Ông là ai?
Cuối thập niên 1980, bộ phim kinh điển Ván bài lật ngửa công chiếu đã làm nức lòng khán giả nước nhà. Hoạt động tài ba của điệp viên Nguyễn Thành Luân khiến công chúng hết sức ngưỡng mộ. Nhưng ít ai biết nguyên mẫu thật của Nguyễn Thành Luân còn vĩ đại hơn thế. Người đó là huyền thoại tình báo Phạm Ngọc Thảo.
Ông sinh năm 1922 trong một gia đình địa chủ lớn. Cha ông có hàng ngàn mẫu đất và được mang quốc tịch Pháp. Trong gia đình, Phạm Ngọc Thảo là con thứ 8 nên thường được gọi là Chín Thảo. Mặc dù lớn lên trong giàu sang nhưng ông sớm hoạt động cách mạng.
Khi Pháp quay lại xâm lược, Chín Thảo vừa tốt nghiệp trường Kỹ sư Công chính Hà Nội đã tuyên bố hủy quốc tịch Pháp rồi trở về Vĩnh Long theo anh cả tham gia kháng chiến. Trong kháng chiến, ông được cử ra học trường võ bị Trần Quốc Tuấn khóa đầu tiên. Trở về Nam Bộ, ông lần lượt làm Trưởng ban Quân báo Nam Bộ rồi tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 10.
|
Phạm Ngọc Thảo. Ảnh: Life. |
Sau hiệp định Geneve, nhiều cán bộ Việt Minh tập kết ra Bắc nhưng đồng chí Lê Duẩn chỉ thị cho Thảo ở lại miền Nam để hoạt động tình báo. Các điệp viên thường phải xóa lý lịch của mình trước khi hoạt động, nhưng Phạm Ngọc Thảo được chỉ đạo công khai lý lịch từng đi kháng chiến của mình khi tiếp cận gia đình họ Ngô.
Trong cuốn Trần Quốc Hương – người chỉ huy tình báo của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Hải, ông Hương giải thích: “Phải nhìn thấy đặc điểm của anh em họ Ngô. Họ không là loại tay sai của bơ sữa như Tâm, Hữu, mà cố gắng thể hiện tinh thần quốc gia theo kiểu của mình, quốc gia chống cộng. Họ mơ tìm sử dụng người như phía ta đã tôn vinh cụ Hoàng Minh Giám. Cụ không phải cộng sản, sao cộng sản vẫn dùng người tài. Đó là mơ ước của anh em họ Ngô. Vậy nên Thảo phải nhập vào bằng cách đó, một người giỏi, có kháng chiến, yêu nước nhưng Quốc gia, không Cộng sản. Anh em Diệm rất cần”.
Thông qua Ngô Đình Thục là chỗ quen biết cũ với gia đình, Chín Thảo đã tiếp cận được anh em Diệm – Nhu. Để Diệm biết đến mình, Phạm Ngọc Thảo bắt đầu viết báo. Những bài bàn về chiến lược, chiến thuật lấy dẫn chứng từ các cuộc chiến tranh cổ đại của Thảo, đám sĩ quan Sài Gòn rất phục. Chúng có ngờ đâu, những kiến thức ấy của Chín Thảo có được từ trường võ bị Trần Quốc Tuấn của Việt Minh.
|
Đại tá Phạm Ngọc Thảo đang trả lời phỏng vấn của các phóng viên. Ảnh: Life.
|
Anh em Diệm-Nhu bắt đầu chú ý và đề cao “tầm” của Chín Thảo. Năm 1957, họ thăng ông lên Thiếu tá và gọi về làm việc ở Phòng Nghiên cứu chính trị của Phủ Tổng thống. Từ đây, Phạm Ngọc Thảo bắt đầu thực hiện nhiệm vụ có một không hai mà đồng chí Lê Duẩn giao cho. Đó là tác động đến sự “thay đổi chế độ” trong chính quyền Sài Gòn.
“Chuyên gia” đảo chính
Phạm Ngọc Thảo đã lập những thành tích xuất sắc trong nhiệm vụ được giao. Mở đầu là cuộc đảo chính lật Diệm 1963 với vai trò tác nhân rất lớn của ông. Trong tình hình rối ren cuối năm 1963, Ngô Đình Nhu biết sớm muộn sẽ có đảo chính nên đã lập kế hoạch phòng bị. Nó mang tên Bravo với nội dung là làm một cuộc đảo chính giả để lòi ra các nhân vật muốn đảo chính thật. Khi đó, Nhu sẽ thu gọn một mẻ lưới.
