Bí ẩn đằng sau “giấc ngủ ngàn năm“

Google News

Trải qua hàng trăm năm "về với đất", xác ướp trong các ngôi mộ cổ vẫn còn nguyên vẹn, thậm chí những khớp xương còn co duỗi được, hé lộ bí quyết thuật ướp xác.

Thông điệp từ quá khứ
Chúng ta đã biết đến các hình thức táng cổ xưa như: Tượng táng ở Tiêu Sơn Tự (Bắc Ninh), Mộ thuyền (Bắc Ninh), Táng treo (Suối Bàng, Sơn La), và một hình thức táng phổ biến nhất, vô cùng cầu kỳ và độc đáo khác đó hình thức táng "Trong quan ngoài quách". Những xác ướp trong những ngôi mộ cổ luôn ẩn chứa những bí mật, thu hút sự quan tâm của không chỉ các nhà khảo cổ, những người nghiên cứu khoa học mà cả những người dân sống xung quanh những ngôi mộ cổ khi biết đến sự tồn tại đặc biệt này.
Theo PGS.TS Nguyễn Lân Cường, Phó Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam, cho đến nay ở Việt Nam có khoảng trên 100 ngôi mộ hợp chất. Nhiều ngôi mộ trong số đó sau khi khai quật đã phát hiện thấy nhiều xác ướp chưa phân hủy. Việc tìm thấy và khai quật ngôi mộ của vua Lê Dụ Tông (1679-1731) vào năm 1964 đã làm chấn động trong ngành khảo cổ và sử học nước ta đương thời. Khi nắp quan tài được mở, các nhà khảo cổ học đã ghi nhận xác một người đàn ông cao 1,49m và trông như một người gầy ốm mới chết. Khác với nhiều xác ướp bụng lép, bụng vua Lê Dụ Tông hơi phồng, khi ấn vào thấy ít nước chảy ra. Một điều kỳ lạ là các khớp xương của xác ướp này vẫn còn có thể co, duỗi mềm mại và nhiều vùng da thịt vẫn còn có thể đàn hồi tốt.
 Xác ướp 2000 năm chưa phân hủy tại Bảo tàng Lịch sử - Xã hội trường đại học Khoa học- Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM).
Mộ cổ Vân Cát nằm trong gò đất của thôn Vân Cát, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định được khai quật vào tháng 11/1968 là một trong những ngôi mộ tiêu biểu cho thuật ướp xác ở nước ta. Chủ nhân của ngôi mộ là bà Phạm Thị Đằng, vợ của quan thượng thư Đặng Đình Tướng (1665-1735). Khi mở nắp quan tài là một người phụ nữ như đang say ngủ, lòng quan tài bốc mùi thơm thảo mộc thoang thoảng. Gương mặt bà vẫn mịn màng, thanh thoát nét đài các, dịu dàng. Điều làm cho các nhà khảo cổ kinh ngạc là khi mới mở nắp quan tài, làn da toàn thân thi hài này vẫn trắng mịn, các khớp xưng vẫn có thể co duỗi một cách dễ dàng. Đặc biệt, hốc mắt vẫn còn lòng đen, trắng. Hai hàm răng vẫn chưa rụng chiếc nào và được nhuộm đen. Cũng như các xác ướp được phát hiện trước đó, thi hài mới khai quật mặc rất nhiều quần áo. Các hiện vật gồm hàng chục chiếc gối chèn lớn nhỏ, quạt nan giấy, túi trầu bằng gấm thêu với 10 miếng trầu đã têm và 10 miếng cau tươi, túi gấm đựng thuốc lào, khăn lau miệng bằng lụa, mũ lụa... vẫn còn nguyên vẹn.
