Chúa Trịnh bị quả báo vì quá dâm dục?

Google News

Hoạn quan phải lựa ra một người đẹp trong các cung nữ hoặc bắt cóc dân nữ sống trong khu vực, bỏ vào bao tải lớn, vác vào phòng chúa Trịnh Giang.

Bắt cóc dân nữ để “ân sủng”
Uy Nam vương Trịnh Giang là vị chúa Trịnh thứ bảy thời Lê Trung Hưng. Trịnh Giang vốn là con trai trưởng của An Đô vương Trịnh Cương, người làng Sóc Sơn, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Khi Trịnh Giang còn làm thế tử, bảo phó của ông là Nguyễn Công Hãng đã dâng mật sớ nhận xét rằng ông là người ươn hèn, không thể gánh vác được ngôi chúa. Trịnh Cương đã có ý định thay đổi ngôi thế tử.
Tuy nhiên, khi Trịnh Cương chưa dứt khoát thay đổi thì lại đột ngột mất. Trịnh Giang vì vậy mà đường hoàng đảm trách ngôi chúa với tư cách thế tử.
Chúa Trịnh Giang.  
Trịnh Giang lên ngôi chúa vào tháng 10/1729, ngay sau khi Trịnh Cương qua đời. Đến tháng 4/1730, Trịnh Giang tự tiến phong là Nguyên soái, Thống Quốc Chính Uy Nam vương. Trịnh Giang rất thích tỏ rõ uy quyền của mình. Vào năm 1731, thượng hoàng Lê Dụ Tông mất. Năm sau, để thể hiện quyền lực ngôi chúa của mình, Trịnh Giang vu tội cho vua Lê Duy Phường, vốn là con thứ của Dụ Tông, tư thông với vợ của Trịnh Cương, phế truất làm Hôn Đức công. Trịnh Giang lập anh Duy Phường là Duy Tường, con cả Dụ Tông, lên ngôi, tức là Lê Thuần Tông.
Sau đó, Trịnh Giang còn ra lệnh thắt cổ giết chết Duy Phường. Chưa hết, vào cuối năm đó, Giang lại giết đại thần Nguyễn Công Hãng vì trước Công Hãng đã bàn với Trịnh Cương bỏ ngôi thế tử của mình. Ngoài ra, Trịnh Giang còn bỏ hết các chính sách về thuế khoá tài chính do Trịnh Cương đặt ra trước đây.
Chúa Trịnh Giang là người thích các hoạt động ăn chơi, hưởng lạc hơn là việc triều đình. Trịnh Giang thích âm nhạc, thơ ca và chơi bời. Chúa cho chế lễ nhạc trong phủ chúa. Mỗi khi chúa đi tuần thường có phường nhạc đi trước dẫn đường. Những buổi không có triều hội, Trịnh Giang thường mời các quan đến cùng ngâm tụng thơ ca, bình luận văn sách và các lối viết chữ.
Ông cũng thường ra đề tại chỗ cho mọi người cùng làm thi và có thưởng. Trịnh Giang còn khuyến khích các nho thần sưu tầm thơ văn. Trịnh Giang có người em thứ ba là Trịnh Doanh, tuổi còn trẻ nhưng có tài kiêm văn võ, được ông rất tin tưởng.
Do không tha thiết việc chính sự, nǎm 1736, Trịnh Giang phong cho Doanh lúc đó mới 17 tuổi làm Tiết chế thủy bộ chủ quân, chức Thái úy, tước Ân Quốc công, cho mở phủ Lượng Quốc. Mỗi tháng ba lần, Trịnh Doanh thay Trịnh Giang triều kiến trǎm quan ở Trạch Các để nghe tâu trình công việc.
Nhờ việc giao quyền hành triều chính cho Trịnh Doanh nên Trịnh Giang có thêm thời gian cho những việc chơi bời, hưởng lạc. Trịnh Giang đặc biệt tin dùng hoạn quan Hoàng Công Phụ vì những ủng hộ của viên quan này trong việc ăn chơi của mình. Để phục vụ cho việc ăn chơi, hưởng lạc của mình, chúa Trịnh Giang đã cho xây dựng nhiều cung quán, chùa chiền rất nguy nga và tốn kém.
Có thể kể đến các công trình mà chúa Trịnh Giang đã cho xây dựng như Chùa Hồ Thiên, hành cung Quế Trạo, Từ Dương, phủ đệ ở các làng họ ngoại như làng Tứ Dương, làng My Thử. Việc xây cất các chùa chiền, hành cung xa hoa, tốn kém cũng như những thú vui chơi bời của Trịnh Giang đã tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền của thuế má của nhân dân.
Cũng chính bởi đó mà Trịnh Giang liên tiếp ra lệnh tăng các thứ thuế khoá để bổ sung vào nguồn ngân quỹ thiếu hụt. Đồng thời, Trịnh Giang cũng liên tiếp ra lệnh bắt người dân đi lao dịch cho các công trình ăn chơi của mình. Thuế cao, lao dịch nặng nề khiến nhân dân rất bất bình.
