Đến năm 1933, ông đã hợp tác với cơ quan tình báo Liên Xô. Sau khi tốt nghiệp đại học, Kim Philby đến làm việc tại tờ The Times và từng là phóng viên thường trú của báo này tại Tây Ban Nha trong thời gian diễn ra cuộc nội chiến. Cũng trong thời gian này, Kim Philby thực hiện những điệp vụ mà cơ quan tình báo Liên Xô tin tưởng giao cho.
Năm 1940, Kim Philby gia nhập cơ quan phản gián MI6 của Anh. Đến năm sau, ông đã trở thành Phó phòng phản gián của cơ quan tình báo Anh. Sự nghiệp tình báo của ông tiếp tục thăng tiến khi được đưa lên vị trí lãnh đạo Cục 9 SIS vào năm 1944. Vào thời gian đó, ông có nhiệm vụ chuyên theo dõi các hoạt động liên quan tới phong trào cộng sản ở Anh. Năm 1945, nữ hoàng Anh Elizabeth II đã trao tặng Huân chương Đế chế Anh cho Kim Philby.
|
Điệp viên Kim Philby làm điệp viên cho Anh nhưng lại cung cấp tin tình báo cho Liên Xô.
|
Về phía Liên Xô, năm 1947, nhà lãnh đạo Stalin đã ký quyết định trao tặng ông Huân chương Cờ đỏ cho điệp viên Kim Philby.
Cũng từ năm 1947 (cho tới năm 1949), Philby là Trưởng chi nhánh tình báo Anh ở thủ đô Istambul (Thổ Nhĩ Kỳ). Từ năm 1949 tới năm 1951, ông phụ trách bộ phận liên lạc với Washington để thiết lập các mối quan hệ với các lãnh đạo CIA và FBI cũng như phối hợp hành động giữa tình báo Anh và Mỹ trong cuộc chiến chống lại cánh tả.
Năm 1951, khi hai thành viên đầu tiên của nhóm điệp viên người Anh phục vụ cho tình báo Liên Xô "Bộ ngũ Cambridge" là Donald Maclean và Guy Burgess bị lộ, Kim Philby đã cảnh báo họ về mối tai họa đang rình rập và bản thân ông đã bị nghi ngờ. Sau đó, ông đã giúp hai điệp viên trên đào tẩu sang Liên Xô. Đến tháng 11/1952, Kim Philby đã bị cơ quan tình báo Anh MI-5 thẩm vấn do nghi ngờ ông là điệp viên Liên Xô. Tuy nhiên, do không đủ chứng cứ buộc tội, ông đã được trả tự do.
Năm 1955, MI6 đã cho nhân viên tình báo xuất sắc này về hưu "non". Tuy nhiên, đến năm 1956, MI6 lại mời Kim Philby ra làm việc. Sau đó, ông đã chuyển đến Lebanon và trở thành phóng viên cho báo The Observer và The Economist ở khu vực Trung Đông. Vào cuối năm 1962, ông bị nhân viên tình báo MI6 Nicholas Elliot buộc tội là điệp viên hai mang, nhưng Kim Philby không thừa nhận. Những bí mật xung quanh điệp viên lừng danh này vẫn chưa dừng lại ở đó. Trong một buổi tối tham dự một sự kiện tại Đại sứ quán Anh ở Beirut hồi tháng 1/1963, ông đã biến mất một cách bí ẩn và để lại người vợ ngồi một mình tham dự bữa tiệc.
Theo những tài liệu của cơ quan tình báo Anh, MI6 sau đó vẫn hy vọng rằng điệp viên Kim Philby chỉ đơn giản là có thể đã trốn ở nơi nào đó do gặp phải sự cố. Mãi đến năm 1963, giới chức tình báo Anh mới phát hiện ra sự thật khủng khiếp này. Bởi trên thực tế, điệp viên tài ba Kim Philby đã đào thoát sang Liên Xô và sống như người hùng tại quốc gia này cho tới khi qua đời vào năm 1988.