Dân gian ta có câu: “Khôn ngoan đến cửa quan mới biết, giàu có chiều 30 Tết mới hay”. Người khôn ngoan thì đến cửa quan mới đủ lý lẽ để biện bạch còn kẻ giàu hay không thì cứ đến chiều 30 Tết xem có ai đến đòi nợ không là biết. Cảnh nợ nần thời trước đã được cụ Nguyễn Công Trứ khéo miêu tả trong vế đối:" Chiều 30 nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra cửa; Sáng mồng 1 rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông phúc vào nhà”.
Cụ Vũ Ngọc Phan trong bài viết về phong tục
đón Tết của người Hà Nội được tập hợp trong cuốn sách
Phong vị Tết Việt có đoạn nói về tình cảnh nợ réo tít mù ấy: “Ngày gần Tết Nguyên đán và ngày Tết, người chết như được sống lại trong lòng người sống, còn người sống trong tâm tư tự lùi mình về cõi xa xăm đã qua từ thời nảo thời nào.
|
Cảnh chợ Tết.
|
Hồi tôi 6 tuổi, bà nội tôi cứ luôn luôn cầu khấn “Lạy ông nắng lên cho người ta còn chạy chợ”. Bà tôi cho rằng ông vải được mời về ăn uống ba ngày Tết, lại được con cháu đốt vàng tiễn đưa, như thế là sung sướng. Còn con cháu mà muốn được yên thân trong 3 ngày Tết thì phải vất vả vô cùng.
Vất vả nhất là những gia đình nghèo. Nhà thì nhặt nhạnh còn cái gì đáng giá một chút cũng đem đi bán, để trả cho hết nợ, khỏi bị người ta réo ở ngõ. Nhà thì quá xác xơ cũng phải xoay đủ mọi cách để “chuộc cụ về” tức là trả nợ cho nhà giàu để chuộc bài vị tổ tiên về thờ ba ngày Tết. Không cúng được ông bà cho chu đáo thì họ hàng, làng xóm chê cười, quanh năm không cất đầu lên được”.
Công thức: “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh” là một công thức chung cho cái Tết của người Việt. Nhưng với Hà Nội thì chuyện ăn Tết phức tạp cầu kỳ hơn nhiều.
|
Chợ Tết ở Hà Nội với người bán hoa thủy tiên. Ảnh: Internet. |
Người ta chuẩn bị Tết Nguyên đán từ tháng chạp như muối dưa hành, muối dưa trái cây, muối từng vại một và trữ sẵn cả gà nữa, nhất là tìm mua cho được con gà trống thiến. Trứng vịt muối và lạp xưởng, nhiều nhà tự làm lấy cũng từ tháng chạp. Giò lụa phải thửa, vì nếu nhà không làm lợn thì khó mà gói được giò lụa cho ngon không bã.
Trước Tết Nguyên đán chừng mươi ngày, Hàng Bồ là nơi các cụ đồ “văn hay chữ tốt” ngồi các vỉa hè, viết câu đối lên những đôi liễn rất đẹp và giấy hồng điều. Hàng Bồ, Hàng Dép còn là nơi bán tranh pháo, tranh lợn gà, đám cưới chuột, tranh quan tướng cầm đao, cầm kích để dán hai bên cánh cửa ra vào, tranh gần bằng mặt án thư chia ra từng ô hình chữ nhật vẽ sự tích trong Nhị thập tứ hiếu như Lão Lai chơi trống bỏi, thầy Tử Lộ đội gạo về nuôi mẹ già, chôn con bắt được lọ vàng…
Trong các thú chơi Tết ở Hà Nội xưa, chơi hoa thủy tiên là một thú xa xỉ chỉ có nhà giàu mới chơi được. Cụ Vũ Ngọc Phan viết: “Có thứ chơi xa xỉ là hoa thủy tiên. Có những người Hoa kiều bán từng sọt thủy tiên ở phố Hàng Buồm, người ta mua về gọt lấy, cũng có thủy tiên gọt sẵn bán ở trước cửa
chợ Đồng Xuân và các phố gần chợ. Thủy tiên 30 Tết hàm tiếu (tức là hé miệng cười) và sáng mồng một Tết nở là quý nhất, nhà nào có được củ thủy tiên như vậy là điềm lành cho cả năm; còn gọt cho các nhành hoa cân đối là vấn đề kỹ thuật và tùy theo sở thích từng người chơi hoa”.
|
Hoa thủy tiên - một thời từng là thú chơi xa xỉ trong ngày Tết ở Hà Nội. Ảnh: Intenet. |
Đêm giao thừa ở Hà Nội xưa thường có những đám trẻ đi chúc Tết các gia đình. Họ mang theo những đồng tiền xúc xắc đựng trong ống bương và đến trước cổng các gia đình hát: “Súc sắc súc sẻ, nhà nào còn đèn còn lửa, mở cửa cho anh em chúng tôi vào, bước lên tường cao thấy đôi rồng ấp, bước xuống tường thấp thấy đôi rồng chầu, bước ra đằng sau thấy nhà ngói lợp…”. Gia chủ sẽ ra cổng thưởng cho họ những đồng tiền rồi họ lại sang nhà khác.
Với tục
xông đất, ở Hà Nội xưa có câu chuyện thú vị về những người gánh nước thuê. Những người này trực từ sớm, hễ thấy nhà nào mới mở cửa (tức là đã có người xông đất) là họ xồng xộc gánh vào một gánh nước và miệng nói: “Chúc ông bà năm nay tiền vào như nước, như non..”. Chủ nhà phải chúc tụng lại và mở hàng ngay cho người ta một hào bỏ trong giấy đỏ (ngày thường mỗi gánh nước thuê mất có 2 xu thôi).
Ở Hà Nội thường đến mồng 3 Tết là người ta
hóa vàng tiễn chân các cụ. Sang ngày mồng 4 trở đi, những nhà buôn bán bắt đầu chọn ngày lành làm lễ cúng Thánh sư, đốt pháo mở cửa hàng lấy may và cuộc sống trở lại ngày thường chứ không kéo dài đến mồng 7 mồng 8 như ở thôn quê.