Chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến dịch lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp của quân đội và nhân dân ta. Thắng lợi của Điện Biên, trực tiếp là thắng lợi của các đơn vị chiến đấu trên mặt trận này nhưng cũng có sự đóng góp của nhiều chiến trường khác trong vai trò phối hợp, chia lửa.
Trong không khí kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên lừng lẫy năm châu, chúng tôi tìm đến Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – nguyên tư lệnh Quân khu 4 và là người đã trực tiếp chiến đấu trên một hướng phối hợp với Điện Biên năm xưa là mặt trận Trung - Hạ Lào để nghe ông kể về những ngày tháng hào hùng năm xưa.
Lần đầu tiên thấy pháo
Tướng Thước năm nay đã ngoài 80 nhưng vẫn còn rất khỏe mạnh minh mẫn. Với giọng nói đặc trưng người xứ Nghệ và chất dõng dạc khúc triết của một quân nhân cả đời binh nghiệp, ông chia sẻ: “Hồi ấy tôi là đại đội trưởng của tiểu đoàn 328, trung đoàn 101, đại đoàn 325 chiến đấu ở Bình Trị Thiên”.
|
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước. |
Cuối năm 1953, sau đợt chỉnh huấn chính trị, đại đoàn 325 được lệnh mở chiến dịch Trung - Hạ Lào. Lực lượng của đại đoàn gồm trung đoàn 18 và trung đoàn 101. Trung đoàn 95 do trước đó đã được Bộ điều ra Hà Nam nên không ở trong đội hình đại đoàn. Bù vào đó, Bộ điều trung đoàn 66 của đại đoàn 304 về phối thuộc cho 325.
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2014), Kiến Thức xin gửi tới độc giả loạt bài viết về sự kiện này với những thông tin phong phú, giàu giá trị tham khảo. Loạt bài sẽ được đăng tải liên tục từ ngày 4/5/2014- 8/5/2014. Kính mời độc giả theo dõi, đón đọc.
Đúng sáng ngày 22/12/1954, kỷ niệm thành lập QĐND Việt Nam, đại đoàn 325 nổ súng mở màn chiến dịch. Mục tiêu là cứ điểm do 1 tiểu đoàn lính Algérie cùng 1 đại đội pháo 105 mm đóng ở Khăm He trên đường 12 từ Quảng Bình sang Lào.
Tướng Thước kể lại: “Đúng 5h sáng chúng tôi bắt đầu tấn công, đến 8h sáng thì tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm, diệt toàn bộ lực lượng địch và thu được nhiều chiến lợi phẩm trong đó đặc biệt có 4 khẩu pháo 105 còn nguyên vẹn cùng khoảng 1.000 viên đạn”.
Ông bảo đấy là lần đầu tiên không chỉ ông mà cả đơn vị nhìn thấy một khẩu pháo 105mm. Trước đây khi chiến đấu trên chiến trường, các ông đã nhiều lần thấy sức công phá của pháo 105mm và nghe tiếng nổ đầu nòng của nó nhưng chưa bao giờ được nhìn thấy tận mắt nó ra sao. Chính bởi thế mới dẫn đến một chuyện vui khi thu chiến lợi phẩm.
Trong tiếng cười vui, tướng Thước nói: “Vì thế lúc ấy có một câu chuyện rất vui là sau chiến thắng, trung đoàn trưởng yêu cầu đại đội tôi ra khép càng 1 khẩu pháo lại để đưa về hậu phương mà cả đại đội loay hoay không biết làm sao để xếp được càng pháo lại.
Cuối cùng tôi bảo thôi bây giờ phải đi gọi hàng mấy tàn quân địch. Trung đoàn trưởng lúc bấy giờ là ông Trần Văn Bành bảo tôi: Thôi thế cậu biết tiếng Pháp thì cậu vào gọi hàng. Tôi vào khu rừng xung quanh gọi hàng, khoảng 1 tiếng sau có 4 lính nhận là pháo binh ra hàng. Chúng tôi đưa về, chỉ có 4 người mà thao tác có một loáng là gọn ghẽ”.
