Chuyện thú vị về người bắt sống tướng Đờ - Cát

Google News

(Kiến Thức) - Khó có người cựu binh nào vừa nổi tiếng, lại được nhiều người biết tới như đại tá Hoàng Đăng Vinh.

Ở Bắc Ninh, chỉ cần hỏi một trẻ nhỏ, khách cũng được chỉ dẫn tận tình lại được nghe kể những chuyện có thật về vị đại tá lão thành ở ga Thị Cầu này.
Ông Vinh trở thành người nổi tiếng khắp Việt Nam và thế giới ngay từ khi 19 tuổi với chiến công bắt sống tướng Đờ Cát - Xtơ - ri tại trận địa Điện Biên Phủ năm 1954. 5 chiến sĩ anh hùng lao xuống hầm bắt sống tướng Pháp thuở ấy, bây giờ chỉ còn lại mình ông Vinh.

Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các lãnh đạo chụp ảnh cùng các chiến sĩ lập công ở Điện Biên Phủ. 
Bỏ làng theo nghiệp nhà binh
Trong ngôi nhà đơn sơ ở gần ga Thị Cầu, ông Hoàng Đăng Vinh ra mở cổng đón khách. Nhìn ông, không ai bảo đã ở tuổi 80. Dáng người to cao tráng kiện vẫn còn những cơ bắp chắc nịch lộ ra ở hai cánh tay áo ba lỗ. Nước da nâu sạm từng trải của người chinh nhân đủ để nhắc khách biết về một thời khói lửa.
Ông Vinh tự giới thiệu sinh năm 1935, người đời quen gọi là đại tá ga Thị Cầu nhưng thực tình ông sinh ra và lớn lên ở xã Tiên Tiến (Phù Cừ, Hưng Yên). Lớn lên giữa buổi loạn lạc nên ông chứng kiến đủ những mánh khóe cướp bóc của lũ giặc Pháp. 
Một đêm khi đang cất vó bè ngoài sông, ông dỏng tai nghe thấy tiếng lính Pháp đang đi càn quét "ăn đêm". "Tôi mới lao thân ra khoảnh ruộng sau lều nhưng tiếng một tên lính đã Pháp hô to "Bô-cu Việt Minh". Tôi bị một trận đòn thừa sống thiếu chết. Chúng còn giật tóc đập đầu tôi xuống đất tra hỏi đủ điều", ông Vinh nhớ lại.
Suốt ba ngày liền chúng bỏ đói người thanh niên ấy ở bốt La Tiến. Ngày thứ tư chúng cho ông mấy thìa cháo loãng rồi bắt ông đi gánh cát về sửa lại đồn. Mẹ ông Vinh sau nhiều lần dò hỏi mới biết con trai bị nhốt ở bốt La Tiến. Bà chạy vạy khắp nơi được ít tiền đút lót cho lính canh để vào gặp con.
"Mẹ tôi đem vào cho một bát miến, đang cố húp thì bị tên lính canh đá bay đi. Mẹ tôi quỳ xuống van lơn cũng không được. Chúng đuổi mẹ tôi ra khỏi bốt và tiếp tục hành hạ tôi. Sau này khi được thả, tôi lại về nhà cất vó bè. Thi thoảng có gặp vài du kích vào xin lửa. Họ bảo, dân mình khổ là vì quân Pháp xâm chiếm đàn áp. Muốn giải phóng nô lệ thì chỉ có đấu tranh", ông Vinh cho biết. 
Sau rất nhiều trăn trở, tháng 9/1952 ông Vinh đã bỏ làng men theo đường 39 về Nho Quan (Ninh Bình) xin gia nhập Đại đoàn 312. Vị chỉ huy Đại đoàn lúc bấy giờ mới hỏi chàng trai trẻ lý do gia nhập. Ông Vinh thẳng như ruột ngựa: "Muốn hạnh phúc phải có đấu tranh. Tôi xin gia nhập để được giải phóng đất nước, giải phóng nhân dân, giải phóng chính bản thân mình".
Bác Hồ tặng Huân chương chiến công hạng nhất và huy hiệu "Chiến sĩ Điện Biên" cho chiến sĩ trẻ Hoàng Đăng Vinh. 
Thọc súng vào bụng Đờ Cát
"Từ khi được gia nhập bộ đội, tôi được các đồng chí trong Đại đoàn huấn luyện rất kỹ lưỡng. Trận đánh đầu tiên của tôi trong đời quân ngũ là vào năm 1953 tại Điện Biên cách cứ điểm Him Lam gần 1 cây số. Tôi đã phát hiện ra tiếng cạch cạch của xe tăng địch và báo cáo cấp trên. Trong trận đánh ấy, tôi được tặng thưởng chiến công hạng Ba", ông Vinh chia sẻ.
Sang năm 1954, ông Vinh cùng những đồng đội của mình giải quyết rốt ráo những cao điểm 507, 508 và tiến đánh 509. Ngày 7/5, bộ đội ta được lệnh tiến vào trung tâm của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Khi đánh vào đến khu trung tâm, lính mới Hoàng Đăng Vinh thấy phía trước mặt có một ụ đất nhô lên khá cao, 4 chiếc xe tăng đang chạy vòng quanh ụ đất. Đang tự hỏi không biết ụ đất đó là cái gì thì ông và đồng đội bắt được một tên địch. Tra hỏi, hắn khai đó là hầm của tướng Đờ Cát - Xtơ - ri.
