Được tặng quà nhưng không nói lời cảm ơn mà lẳng lặng đợi có dịp sẽ báo đáp; đi nhờ vả, xin xỏ nhưng vẫn cứ nở nụ cười; tỏ ra ta đây hiểu biết nhưng đầu óc lại rỗng tuếch... Đó chỉ là một số trong "muôn hình vạn trạng" biểu hiện "bệnh sĩ" của người Việt được các nhà nghiên cứu chỉ ra.
Biểu hiện của sĩ diện nhan nhản
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ, bất cứ dân tộc nào cũng có sĩ diện. Tuy nhiên, sự sĩ diện này cao hay thấp, có ở mức cực đoan hay không lại tùy thuộc từng nền văn hóa và tùy thuộc từng giai đoạn phát triển của lịch sử.
Vậy, thế nào là sĩ diện? Ông Vỹ cho rằng, đó là việc người ta dùng những vẻ bề ngoài, những thao tác khoa trương trước người khác và dĩ nhiên, cái thao tác đó không phản ánh đúng tính chất con người đó mà chỉ để thỏa mãn sự khoe mẽ mà thôi. Tuy nhiên, ít nhiều điều đó cũng khiến anh khoan khoái. Còn về phía người đối diện thì đầu tiên họ bị nhầm, sau đó phát hiện ra bản chất của anh thì họ bực. Do đó, sự sĩ diện mang tính tiêu cực nhiều hơn.
Theo ThS Thạch Mai Hoàng, Bộ môn Nhân học, Đại học KH-XH&NV thì biểu hiện của thói sĩ này rất đa dạng. Chẳng hạn, đến nhà bạn ăn cơm, đáng ra anh sẽ ăn ba bát như ở nhà nhưng lại chỉ ăn một bát dù trong bụng vẫn đói; cứ tỏ ra ta đây đạo mạo, cái gì cũng biết nhưng thực chất đầu óc lại rỗng tuếch; đi ăn hàng luôn chừa lại một ít đồ ăn thay vì ăn hết... "Những biểu hiện của sĩ diện khiến ta gặp thường xuyên, nhan nhản ở bất cứ nơi đâu và bất cứ tầng lớp nào", ông Vỹ khẳng định.
|
Tranh minh họa. |
Sĩ diện bắt nguồn từ đâu?
Theo ông Vỹ, bản chất từ "sĩ diện" là mang vẻ mẫu của người lý tưởng. Thời phong kiến, theo truyền thống Nho giáo, sĩ quân tử được cho là mẫu người lý tưởng. Họ có học thức, có văn hóa, có đạo đức, lý tưởng, được xã hội mến mộ. Vì thế, họ là mục tiêu để bao người phấn đấu hướng tới. Tuy nhiên, không phải ai cũng trở thành sĩ quân tử. Do đó, nhiều người đã cố tạo cho mình một vỏ bọc theo quy chuẩn của bậc sĩ quân tử để có được "tiếng thơm".
"Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa của sự sĩ diện là bản chất xã hội thiếu sự minh bạch thông tin. Những quy chuẩn của phát triển mập mờ, tạo cho con người dễ đội lốt dưới mọi hình thức trong ứng xử với cộng đồng", ông Vỹ nêu quan điểm.
Nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc lại lý giải ở một góc độ khác. Theo ông, cách đây gần hai thế kỷ, các nhà nghiên cứu Hofstede (Hà Lan) và E.Hall (Mỹ) đã chia các nền văn hóa thành hai loại: Các nền văn hóa dân tộc đặc trưng bởi chủ nghĩa cá nhân (các dân tộc châu Âu và Bắc Mỹ) và các nền văn hóa dân tộc đặc trưng bởi chủ nghĩa tập thể (các dân tộc châu Á, đặc biệt là ở các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam).
Cuối cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, một nhà nghiên cứu Mỹ đã nhận định: Văn hóa Nhật là văn hóa của sự xấu hổ. Đây cũng là nét chung của các nước chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa tập thể, trong đó có Việt Nam. Chính văn hóa xấu hổ đã tạo nên tính sĩ diện.
Lý giải rõ hơn điều này, ông Ngọc nói: Trong một xã hội như phương Tây đặc trưng bởi chủ nghĩa cá nhân, họ được tự do, tùy thích trong việc lựa chọn lối sống mà không nặng nề chuyện xem thái độ của những người xung quanh như thế nào. Bên cạnh đó, đạo Kito có tính chất cá thể. Bất cứ người theo đạo nào có tội mà đi xưng tội, được Đức Cha thay Đức Chúa xá tội cho thì lương tâm họ đã cảm thấy nhẹ nhàng.