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Phạm Đức Mạnh, Trưởng bộ môn Khảo cổ học khoa Lịch sử, đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM) cho hay: "Xác ướp ở Việt Nam hiện nay không nhiều, tuy nhiên, mỗi xác ướp đều ẩn chứa trong đó nhiều bí ẩn và những thông điệp từ quá khứ rất khó giải mã. Nhiều xác ướp khi được khai quật vẫn chưa xác định được danh tính, nhưng xung quanh đó có vô vàn những giai thoại ly kỳ. Xác ướp ở Cầu Xéo (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) mà tôi từng khai quật có niên đại khoảng trên 200 năm, ẩn chứa nhiều bí ẩn và vô vàn câu hỏi mà các nhà khoa học và các nhà sử học chưa thể trả lời. Mộ cổ Cầu Xéo có kiến trúc khép kín, cấu tạo trong quan ngoài quách. Quách hợp chất bao quanh sáu mặt, dày khoảng 50cm. Đây cũng là ngôi mộ mà lần đầu tiên các nhà khảo cổ tìm thấy phía dưới bia đá có ghi chữ "Hoàng", như một thông điệp thông báo người nằm trong mộ có thân thế hoàng tộc. Dù chưa xác định được cụ thể danh tính, nhưng cũng hé lộ nhiều bí quyết ướp xác của người Việt xưa".
Các nhà khảo cổ học khai quật tại xóm Cải (quận 5, TP. HCM) đã kinh ngạc khi phát hiện được một xác ướp của cụ bà khoảng 60 tuổi. Xác vẫn còn nguyên vẹn, và nếu đặt xác ướp này trên giường thì nhiều người sẽ nghĩ rằng bà mới chết. Qua những thông tin con sót lại ở ngôi mộ này, các nhà khảo cổ xác định bà chính là Nguyễn Thị Hiệu, là em ruột của thân phụ vua Gia Long (vị Hoàng đế khai triều nhà Nguyễn) cho nên ngôi mộ bà mới được xây dựng đồ sộ chẳng thua kém so với lăng tẩm các bậc "vương tôn, công hầu". Ngôi mộ chứa xác ướp của bà được phát hiện hé lộ những bí ẩn mang tính lịch sử mà cho đến giờ các nhà khoa học vẫn chưa lý giải được. Điều đáng nói là khi mọi người gỡ lớp mạng che mặt, ai cũng ngỡ ngàng trước nét mặt bình thản của bà. Xác ướp có mùi thơm nồng, mai tóc vẫn y nguyên dài chấm vai đã có nhiều sợi bạc. Được ngâm hàng trăm năm trong dầu thông nên da thịt bà vẫn mịn màng, hơi có màu sậm đỏ. Các nhà khảo cổ cũng rất vui mừng khi phát hiện trong túi áo của thi hài này cò một tấm pháp danh vẫn còn nguyên ghi dòng chữ: "Minh Trường, chùa Lâm Tế, đời thứ 23".
Đằng sau giấc ngủ trăm năm của các xác ướp còn chứa đựng nhiều bí ẩn mà con người chưa khám phá hết. Những ngôi mộ được phát hiện đã hé lộ những bí quyết ướp xác độc đáo và kỹ thật cao siêu của người xưa. Đó sẽ là tiền đề quan trọng để các nhà khoa học nghiên cứu về kỹ thuật xưa áp dụng cho thời hiện đại.
PGS.TS Nguyễn Lân Cường. 
Những bí ẩn lớn chưa thể khám phá
PGS.TS Nguyễn Lân Cường cho biết trong các hình thức táng cổ xưa, thì hình thức táng trong quan ngoài quách có tác dụng tốt nhất trong việc giữ gìn xác ướp. Để bảo vệ xác ướp không bị thối rữa sau hàng trăm năm, người xưa đã kết hợp giữa kỹ thuật kết cấu xây dựng ngoài quách gắn với kỹ thuật ướp xác trong quan, tạo nên một môi trường khử trùng tốt. Khi vi khuẩn không thể tấn công được xác chết, cộng với việc dùng kỹ thuật ướp xác trong quan tài, những xác ướp ngày nay chúng ta khai quật còn gần như nguyên vẹn, các khớp xương còn có thể co duỗi được. Thậm chí, những vật dụng đi kèm nhờ được các chất ướp xác này bảo quản nên cũng còn nguyên vẹn.