Chính Phạm Ngọc Thảo đã phá hỏng kế của Nhu. Trong sách Tại sao Mỹ thua ở Việt Nam, Nguyễn Phú Đức nói tường tận: “Để xui Minh và Đôn nhanh chóng thực hiện đảo chính, Thảo đến tìm hai người để cho biết kế hoạch Bravo của Nhu và cho họ biết có Đỗ Mậu và Trần Kim Tuyến nguyên đại tá tình báo của Nhu bị thất sủng. Thảo sẽ tổ chức trước một cuộc đảo chính phòng ngừa ngày 24/10/1963 để làm thất bại kế hoạch của Nhu. Đôn và Minh ra sức khuyên can Thảo không nên quá nôn nóng vì những người tham gia đảo chính thật chưa sẵn sàng. Thực tế Thảo đánh lừa Minh và Đôn vì dưới quyền Thảo không đủ lực lượng để tiến hành đảo chính lật Diệm. Mục đích của Thảo là xúi giục Minh và Đôn nhanh chóng hành động để làm rối loạn bộ máy chỉ huy quân đội Sài Gòn dẫn đến tình hình không thể gỡ được của Mỹ và Diệm”.
Sau khi Diệm đổ, Nguyễn Khánh lại đảo chính lật đổ Dương Văn Minh. Phạm Ngọc Thảo lại liên lạc với Trần Thiện Khiêm để đảo chính lật Khánh. Kế hoạch bắt cóc Khánh trong một bữa tiệc gia đình không thành, Khiêm phải bay sang Mỹ làm đại sứ và Thảo đi theo làm tùy viên báo chí và quân sự.
Nhằm cắt vây cánh của Khiêm, Khánh ra lệnh cho Bộ Ngoại giao triệu Phạm Ngọc Thảo về nước, bắt trình diện trước ngày 18/2/1965. Vào lúc này, Phạm Ngọc Thảo vừa biết tin Mỹ sắp sửa đổ quân vào miền Nam và ném bom miền Bắc nên ông muốn làm ngay một cuộc đảo chính để ngăn chặn.
|
Đại tá Phạm Ngọc Thảo (người ngồi) trong cuộc đảo chính 19/2/1965. Ảnh: Life. |
Ngày 19/2/1965, Thảo cùng thiếu tướng Lâm Văn Phát đem quân và xe tăng vào chiếm trại Lê Văn Duyệt, đài phát thanh, sân bay Tân Sơn Nhất… nhưng không bắt được Nguyễn Khánh. Các tướng lĩnh Sài Gòn nhóm họp ở Biên Hòa cử Nguyễn Chánh Thi làm chỉ huy chống đảo chính và ra lệnh cho Lâm Văn Phát, Phạm Ngọc Thảo cùng 13 sĩ quan khác phải ra trình diện trong vòng 24 giờ. Một ngày sau Nguyễn Khánh bị giải nhiệm và cử đi làm đại sứ lưu động (một hình thức trục xuất) nhưng quyền hành đã rơi vào tay nhóm Thiệu - Kỳ. Phạm Ngọc Thảo phải bỏ trốn trong sự truy lùng ráo riết của Thiệu - Kỳ.
Trước tình thế nguy hiểm, phía ta có ý định đưa Phạm Ngọc Thảo ra chiến khu để lánh nhưng ông vẫn tha thiết xin ở lại vì cơ hội đảo chính vẫn còn. Ông cho ra tờ báo Việt Tiến tuyên truyền yêu nước chống Mỹ và VNCH. Tờ báo được các linh mục giúp đỡ in ấn và phát hành.
Không may, ngày 16/7/1965, ông bị lộ tung tích và bị bắt ở khu vực Biên Hòa. Ông bị bắn vào cằm nhưng không chết. Sau đó đám an ninh quân đội quay lại bắt khi ông đang được cứu chữa trong một nhà thờ rồi đưa về Sài Gòn. Tại phòng tra tấn của Cục An ninh quân đội Sài Gòn ông bị tra tấn đến chết vào đêm 17/7/1965.
Những hoạt động của Phạm Ngọc Thảo đã tạo ra sự rối loạn trong bộ máy của chính quyền và quân đội Sài Gòn. Điều đó giúp cho phong trào cách mạng có thời cơ hồi phục sau quãng thời gian dài bị khủng bố trắng dưới thời Diệm.
Mặc dù vậy, do sự hoạt động quá nhập vai của ông, cho đến ngày hôm nay vẫn rất nhiều cựu tướng lĩnh Sài Gòn không tin rằng ông là tình báo của Cách mạng. Sự nghiệp của đại tá Phạm Ngọc Thảo để lại một huyền thoại trong ngành tình báo không chỉ ở Việt Nam và cả trên thế giới. Ông đã được phong anh hùng LLVT, được truy tặng danh hiệu liệt sĩ với quân hàm đại tá.