Bộ Y tế vừa thành lập Tổ Hội chẩn chuyên môn chăm sóc, điều trị ca bệnh Covid-19 diễn biến nặng, nguy kịch theo quyết định ngày 19/3.
Tổ gồm 30 thành viên, trong đó, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Phó trưởng Tiểu ban điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, đảm nhận vai trò chỉ đạo chung.
GS.TS Nguyễn Gia Bình, nguyên trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam, làm tổ trưởng, có trách nhiệm điều hành Tổ Hội chẩn, chịu trách nhiệm về các chỉ định điều trị, chăm sóc đối với các ca bệnh diễn biến nặng, nguy kịch.
|
Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 - nơi đang điều trị cho rất nhiều bệnh nhân Covid-19. Ảnh: VNN. |
GS.TS Ngô Quý Châu - quyền Chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, làm Phó tổ trưởng.
Các thành viên còn lại là những chuyên gia đến từ các khoa Hồi sức tích cực, Cấp cứu, Truyền nhiễm,Vi sinh, Dinh dưỡng, Dược của các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa đầu ngành như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương; Bệnh viện Chợ Rẫy,…
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Tổ Hội chẩn có nhiệm vụ căn cứ theo tình hình diễn biến của từng ca bệnh tại các bệnh viện, tiến hành hội chẩn trực tiếp hoặc trực tuyến ngay theo đề xuất của bệnh viện có ca bệnh nặng, nguy kịch.
Thành phần tham gia của từng buổi hội chẩn theo đề nghị của tổ trưởng Tổ Hội chẩn. Hội chẩn theo nguyên tắc thảo luận tập thể, tổ trưởng sẽ quyết định phương án chăm sóc, điều trị theo đa số để đạt hiệu quả điều trị cao nhất.
Hiện nay, các y bác sĩ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cùng các chuyên gia hàng đầu về hồi sức tích cực, hô hấp, truyền nhiễm… được điều động từ Bệnh viện Bạch Mai vẫn liên tục hội chẩn trực tuyến hàng ngày để hỗ trợ điều trị cho 2 bệnh nhân.
Các chuyên gia này sẽ cập nhật và phân tích diễn biến các ca bệnh nặng, nguy kịch theo đề xuất của bệnh viện, đưa ra khuyến cáo, phương án chăm sóc, điều trị hiệu quả nhất cho từng ca bệnh; Đề xuất những trang thiết bị cần thiết để hỗ trợ điều trị.
Các thành viên trực tiếp liên hệ, trao đổi thường xuyên tình hình diễn biến của bệnh nhân qua mọi hình thức (nhóm điện thoại, email, ...) để kịp thời xử lý các tình huống diễn biến của bệnh nhân nặng.
Video "Việt Nam có ca mắc Covid-19 thứ 46 và 47". Nguồn: VTC Now.
Tính đến sáng 20/3, Việt Nam ghi nhận 85 bệnh nhân mắc Covid-19, trong đó 17 ca điều trị khỏi. Hiện, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị 31 ca, trong đó có 2 người diễn biến nặng.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19, trong số những bệnh nhân Covid -19 đang điều trị tại 12 cơ sở khám chữa bệnh, có 2 bệnh nhân có tình trạng nặng đang được điều trị tích cực và 7 bệnh nhân có tiến triển nặng lên, các trường hợp còn lại sức khỏe ổn định.
Tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội) đang điều trị rất trường hợp mắc Covid-19. Trong số này, nhiều bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm âm tính 1 lần, đó là bệnh nhân 17, bệnh nhân số 25 người Mexico, bệnh nhân số 27 người Anh và bệnh nhân số 24 người Ireland.
Riêng với 2 trường hợp bệnh nhân nặng là nữ bệnh nhân người Việt 64 tuổi (BN19) kèm bệnh lý nền là rối loạn tiền đình và nam bệnh nhân người Anh (BN26) 69 tuổi kèm bệnh lý nền là tăng huyết áp, đái tháo đường tuýp2 hiện vẫn được theo dõi tại Khoa Hồi sức tích cực. Cả hai bệnh nhân này đã được đặt thở máy (từ ngày15/3), lọc máu.
Riêng nữ bệnh nhân Việt, do tình trạng suy hô hấp tiến triển nhanh nên hội đồng chuyên môn cấp Bộ Y tế và tổ hồi sức bệnh nhân Covid-19 nặng - Bộ Y tế đã thống nhất chỉ định can thiệp ECMO từ hôm qua (19/3).
Bộ Y tế hướng dẫn việc cách ly y tế tại nhà
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, cách ly y tế, bao gồm: cách ly tại cơ sở y tế, cách ly tại cơ sở cách ly tập trung và cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Việc cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú được áp dụng đối với những người đã tiếp xúc với người có tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân được xác định nhiễm virus SARS-CoV-2 (đối tượng F2), những người tiếp xúc gián tiếp (đối tượng F3, F4). Thời gian cách ly được quy định là 14 ngày kể từ khi tiếp xúc với nguồn nghi ngờ truyền nhiễm.
Người được cách ly cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân sau đây:
- Thường xuyên đeo khẩu trang; thu gom khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng vào túi đựng rác thải riêng có nắp đậy và mang đi xử lý hàng ngày.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn chứa ít nhất 60% cồn.
- Không dùng chung các đồ dùng vật dụng cá nhân như bát, đũa, thìa, cốc, bàn chải đánh răng, khăn mặt... Không ăn chung cùng với những người khác trong gia đình, nơi ở, nơi lưu trú.
- Đảm bảo ăn uống đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước, vận động cơ thể, tập thể dục nhẹ nhàng tại chỗ. Việc người dân nâng cao ý thức cộng đồng, thực hiện tốt các quy định cách ly, vệ sinh phòng dịch là góp phần chiến thắng giặc dịch Covid-19.