Thắng lợi vang dội
Sau trận thắng ở Khăm He, lực lượng đại đoàn 325 gồm trung đoàn 18 và 101 phát triển tiếp theo đường 12 và gặp 1 tiểu đoàn lính đánh thuê Maroc ở Kha Ma. Tiểu đoàn này cũng nhanh chóng bị diệt. Vậy là chỉ trong hai ngày, quân ta đã diệt gọn hai tiểu đoàn. Đây là lần đầu tiên bộ đội Bình Trị Thiên diệt 1 tiểu đoàn địch trong 1 trận đánh.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nhấn mạnh: “Đây là thắng lợi vang dội của chiến trường Bình Trị Thiên vì trong những năm trước đây, nhiều nhất là diệt được 1 đại đội trong 1 trận đánh thôi”.
|
Quân Pháp ở Điện Biên bị bắt làm tù binh. Ảnh tư liệu.
|
Cùng thời gian đó, trung đoàn 66 đại đoàn 304 phát triển trên đường Pa Cuội cũng tiêu diệt được 2 tiểu đoàn địch. Bị thất bại nặng, quân Pháp rút lui về Thà Khẹc lập phòng tuyến trên đường 13 để chống cự. Quân ta tiếp tục tiến về Thà Khẹc. Địch lại không chống nổi nên rút về Sê Nô ở Hạ Lào, bỏ hẳn vùng Trung Lào.
Theo tướng Thước, tại Sê Nô, quân Pháp được tăng cường thêm 8 tiểu đoàn Lê dương, 3 tiểu đoàn dù và 3 tiểu đoàn pháo, nâng tổng số quân Pháp ở chiến trường này lên hơn 20 tiểu đoàn. Ở giai đoạn đầu chiến dịch, đại đoàn 325 đã tiêu diệt được một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng một vùng rộng 40.000 km2 với hàng chục vạn dân gồm toàn bộ tỉnh Khăm Muộn và một số vùng khác.
Bước sang giai đoạn 2, quân ta tiến công xuống Hạ Lào với một mũi thọc sâu do tiểu đoàn 436 của trung đoàn 101 đảm nhiệm. Đơn vị này đã hành quân liền trong 2 tháng từ Nam Đàn – Nghệ An đến Atôpơ – tỉnh cực nam của Lào.
Tiểu đoàn 436 đã tổ chức bao vây thị xã Atôpơ và sau đó tấn công tiêu diệt cứ điểm án ngữ đường vào thị xã. Tưởng có một cánh quân lớn của ta tràn xuống, quân địch trong thị xã liền đốt kho tàng rút lui. Tiểu đoàn 436 lập tức truy kích quân địch. Cho đến tháng 2/1954 tiểu đoàn và lực lượng vũ trang Lào đã kiểm soát toàn bộ cao nguyên Bô Lô Ven trong đó có tỉnh Atôpơ rộng gần 20.000 km2.
Riêng tướng Thước, trong thời gian này ông bị thương trong trận đánh đoàn xe thiết giáp địch cứu viện ở Trung Lào nên bị thương phải nằm lại bệnh viện dã chiến dưỡng thương gần 1 tháng. Sau khi lành vết thương, ông cùng hơn chục đồng chí lại lên đường, tự tìm đường xuống Hạ Lào theo đơn vị chiến đấu.
Đường chiến đấu ở vùng Hạ Lào, gian nan nhất không phải là kẻ địch mà chính là vấn đề thiếu lương thực. Tướng Thước nói: “Ở Trung Lào còn được dân công tải gạo tiếp tế nhưng xuống Hạ Lào thì không còn gì nữa, hàng chục ngày chúng tôi phải chiến đấu trong tình trạng không có gạo dự trữ. Đi đến đâu thì có một bộ phận hậu cần lo liên hệ với dân địa phương để xin gạo cho bộ đội chiến đấu”.
Trong tình trạng như thế, bộ đội ta vẫn không suy giảm ý chí. Không dừng ở Hạ Lào, tiểu đoàn 436 tiếp tục tiến xuống bắc Campuchia phối hợp với bộ đội Itxarắc Campuchia giải phóng Viên Sai, Xiêm Pang.
Vào lúc tiểu đoàn 436 đã chuẩn bị được 120 con bò cùng mấy chục tấn gạo để đón trung đoàn 101 tiến sâu xuống Campuchia thì
Hiệp định Geneve ký kết, các đơn vị của ta được lệnh rút lui.
Nhìn lại cuộc chinh chiến 60 năm trước, tướng Thước đánh giá: “Cái ý nghĩa quan trọng nhất của chiến dịch Trung - Hạ Lào là đã không những kìm chân lực lượng địch ở đây mà còn thu hút và gánh đỡ cho chiến trường chính hơn một chục tiểu đoàn đồng thời cũng thu được một số chiến lợi phẩm quan trọng như pháo 105mm, thiết giáp để đưa lên phục vụ chiến đấu ở Điện Biên Phủ”.