Chuyện chưa kể về hầm vượt sông Sài Gòn

Google News

(Kiến Thức) - Những công việc không thể nào quên khi xây dựng hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn đã được GS.TSKH Lê Quả (người tham gia từ ngày đầu lập dự án) kể lại.

 Mẻ bê tông đầu tiên của hầm Thủ Thiêm được đổ vào ngày 13/9/2007.

Sản phẩm cuối cùng của bể đúc đốt hầm là chế tạo ra các đốt hầm, rồi đánh chìm xuống rãnh hầm được chuẩn bị trước, sau đó gắn nối chúng lại thành đường hầm. Vì vậy, bản thân bể đúc không phải công trình chính, nhưng có ý nghĩa quan trọng như một khâu chính yếu của việc thành công của dự án xây dựng hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn.

Lúc đó có hai công nghệ làm đường hầm phổ biến là khoan thẳng từ bờ bên này sang bờ bên kia và phương pháp làm hầm dìm như đã làm cho hầm Thủ Thiêm vừa rồi.

Tại sao không dùng phương pháp thứ nhất là dùng máy khoan để đào dưới lòng đất? Chủ yếu xuất phát từ giá thành. Nếu dùng khoan về kỹ thuật là làm được nhưng rất đắt. Bởi lẽ phải đào hai hố khoan khổng lồ đường kính lớn, dùng để máy khoan với chỗ làm việc sâu tới hàng vài chục mét ở hai phía bờ sông. Máy khoan với đường kính trên mười mét. Khoan thẳng từ bên này sang bên kia bằng một đường thẳng. Máy khoan này chắc chắn hoặc mua hoặc thuê với công vận chuyển không nhỏ. Sau khi khoan xong là làm hầm bằng bê tông cốt thép mác bê tông cao, chống thấm tốt, độ bền tối thiểu đạt 100 năm.

Xe cộ muốn lưu thông qua hầm bảo đảm độ dốc 4%, thì đường dẫn xuống hầm không thể là tại cửa Bến Nhà Rồng hay xóm Cây Bàng bên bờ Thủ Thiêm mà phải từ ở xa mới dẫn vào được hầm. Và như thế vấn đề tổ chức giao thông khó khăn hiệu quả giao thông khu vực quận 1 ngay trung tâm  thành phố cũng như đầu phía Xóm Cây Bàng (quận 2, TPHCM) sẽ gặp nhiều khó khăn. Khối lượng giải phóng mặt bằng đền bù giải tỏa sẽ rất lớn. Nếu đường dẫn là loại hầm đào lấp thì hầm sẽ rất dài, việc chống ngạt thông gió giảm tiếng ồn sẽ phức tạp và tốn kém, tính nguy hiểm sẽ nhiều hơn so với hầm ngắn.

Phương pháp làm hầm dìm là phải đúc sẵn các đốt hầm ở một nơi khác đủ kích thước, đủ độ bền không thấm nước, chịu lực. Sau đó lai dắt các đốt hầm đến vị trí đã được thiết kế, rãnh cho đốt hầm đã được múc, nạo vét bùn đất làm nền đế đủ tiêu chuẩn, có độ rộng và sâu hơn chiều rộng và cao của đốt hầm. Dùng phương pháp định vị tiên tiến bằng vệ tinh, đánh chìm cân chỉnh chính xác các đốt hầm, định vị vào các vị trí đã định rồi liên kết lại là xong đường hầm.  

(còn tiếp)



Hương Nguyên

Bình luận(0)