Vậy đâu là sự thật?
Bia đá cho 10 người chết oan?
Cho đến nay, câu chuyện về những người bị bắn chết tập thể tại rìa làng Nội Đông, nơi chôn tấm bia đá, vẫn được rất nhiều người nhớ và nhắc tới. Mặc dù xảy ra từ những năm kháng chiến chống Pháp nhưng câu chuyện đã được kể qua các thế hệ và còn lưu truyền đến tận ngày nay, thậm chí cả những đứa trẻ con cũng biết đến sự việc này.
Người làng Nội Đông còn ít người thọ trên 80 tuổi, vì vậy những người chứng kiến tận mắt sự việc đến nay không còn nhiều, có những cụ đã bị lẫn. Tuy nhiên, những ám ảnh, kinh sợ về những người bị bắn chết năm đó vẫn còn đọng lại trong tâm trí của không ít người.
Theo người dân trong làng, cuối năm 1953, cũng là năm giặc Pháp tràn vào càn quét địa phận huyện Tiên Lãng, lấy tên là trận càn Cờ-lốt, chúng lùng sục những người theo cách mạng để bắt và giết, thậm chí bắt giết vô cớ những người không có tội. Năm đó, khoảng chục người trong làng Nội Đông bỗng nhiên bị Pháp bắt.
Người ta kể lại, ngày hôm đấy, mặt trời chưa lên, đã thấy từ phía đường lớn, giặc Pháp ầm ầm tràn vào làng, lục lọi từng nhà, lôi xềnh xệch từng người có tên trong danh sách nào đó, số còn lại đứng vây quanh làng, không ai có thể ra được.
“Ngày trước, trong đình làng có cái bể nước xây chìm, có 3 - 4 người nấp ở đó cũng bị chúng lôi lên, vừa đánh vừa trói, đẩy hết ra rìa làng, chỗ bia đá kia kìa, tổng cộng phải đến chục người”, bà cụ Vũ Thị Dận, năm nay 79 tuổi, vẫn nhớ như in chuyện năm nào.
“Cả làng Nội Đông bị một phen náo loạn vì giặc Pháp. Tiếng người la hét, chửi bới, than khóc thảm thiết. Mấy bà có con bị bắt, vợ có chồng bị bắt ngất lên ngất xuống, nhìn thấy cũng tội, bà không cầm được nước mắt. Chỉ từ sáng đến trưa là bị bắt hết rồi”, bà cụ Dận kể.
Những người bị bắt đã bị xử bắn ngay tại rìa làng. Bọn lính Pháp trói cả chục người vào nhau, bắt đứng trên chiếc cầu đá bắc qua rãnh, bịt mắt họ và xử bắn. Tiếng than khóc hòa trong tiếng súng và máu đã trở thành nỗi ám ảnh của không ít những người chứng kiến. Sau cuộc hành hình đẫm máu tại làng Nội Đông, những người bị Pháp giết được đưa về nhà an táng.
Không một ai trong làng hiểu nguyên nhân tại sao cả chục người lại bị bắt và bị sát hại dã man như thế. Lúc đó, ai cũng căm phẫn, nhưng không thể làm gì được. Và tuyệt nhiên, kể từ ngày đó, người làng Nội Đông không ai dám bước chân qua chiếc cầu đá nơi xử bắn 10 người ấy nữa.
Mặc dù cây cầu nằm trên đường ra cánh đồng nhưng người ta thường tránh, chọn một con đường khác vòng xa hơn để đi ra đồng. Người làng Nội Đông sợ rằng bước chân lên cầu đá sẽ bị chết oan nghiệt giống như thế. Và không biết từ bao giờ, một chiếc bia đá được cắm gần cầu đá. Bà cụ Dận cho biết: “Chắc người ta cắm để tưởng nhớ những người bị bắn ngày trước nhưng không ghi cụ thể tên ai trên bia, bia đá để trống không. Đến nay đã mấy chục năm rồi, tôi cứ nhìn thấy bia đá là lại nghĩ ngay đến cái vụ xử bắn đẫm máu đó”.
|
Bia đá vô danh rìa làng Nội Đông với nhiều người vẫn còn là một bức màn bí ẩn. |
Thời gian qua đi, dư âm về vụ hành quyết cả chục người vô tội mà không rõ nguyên nhân nay đã mờ nhạt hơn, nhưng chiếc bia đá trơ trọi, vô danh vẫn là nỗi ám ảnh của nhiều người. Không còn là chuyện của vụ xử bắn nữa, mà là những câu chuyện kỳ lạ xoay quanh tấm bia đá này.
Những chuyện kỳ lạ
Mặc dù bia được cắm ở đó nhưng hoàn toàn không có đồ để thờ cúng, khiến cho nhiều đứa trẻ con bị mắc vạ vì “phạm” phải bia đá vô danh. Bà cụ Dận kể lại chuyện gần chục năm trước, thằng cháu ngoại của bà từ phố về làng chơi, do không biết nên đã “đắc tội” với bia đá, phải cúng bái mãi mới khỏi.