Theo tài liệu của cố nhà khảo cổ học Đỗ Đình Truật (người nắm kỷ lục Việt Nam về khai quật mộ cổ) còn ghi lại, dầu thông được xem là chất liệu quan trọng để ướp xác. Dầu thông được đổ trực tiếp vào quan tài nên khi mở nắp các quan tài thưởng ngửi thấy mùi này, thậm chí là rất thơm. Các vật dụng đi kèm trong mộ như chăn bông, vải liệm, áo mặc, chiếu cói,... ngấm rất nhiều dầu mỡ. Thậm chí những miếng trầu, cau, thuốc chôn theo hàng trăm năm vẫn còn thấy xanh tươi. Chất thơm của loại dầu này thấm vào da người chết nên cho dù được rửa thi hài rất kỹ nhiều lần cũng không hết dầu thơm. Ngoài ra, những người sắp qua đời cũng được con cháu cho uống nước ép một loại quế mà theo người xưa là thuốc "hồi dương", nhằm tăng tuần hoàn máu. Sau khi chết lại được tắm bằng rượu quế, làm cho người sau khi chết đi để lâu cũng không thối rữa.
PGS.TS Phạm Đức Mạnh, chuyên gia về khảo cổ tại Việt Nam cho biết: "Táng trong quan ngoài quách là hình thức táng phổ biến ở những ngôi mộ cổ. Trong quan tài của những ngôi mộ xác ướp người ta thường tìm thấy nhiều chăn, gối, bông... được chèn vào quan tài. Ngoài ra còn có gạo rang và cả lá chè được sấy khô ở bên dưới thi hài. Mục đích là những chất này có khả năng hút ẩm, làm cho trong quan tài luôn khô ráo, nhờ đó vi khuẩn không có cơ hội để phân hủy xác. Lớp quách bao bên ngoài là một hợp chất rất cứng và dày được làm từ vôi sống, vỏ nghêu sò xay nhuyễn, trộn lẫn với chất kết đính như mật mía, nhựa, ô dước, giấy dó than hoạt tính... để bao kín mui luyện quách. Thành quách dày nên nước không thể thấm vào bên trong quan tài được. Làm quan tài luôn luôn khô thoáng và hạn chế tối đa vi khuẩn tấn công”.
Như vậy theo lý giải của các nhà khoa học, có thể các nhà khoa học đã dùng tinh dầu nhựa cây, cùng với tạo ra một môi trường diệt các loại vi khuẩn chuyên hủy chất hữu cơ. Tuy nhiên bí mật về những xác ướp này luôn đi kèm với những truyền thuyết và thông điệp từ quá khứ, tạo nên những thách thức cho hậu thế trong những cuộc kiếm tìm và giải mã.
Cần có sự nghiên cứu liên ngành
Trao đổi với PV, PGS. TS Lê Văn Cường, Trưởng bộ môn Giải phẫu Đại học Y dược TP.HCM cho biết: "Cơ sở để có thể giữ được các xác ướp qua hàng nghìn năm vẫn không phân hủy có lẽ là do cha ông ta xưa đã phát hiện ra một nhóm hóa chất, nhưng hóa chất gì và kỹ thuật như thế nào thì chúng ta chưa có nghiên cứu để biết chắc được. Sự hoàn hảo, cầu kỳ của các bậc thầy năm xưa xứng đáng để thế hệ sau trân trọng, gìn giữ. Việc các xác ướp còn tồn tại tới ngày nay đang là một bí ẩn, cần có sự nghiên cứu liên ngành để có thể hiểu rõ hơn, giúp ích cho các nhà khoa học liên quan”.
Người Đưa Tin

Bình luận(0)