Nhân kỷ niệm 69 năm Ngày thương binh, liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2016), cùng Kiến Thức điểm lại những câu chuyện đầy ý nghĩa về các liệt sĩ Việt Nam.
Bức thư viết bằng dự cảm
Nếu ai đã đọc nhiều ký sự, truyện chiến tranh hẳn không thấy lạ khi một người lính có những biểu hiện khác thường hoặc có linh cảm trước khi chết. Tuy nhiên, trường hợp có thể viết thư cho gia đình báo việc mình chết từ trước 3 tháng thậm chí chỉ rõ cả nơi mình được đồng đội chôn cất thì có lẽ liệt sĩ Lê Văn Huỳnh là duy nhất.
Anh Huỳnh sinh năm 1949, trong một gia đình nông dân ở Thái Bình. Đang học năm thứ 4 trường đại học Xây dựng thì chiến dịch xuân hè 1972 nổ ra ác liệt. Như bao bạn bè sinh viên khác, anh Huỳnh xung phong nhập ngũ vào Quảng Trị chiến đấu bảo vệ thành cổ.
|
Bức thư của liệt sĩ Huỳnh được trưng bày trong bảo tàng thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Người Đưa Tin.
|
Vào tháng 9/1972 đơn vị Huỳnh đang ở bên này sông Thạch Hãn thì được lệnh vượt sông sang thành cổ. Trong 81 ngày đêm ở thành cổ, tướng lĩnh ta sau này thống kê trung bình mỗi ngày ta mất khoảng 1 đại đội. Sự khốc liệt như thế nên vào giữ thành cổ là xác định khó có ngày về. Bởi vậy anh Huỳnh đã viết thư về vĩnh biệt gia đình.
Anh viết: “Quảng Trị, ngày 11 tháng 9 năm 1972. Hôm nay con ngồi đây biên những dòng chữ cuối cùng, phòng khi đã "đi nghiên cứu bí mật dưới lòng đất" thì gia đình khỏi thấy đó là điều đột ngột.
Mẹ kính mến!... Con đi, mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu. Coi như con lúc nào cũng nằm bên mẹ. Mẹ đừng buồn cho linh hồn con được thoải mái bay đi. Bố con đã đi xa, để lại cho mẹ bao khó nhọc. Nay con đã đến ngày khôn lớn thì... Thôi nhé, mẹ đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau!”.
|
Chân dung liệt sĩ Huỳnh. Ảnh: Người đưa tin.
|
Điều đặc biệt nhất trong lá thư của anh Huỳnh là anh đã dự cảm chính xác ngày mình hy sinh là ngày 2/1/1973 và còn hướng dẫn tỉ mỉ cho vợ mình đường đi để tìm hài cốt anh về nếu sau này có điều kiện. Trong lá thư cho người vợ là Đặng Thị Xơ, anh viết: “Em sẽ đọc bức thư này cho mọi người trong gia đình nghe trong buổi lễ truy điệu anh. Cho anh gửi lời chúc sức khỏe những người thân thuộc trên quê hương trong buổi lễ truy điệu lịch sử này.
…Thôi nhé em đừng buồn, khi được sống trong hòa bình hãy nhớ tới anh. Nếu thương anh thực sự thì khi hòa bình có điều kiện vào Nam lấy hài cốt anh về.
Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hi sinh khi đưa hàng qua sông. Từ thị xã qua cầu ngược trở lại hỏi thăm về Nhan Biều 1, sẽ thấy tấm bia ghi dòng chữ tên anh đục trên mảng tôn. Thôi nhé, đấy là có điều kiện, còn không thì em cứ làm tốt những điều anh dặn ở trên là tốt rồi...".
Nhờ những hướng dẫn đó, sau này gia đình đã tìm thấy mộ liệt sĩ Huỳnh. Về phần bức thư, phải 3 năm sau ngày anh Huỳnh mất mới về tới đích. Ngày 5/3 vừa qua, Trung tâm bảo tồn di tích – danh thắng tỉnh Quảng Trị đã thông báo phục chế thành công bức thư này và hiện tại nó được trưng bày tại Bảo tàng thành cổ Quảng Trị.
Lời "tiên tri" thống nhất
Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc đã được đông đảo nhân dân ta biết đến sau khi cuốn nhật ký "Mãi mãi tuổi hai mươi" của anh được xuất bản. Anh quê ở làng Bưởi, Hà Nội. Khi nhập ngũ anh đang là sinh viên khoa Toán – Cơ trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Vào thời điểm đó chiến tranh đang bước vào giai đoạn mới. Hàng ngàn sinh viên các trường đại học đã xếp bút nghiên để ra chiến trường bổ sung lực lượng cho quân đội. Trong phong trào chung của sinh viên, Nguyễn Văn Thạc nhập ngũ ngày 6/9/1971.
Sau 6 tháng huấn luyện, đơn vị Thạc lên đường đi B (tức vào Nam chiến đấu) vào tháng 4/1972. Anh bắt đầu viết cuốn nhật ký "Chuyện đời” từ ngày 2/10/1971 tức là gần một tháng sau ngày nhập ngũ. Cuốn nhật ký dừng lại ở thời điểm ngày 3/7/1972 khi đơn vị anh hành quân vào chiến trường Quảng Trị. Tại ngã ba Đồng Lộc, Nguyễn Văn Thạc đã gửi cuốn nhật ký cùng nhiều thư từ cá nhân trong thời gian quân ngũ về cho anh trai mình. Hơn 1 tháng sau, anh đã hy sinh tại chiến trường Quảng Trị khốc liệt.
|
Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc trên bìa cuốn sách Mãi mãi tuổi hai mươi. Ảnh: Internet. |
Vào năm 2005, tác giả Đặng Vương Hưng được sự đồng ý của gia đình Nguyễn Văn Thạc và bà Phạm Như Anh (người bạn gái thời học sinh của Thạc) đã tổng hợp cuốn nhật ký cùng hàng trăm lá thư của Thạc thành cuốn "Mãi mãi tuổi hai mươi". Cuốn sách được nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành đã trở thành một sự kiện văn học trong năm và sách được tái bản nhiều lần với số lượng kỷ lục thể hiện sự quan tâm của độc giả.
Qua cuốn "Mãi mãi tuổi hai mươi", chúng ta ngạc nhiên biết rằng từ ngày 18/9/1971 nghĩa là chỉ sau 12 ngày nhập ngũ, liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc đã viết thư cho người bạn gái Như Anh với một câu chuyện đặc biệt. Thạc viết: “Bất kỳ một vinh quang nào cũng cần phải trả bằng mọi giá. Và khó khăn gian khổ càng nhiều, thử thách càng nhiều, sự vinh quang đó càng trở nên rực rỡ. Chúng ta đừng đi tìm những chân lý sâu xa đơn thuần qua những áng văn và những bài thơ, bài toán. 30/4/1975 Thạc sẽ trả lời cho P. (tức Như Anh - NV) câu: hạnh phúc là gì?...”.
Phải chăng Nguyễn Văn Thạc đã dự báo tương lai đất nước thống nhất một cách chính xác như vậy từ trước đó 4 năm? Nếu đúng như vậy thì quả là một sự "tiên tri" kỳ lạ.
Và lịch sử đã chứng minh, hạnh phúc mà Thạc nhắc đến trong thư không chỉ là hạnh phúc tình yêu cá nhân mà đã trở thành hạnh phúc của cả dân tộc khi non sông thống nhất.