Cũng bởi việc Trịnh Giang chỉ mải mê lao vào ǎn chơi, ham mê tửu sắc mà không lo bồi dưỡng cơ thể, đảm đương triều chính nên sức khỏe ngày càng kém sút. Tuy nhiên, điều đáng nói nhất là theo tương truyền, chúa Trịnh Giang có tật mê đàn bà từ thuở nhỏ.
Vậy nên, ngay khi lên nắm quyền chúa, Trịnh Giang đã sớm sử dụng quyền lực của mình để có thể hưởng lạc ái ân. Tất nhiên, ngay sau đó, Trịnh Giang sớm nổi tiếng về thói ăn chơi dâm loạn không chừng mực. Càng về sau, Trịnh Giang càng có nhiều biểu hiện kì dị trong sinh hoạt tình dục.
Hằng ngày, các hoạn quan phải lựa ra một người đẹp trong số các cung nữ hoặc bắt cóc dân nữ sống trong khu vực, tắm cho sạch sẽ rồi bỏ vào bao tải lớn, vác vào phòng chúa Trịnh Giang. Người đẹp này sẽ được chúa “ân sủng” theo ý thích. Việc đam mê đàn bà của chúa Trịnh Giang không chỉ dừng lại ở đó.
Để thỏa mãn như cầu dâm loạn của mình, chúa Trịnh Giang còn từng tư thông với vợ lẽ của cha mình. Chúa Trịnh Giang đã quan hệ với cả cung nữ của cha là Kỳ Viên họ Đặng dù đây một trong những cấm kỵ nghiêm ngặt của thời phong kiến. Sau Vũ Thái phi biết chuyện Trịnh Giang tư thông với Kỳ Viên đã bắt ép người này phải tự tử.
Bị sét đánh vì quá dâm loạn?
Không rõ có phải vì Trịnh Giang quá dâm dục nên quả báo hay không mà một hôm, bất ngờ, Trịnh Giang bị sét đánh gần chết. Sau khi bị sét đánh, Trịnh Giang mắc bệnh, tâm thần bất ổn định.
Chúa Trịnh Giang cũng từ đó hay hốt hoảng, sợ hãi. Hoạn quan Hoàng Công Phụ vốn xưa hay phục vụ Trịnh Giang liền được thể nói dối rằng: “Đấy là vì dâm dục mà bị ác báo. Muốn không bị hại chỉ có cách là trốn xuống đất”. Nhân đó các hoạn quan hạ lệnh đào đất, làm hầm cho chúa, gọi là cung Thưởng Trì.
Từ đấy, Trịnh Giang ở hẳn dưới hầm, không hề ra ngoài. Hoàng Công Phụ có thêm điều kiện để lộng hành. Việc chúa Trịnh Giang mải ăn chơi, hưởng lạc rồi lại hoang tưởng, tinh thần không ổn định khiến quyền bính của chúa Trịnh có phần lung lay. Hoàng thân Lê Duy Mật định làm binh biến lật đổ Trịnh Giang, giành lại quyền hành chính cho nhà Lê.
Tuy nhiên, sự việc bị bại lộ. Lê Duy Mật bèn trốn ra ngoài, phát động khởi nghĩa. Nhân dân vốn phải sống một cuộc sống lầm than, vất vả dưới sự trị vì của chúa Trịnh, nhất là thường xuyên phải đi công dịch, đóng thuế nặng nề phục vụ cho những ăn chơi của chúa nên nổi lên ủng hộ khắp nơi. Triều đình không sao dập tắt được.
Cuối cùng, Vương Thái Phi Vũ thị cùng triều thần lập Trịnh Doanh lên thay quyền Trịnh Giang với hiệu là Minh Đô vương. Trịnh Doanh đưa vua Ý Tông (thay Thuần Tông năm 1735) lên làm thượng hoàng và lập cháu vua là Duy Diêu lên ngôi, tức là Lê Hiển Tông. Nhờ đó, mọi chuyện mới trở nên yên ổn hơn.
Như vậy, Trịnh Giang ở ngôi được 11 nǎm (từ năm 1730 đến năm 1740). Chúa Trịnh Giang chính là người làm hỏng chính sự Đàng Ngoài, khiến thế nước của Bắc Hà suy yếu. Tất cả những sai lầm này của chúa Trịnh Giang cũng bắt nguồn từ việc mải mê chơi bời, háo sắc, bỏ bê chính sự của chúa.
Những đặc điểm này của chúa Trịnh Giang khá giống với vua Mạc Mậu Hợp. Tuy nhiên, nhờ việc họ Trịnh đã xây dựng được bộ máy cai trị nề nếp, quy củ từ nhiều đời trước nên cơ đồ vẫn còn giữ được. Thế mới biết, cái thói hoang dâm vô độ của các vị vua có khả năng làm lụi bại danh tiếng, ngôi vị cũng như triều chính của các vị vua đến thế nào.
Theo Hôn nhân & Pháp luật

Bình luận(0)