Những nghi án “đầu độc” thực phẩm hoang mang dư luận

Google News

(Kiến Thức)  -Trong tuần qua, nhiều nghi án liên quan đến việc "đầu độc" thực phẩm bị cơ quan chức năng và người dân phát hiện gây hoang mang dư luận.

Trứng gà làm từ cao su
Đoạn video phát hiện trứng gà non làm bằng cao su được quay bởi tác giả Trần Quang Khải trong những ngày vừa qua, ghi lại cảnh thực nghiệm kiểm tra một bát bún miến được cho là có nguồn gốc từ phố Chùa Hà (Hầ Nội) khiến dư luận hết sức hoang mang.
Theo tác giả của đoạn video, những quả trứng gà này nhìn bề ngoài rấy giống trứng gà non thật. Tuy nhiên, khi luộc chín, thì lòng đỏ có màu vàng, có mùi tanh của trứng và khi ăn thì dai giống như nhựa cao su. Đặc biệt, những quả trứng non được anh Khải bóp ra một cách dễ dàng, song vẫn còn bám dính một chất nhờn trên tay.
 Trứng gà cao su được phát hiện ở chùa Hà
Khi đốt những quả trứng này đốt trên bếp ga, thì trứng cháy lên, nổ lép bép và có mùi khét như cao su. Trứng sau khi cháy xong có màu đen, cứng như cao su cháy. Người quay video miêu tả những quả trứng này “cháy như lốp xe” và cho rằng công nghệ làm trứng giả quả là “kinh khủng khiếp”.
Cách đây hơn 1 năm cũng tại phố chùa Hà, người tiêu dùng đã phát hiện trứng non làm bằng cao su trong bún ngan. Khi mang những quả trứng về, người này kiểm tra bằng cách cắt ra thì thấy miến trứng sau khi bị uốn cong liền trở lại trạng thái ban đầu, ăn vào có vị nhạt.
Thực tế hiện nay, có rất nhiều lại thực phẩm đã từng bị “tình nghi” có xuất xứ từ cao su như: mỳ tôm, mực và trứng.
Phát hiện hàng ngàn tuýp thuốc kích rau mầm
Ngày 13-11, tại khu vực Gia Lâm, Hà Nội, Đội 6, Phòng CSĐT tội phạm về môi trường (PC49 - CA TP. Hà Nội) phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 11 (Hà Nội) đã kiểm tra 2 xe tải do có nhiều dấu hiệu nghi vấn.
Kết quả phát hiện trong một xe mang BKS 29C-21528 đang chở 20 thùng thuốc tăng trưởng, loại dùng cho rau mầm. Qua kiểm đếm có tất cả 80.000 tuýp thuốc dạng nước, chuyên dùng để kích thích tăng trưởng cho các loại rau mầm. Theo thông tin ghi trên bao bì, loại thuốc này có thể khiến rau cao thêm 2cm trong vòng 4 giờ đồng hồ. Theo điều tra ban đầu, số hàng này được đưa về từ Trung Quốc qua cửa khẩu Lạng Sơn về Hà Nội để phân phối.
 Thuốc kích thích rau mầm bị phát hiện và thu giữ
Trước đó, nhiều vụ sử dụng hóa chất ngâm giá đỗ đã được cơ quan chức năng phanh phui và xử lý. Ngày 9/10, Sở NN-PTNT Quảng Bình cho biết đã kiểm tra và phát hiện hai cơ sở sản xuất giá đỗ ở huyện Lệ Thủy đã sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc để kích thích giá đỗ lên mầm.
Ngày 7/5, đoàn kiểm tra liên ngành của TP.HCM cũng bắt quả tang 2 cơ sở sản xuất giá đỗ sử dụng các loại thuốc, hóa chất tăng trưởng không có nguồn gốc, xuất xứ.
 Giá đỗ là "nạn nhân" thường bị sử dụng hoá chất nhất
Những vụ việc trên đã dấy lên mối lo ngại về chất lượng giá đỗ trên thị trường. Để giá đỗ lớn nhanh, thân mập và trắng, ít rễ, không ít người sản xuất đã sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng nhằm thu lời nhanh và nhiều nhất. Theo người có kinh nghiệm, trung bình phải 5 ngày mới sản xuất được một mẻ giá đỗ theo phương pháp truyền thống, nhưng nếu sử dụng thuốc "thúc" thì chỉ cần 2 ngày là đã có một mẻ giá trắng mập và không có rễ.
Bánh bao độc hại từ trong ra ngoài
Theo điều tra của phóng viên tại hai cơ sở khá nổi tiếng trong giới làm bánh bao ở Thanh Xuân, Hà Nội thì quy trình sản xuất bánh bao ở đây rất mất vệ sinh.
Cơ sở bánh bao của anh M (ở Triều Khúc, Thanh Xuân) là căn gác xép xập xệ, ẩm thấp; lối vào là nơi thu gom phế thải với chai, lọ ngổn ngang cùng những thùng đồ phế thải cao ngất bốc mùi nồng nặc. Tại cơ sở sản xuất, những chiếc thùng, xô, chậu lem luốc, dính đầy bột trắng.
Còn tại cơ sở sản xuất bánh bao nhà chị N. (quận Thanh Xuân, Hà Nội), công nhân dùng tay trần trực tiếp lăn, nặn, bóp bánh. Những rổ trứng chim cút được bóc tách và chuyển ngay vào chỗ làm bánh, không qua khâu lọc rửa. Những chiếc khay đựng bánh vứt ngổn ngang giữa lối đi, dụng cụ đồ nghề bày bừa bãi trên sàn nhà. Tường nhà ẩm thấp, mốc xanh, mốc trắng, chiếc kệ gỗ được đặt trong một góc nhà đầy rẫy những túi bột mì xếp lung tung, bừa bộn.
 Sự so sánh bánh bao có chất tẩy và không có chất tẩy
Không chỉ có ở Hà Nội, tại TP.HCM nhiều khách hàng tại một cơ sở bánh bao khá nổi tiếng ở huyện Hóc Môn phán ánh, ngoài khâu làm bánh mất vệ sinh, nhiều cơ sở còn dùng thịt ế, thức ăn thừa làm nhân bánh.
Không chỉ có vậy, nhiều cơ sở còn dùng bột tẩy trắng có tác dụng làm trắng thực phẩm như: bánh bao, bún, phở, miến..., loại bột này được đựng trong cái túi nylon, bên ngoài chỉ dán dòng chữ “tẩy trắng thực phẩm”, không hề có nhãn mác ghi tên, địa chỉ nhà sản xuất cũng như thành phần, công dụng, hạn sử dụng và liều lượng, cách dùng.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, hiện nay, để tẩy trắng một số thành phẩm, các hộ sản xuất vẫn thường dùng đến chất tẩy trắng sunphit natri (Na2SO3). Sunphit natri tách ra thành SO2 là chất ôxi hóa mạnh, gây ảnh hưởng xấu tới đường ruột, có thể gây viêm loét dạ dày. Ngoài ra, đây là một chất gây độc, có khả năng gây hại niêm mạc mắt, niêm mạc miệng, gây hại nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là đối với trẻ em.
Anh Đào (Tổng hợp)

Bình luận(0)