Người đàn ông bị đột quỵ khi đang ngồi làm việc

Google News

Trước khi vào bệnh viện, người đàn ông 40 tuổi ngồi làm việc bình thường tại cơ quan nhưng bất ngờ thấy đau đầu rồi gục xuống ghế, miệng nôn trớ.

Ngày 6/9, các bác sĩ Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, cho biết đơn vị này đã cấp cứu cho nam bệnh nhân 40 tuổi bị chảy máu não nguy kịch.

Các bác sĩ cho hay bệnh nhân nặng 80 kg, cao 1,70 m, chỉ số khối cơ thể BMI là 27,7, có tiền sử tăng huyết áp nhưng không điều trị đều.

Trước khi vào viện, người đàn ông này vẫn ngồi làm việc bình thường tại cơ quan. Ông bất ngờ thấy đau đầu rồi gục xuống ghế, miệng nôn trớ. Bệnh nhân được đồng nghiệp đưa đến bệnh viện gần đó cấp cứu.

Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị chảy máu não nguy kịch. Sau đó, nam bệnh nhân được đưa đến Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, trong tình trạng hôn mê sâu, thở máy, huyết áp tăng rất cao cần dùng thuốc kiểm soát liên tục.

Nguoi dan ong bi dot quy khi dang ngoi lam viec

Hình ảnh chảy máu toàn bộ não thất bên, não thất ba, não thất tư của bệnh nhân. Ảnh: BVCC.

Kết quả chụp phim sọ não cho thấy tình trạng chảy máu toàn bộ não thất bên, não thất ba, não thất bốn gây giãn não thất cấp, gây tắc nghẽn sự lưu thông hệ thống não thất.

"Với mức độ tổn thương này, nếu không can thiệp, bệnh nhân chắc chắn sẽ tử vong", bác sĩ Trung tâm Đột quỵ cho biết.

Sau hội chẩn đa chuyên khoa, các bác sĩ thống nhất phẫu thuật. Bác sĩ phẫu thuật thần kinh mở một mảnh sọ của bệnh nhân, sử dụng các dụng cụ đi từ ngoài thẳng vào trong não thất cố gắng lấy gần toàn bộ máu trong đó. Sau đó, các bác sĩ đặt một ống dẫn lưu máu từ não thất ra ngoài. May mắn, ca mổ diễn ra thành công.

Bệnh nhân được đưa về hồi sức tích cực tại Trung tâm Đột quỵ. Đến nay, sau 7 ngày, người đàn ông này đã đứng dậy, đi lại được tốt.

BSCKI Tạ Vương Khoa, Phó chủ nhiệm khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175, TP.HCM, cho biết thống kê hàng năm cho thấy số lượng người trẻ bị đột quỵ trên thế giới tăng dần đều trong vòng 3 thập niên trở lại đây. Một lý do quan trọng đến từ áp lực công việc ngày càng cao, chế độ nghỉ ngơi không hợp lý, chế độ ăn uống và vận động thiếu khoa học ở người trẻ.

"Những điều này khiến tuổi khởi bệnh của một số bệnh lý vốn là các yếu tố nguy cơ đột quỵ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu ngày càng trẻ hóa", bác sĩ Khoa nói.

Theo chuyên gia này, thực tế cho thấy rất nhiều người trẻ khá chủ quan, không hề quan tâm tiền sử bệnh lý, bị đột quỵ nhập viện mới ngỡ ngàng khi nghe bác sĩ thông báo mình mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường… trong thời gian dài trước đó.

"Tiến bộ của y học suốt hàng chục năm qua tuy đã làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh nhưng đột quỵ vẫn là thách thức lớn cho sức khỏe cộng đồng", phó chủ nhiệm khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175, chia sẻ.

Theo Phương Anh/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)