Nguyên do là thằng bé cháu ngoại bà cụ Dận đi ra rìa làng thì nhìn thấy cây đa đẹp quá, nên mới bắt anh chị nó dẫn ra đó chơi. Chơi một lúc thì thằng cu buồn tiểu, thấy cái bia đá chắn giữa lối đi nên tiểu luôn vào đó. Anh chị nó chưa kịp cản lại thì nó đã tiểu xong, mấy đứa trẻ sợ quá liền dẫn thằng bé chạy ngay về bảo bà. Khi về đến nhà, thằng bé 4 tuổi này mới kêu đau bụng.
“Mặt nó tái mét đi, khóc mãi, dỗ thế nào cũng không nín, chỉ kêu đau bụng thôi, tôi lấy cao xoa vào bụng nó một lát thì hết”, bà Dận nhớ lại. Cứ tưởng mọi chuyện dừng lại ở đó, lúc cả nhà đang ăn cơm thì bỗng nghe thấy tiếng kêu khóc ầm ĩ của thằng nhỏ.
Thằng bé vừa khóc vừa chỉ vào chỗ hiểm đang sưng to như bị ong đốt, cả nhà hoảng quá không biết chuyện gì đang xảy ra. Mãi bà Dận mới nhớ ra chuyện cái bia đá, liền sắm sửa lễ hương nhang, vàng lẻ chạy ra bia đá để cúng. Đến tối thì thằng bé nghịch dại này đỡ đau, cả nhà mới thở phào. Nhưng cũng kể từ đó, bà Dận dặn con cháu tuyệt đối không được ra phía rìa làng có bia đá nữa.
Cũng trong khoảng thời gian đó, lúc câu chuyện của cháu ngoại bà Dận đang làm bùng phát những lời đồn thổi về chiếc bia đá thì lại xảy ra một việc nữa khiến dân làng tá hỏa. Cô bé Uyên (một đứa cháu của ông lão Đại - người coi đình làng) lúc đó chỉ tầm 8 - 9 tuổi. Nửa đêm, người ta thấy ông lão gọi cháu khản cả cổ, mấy nhà xung quanh thấy vậy chạy ra đình xem có chuyện gì. Đến nơi, thấy ông lão mặt mếu máo vì nửa đêm dậy thì cửa mở toang, không thấy cháu đâu.
Mấy nhà trong xóm hô hoán nhau đi tìm đứa bé, người ta soi từng gốc cây, lật từng đám cỏ bên bờ mấy cái ao xung quanh đình lên, nhưng không thấy gì. Đến sáng hôm sau, người ta mới hoảng hốt khi thấy cô bé Uyên nằm gục bên cái bia đá vô danh. Gọi mãi mới tỉnh lại nhưng cô bé hoàn toàn không nhớ tại sao mình lại nằm ở đây. Thế là chuyện cô bé bị… “ma đưa” lại rùm beng cả làng. “Cả nửa tháng sau khi về nhà, nó mới bình thường trở lại, đầu óc tự nhiên cứ như người mất hồn ấy, đờ đẫn lắm”, bà lão Nhác, nhà ở đối diện với đình làng, kể.
Chỉ là bia đá của đình làng bỏ đi!
Xung quanh tảng đá vô danh kỳ lạ và bí ẩn còn không ít những lời đồn thổi. Tuy nhiên, khi PV gặp ông Trịnh Văn Miêu, năm nay 79 tuổi, nhà ở gần khu vực bia đá nhất, ông chỉ lắc đầu và cười khi được hỏi về sự kỳ lạ của bia đá: “Chỉ là sự trùng hợp thôi, chứ tôi sống ở đây đã bằng này tuổi rồi mà có thấy cái gì đâu”.
Ông thừa nhận là có một vụ hành quyết cả chục người dân trong làng ngay tại chiếc cầu đá gần vị trí tấm bia bây giờ, hồi kháng chiến chống Pháp nhưng không nhớ rõ năm nào. Về nguồn gốc của tảng đá vô danh, ông nói:
“Cái tảng đá này có ở đây từ hồi xây đình làng, vì trong đình làng cần một bia đá để ghi chép thần phả gì đó nên mới kêu gọi ủng hộ. Ai ngờ người ta tặng dư ra một cái, không biết vứt đi đâu nên mới mang ra rìa làng cắm để coi như làm dấu ấy mà, chứ có phải để thờ ai đâu. Người ta chết thì ma nhà nào phải về nhà nấy chứ”.
Ông chỉ vào bia đá và nói: “Ngày trước, bia này có chữ Nho cơ, nhưng sau mấy chục năm bị mưa gió bào mòn nên mờ cả, chứ đâu phải bia đá vô danh, cũng không phải bia đá thờ người chết đâu”. Giải thích về mấy chuyện ly kỳ liên quan đến bia đá “vô danh” này, ông Miêu cho rằng vụ thằng cháu bà Dận và cô bé Uyên chỉ là do thần hồn nát thần tính. “Có khi thằng bé nó nghịch nên bị ong đốt vào đó, chứ làm gì có ma quỷ.
Cái Uyên nó bị mộng du, lắm hôm tôi thấy nó còn mộng du cả ban ngày, múa máy giữa sân đình cơ mà, làm gì có ma, mấy bà già lắm chuyện!”. Những lời giải thích của ông Miêu khiến cho bia đá “vô danh” bớt đi những bí ẩn của nó. Tuy nhiên, đối với nhiều người dân làng Nội Đông, bia đá “vô danh” này vẫn còn là một vật bí hiểm và khác thường.