Sau hội ý chớp nhoáng, một tiếng nổ lớn làm đất đá ụp xuống miệng hầm. Một tên sĩ quan Pháp tay phất phất miếng vải trắng nhô lên miệng hầm. Ngay lúc đó, Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật xuất hiện, anh lệnh toàn bộ đơn vị bao vây quanh hầm. Đồng chí Hiếu, Nam được lệnh bịt cửa hầm bên kia, lính mới Hoàng Đăng Vinh và anh Nhỏ theo Đại đội trưởng vào hầm bắt Đờ Cát đầu hàng.
80 tuổi, nhưng ông Vinh vẫn thường xuyên được mời đi kể chuyện về chiến dịch Điện Biên Phủ.  
"Chúng tôi tiến vào đến đâu, lũ sĩ quan lùi lại đến đó, có tên chui vào gầm bàn run như chuột bị hun khói. Tất cả đều giơ tay, riêng tướng Đờ Cát vẫn ngồi im lặng. Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật ra hiệu cho tôi tiến lại gần. Khi đến gần, Đờ Cát vội bật dậy, giơ tay ra định bắt tay", ông Vinh kể.
Vừa khi tướng Đờ Cát giơ tay ra, ông Vinh hô to "Hô-lê-manh", rồi thúc mạnh khẩu súng vào bụng tướng Pháp. Tên bại tướng lùi lại nói: "Xin các ông đừng bắn, chúng tôi đầu hàng". Khoảng hơn 10 ngày sau, ông Vinh lại có cuộc gặp gỡ thú vị với người mình đã từng đối mặt tại hầm bộ chỉ huy của địch ở chiến trường Điện Biên Phủ.
Đó là ngày 19/5, ông Vinh cũng những đại biểu tham gia chiến dịch được về thăm và chúc mừng sinh nhật Bác Hồ. Ngày hôm sau, theo đề nghị của một đoàn làm phim Liên Xô, ông Vinh ngồi đối diện với tướng Đờ Cát. Đờ Cát vẫn nhớ và nói với đoàn làm phim: "Đó là người đã tóm cổ tôi". Đồng thời, Đờ Cát cũng nói với ông Vinh: "Tôi rất hân hạnh nếu được chỉ huy những người dũng cảm như anh".
Ông Vinh giới thiệu những hình ảnh về Điện Biên Phủ năm xưa. 
Nhớ về đồng đội
Trước những lời trịch thượng của Đờ Cát, người chiến sĩ trẻ dứt khoát: "Ông chỉ khoác lác, kẻ bại trận như ông sao có thể chỉ huy được tôi, bởi chính tôi và các đồng đội tôi đã vào hầm lôi cổ ông ra cơ mà". Trước thái độ cương quyết đó, tướng Đờ Cát đành ngồi im lặng.
Kể đến đây, giọng ông Vinh bỗng trầm xuống, ông bảo: "Trong số 5 anh em lao vào hầm bắt Đờ Cát, bây giờ chỉ còn mình tôi còn sống. Nhìn lại xung quanh, thấy người thân kẻ sơ không còn nữa. Nhiều khi như mình bị mất đi cánh tay, mất đi cả trái tim vậy". 
Có lẽ người lính là vậy. Chiến đấu bên nhau, chia nhau từng nắm cơm hẩm và luôn nhớ đến nhau từng giây từng phút. Ông Vinh thành thật rằng, nhiều đêm trong giấc mơ ông thấy những đồng đội vẫn như đang sống. Họ vẫn hành quân, vẫn kéo pháo, vẫn cười tươi rói trong mưa bom bão đạn, như thể cái chết đối với người lính chỉ là chuyện qua đường.
Ở Bắc Ninh, hầu như ai cũng đã từng nghe ông Vinh nói chuyện thời chiến. Chất giọng trầm mà xốn xang của người chiến binh Điện Biên Phủ thuở nào đã lấy đi bao giọt nước mắt nóng rẫy từ những xúc động của thế hệ trẻ ngày nay. Chuyện của ông Vinh như một thước phim quay chậm ngược về quá khứ, để lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc mãi như ngọn lửa cháy cùng lịch sử dân tộc.
"Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, cũng trong năm 1954, Sư đoàn 312 về giải phóng Bắc Ninh. Đơn vị của chúng tôi đóng quân tại đây. Tháng 10/1955, tôi được đề bạt làm Trung đội trưởng của Đại đội Công binh Trung đoàn nên gắn bó cả đời với vùng đất ga Thị Cầu. Thế nên, nhiều người quen gọi tôi là ông Vinh Thị Cầu, hay đại tá Thị Cầu, đó cũng là niềm vui mà mọi người đã dành cho tôi sau những tháng năm khói lửa".
Đại tá Hoàng Đăng Vinh
Trần Hòa

Bình luận(0)