Ngược lại, ở những dân tộc đặc trưng bởi chủ nghĩa tập thể thì họ sống trong mối quan hệ đan xen, chằng chịt với gia đình, họ hàng, làng xóm. Trong xã hội đó có những quy chuẩn đạo đức chung và mọi người cần tuân theo, chỉ cần anh đi chệch quỹ đạo đó sẽ bị người ta dò xét, thậm chí lên án. Văn hóa tập thể một mặt làm tăng tính cộng đồng, cộng cảm. Mặt khác, nó làm cho con người ta không dám thể hiện cái tôi rõ nét, từ đó mà sự đột phá, sáng tạo không cao, đúng hơn là nhiều khi người ta không dám sống thật với bản chất con người mình mà phải lựa theo tập thể.
Khi một người có lỗi lầm và bị phát hiện, dù họ có ân hận song cũng không thể xóa đi được mặc cảm, nỗi xấu hổ với gia đình, họ hàng, bạn bè, làng xóm. Thậm chí, người ta vẫn đề phòng, nghi kỵ anh, dù lỗi đó đã qua rồi. Vì thế, nhiều người có xu hướng cố gắng giấu kín lỗi lầm mình mắc phải vì sĩ diện, vì xấu hổ.
|
Theo nhà nghiên cứu Hữu Ngọc, tính sĩ diện của người Việt do đặc trưng của nền văn hóa theo chủ nghĩa tập thể. |
Sĩ diện bao nhiêu là... đủ?
"Con người cần có tính sĩ diện. Thế nhưng, khi sĩ diện ở mức cực đoan sẽ gây ra những phiền toái, bị mất đi cơ hội, mang tiếng xấu...", ông Ngọc nói.
Để minh chứng cho điều này, ông đưa ra một ví dụ: "Tôi có một bà bạn người Đức. Bà từng phàn nàn với tôi rằng bà có tặng cho chị giúp việc người Việt Nam một món quà Tết nhưng chị này không nói lời cảm ơn mà lẳng lặng cất đi. Theo bà thì đó là sự thiếu lễ độ. Tôi phải giải thích rằng đó là tính sĩ diện của người Việt. Chị ấy không cảm ơn không phải vì vô ơn mà sợ rằng khi nói ra lời cảm ơn ấy sẽ bị khinh bỉ là người vồ vập của cải. Chắc chắn, chị ấy sẽ tìm dịp khác để báo đáp lại".
Ông Ngọc cũng cho rằng, sự sĩ diện của người Việt Nam không chỉ thể hiện qua lời nói, hành động mà còn qua cả nụ cười. "Người Việt Nam có thể cười bất cứ lúc nào. Nụ cười ấy nhiều khi không phải là vui thích mà để che giấu cảm xúc, là nụ cười vô duyên. Chẳng hạn, một người bị đau, thấy người khác hỏi han thì nở nụ cười tỏ ra mình không sao vì không muốn có cảm giác thương hại. Hay có trường hợp, mẹ ốm nặng ở quê, người này muốn nghỉ về thăm mẹ nên đến gặp ông chủ nhưng lúng túng và chỉ biết cười...?.
Rõ ràng, có những sự sĩ diện gây ra phiền toái. Thế nhưng, "nếu không có sĩ diện thì cũng đáng lo, vì có thể người ta sẽ hành xử không theo một quy chuẩn nào, khiến những người xung quanh coi thường, lên án", theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ. Vậy, sĩ diện bao nhiêu được cho là đủ?
Trả lời cho câu hỏi này, ông Vỹ cho rằng, rất khó để định lượng được rằng mỗi người cần bao nhiêu sĩ diện và cần trong những trường hợp nào vì "mỗi cây mỗi hoa". Cũng cần thấy rằng, sĩ diện còn tùy thuộc vào tính cách mỗi người. Có thể cùng một việc là để được nhận vào làm trong công ty nọ, nhân viên A sẽ lo quà cáp đến biếu sếp còn nhân viên B thì không vì anh ta chỉ muốn dựa hoàn toàn vào thực lực, không muốn mang tiếng quỵ lụy nhờ cậy ai. Điều này là do tính cách quyết định. Mà đã là tính cách thì khó sửa lắm.
Do đó, để biết sĩ diện bao nhiêu là đủ, theo ông Vỹ chỉ có thể "tùy thuộc vào góc nhìn của mỗi người. Góc nhìn đó thường gắn với lợi ích".
"Trong nhiều trường hợp, khi người ta biết gạt đi tính sĩ diện để vì tập thể, vì lợi ích chung thì khi đó, sự sĩ diện được cho là đủ", ông Vỹ nói.
"Tính cách của mỗi người được tạo ra từ: Phản xạ cảm xúc mang tính tự nhiên; hình thành cái tôi khi ý thức được vị trí trong các mối quan hệ, chịu ảnh hưởng của môi trường văn hóa để hình thành nên những giá trị; do văn hóa, giáo dục chi phối. Do đó, thay đổi tính cách không dễ. Để người ta bớt đi tính sĩ diện thì có nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất vẫn là giáo dục".
ThS Thạch Mai Hoàng
(Còn tiếp...)